Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương:

Xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh dân tộc của Hà Giang

THẢO NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vừa phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục&Đào tạo cùng các trường phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.

Xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh dân tộc của Hà Giang - ảnh 1
Hơn 500 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang được tuyên truyền và lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh

Cụ thể, trong giai đoạn 1 (2021 – 2025), hoạt động phòng, chống bệnh thalassemia được thực hiện tại 5 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An với các mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

Chỉ trong 4 ngày (từ 7-10/11), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo về chẩn đoán điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại Sở Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê; truyền thông, phổ biến kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh dân tộc của Hà Giang - ảnh 2
Cán bộ y tế tỉnh Hà Giang tham gia tập huấn về tan máu bẩm sinh.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành truyền thông, tư vấn kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên và học sinh các trường: Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê. Tổng số đã có gần 1.300 học sinh các dân tộc trên địa bàn tỉnh được xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh trong đợt này.

BSCKII. Đỗ Thị Mỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: "Với dân số 935.700 người, gồm 19 dân tộc, trong đó trên 87% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai hoạt động dự phòng, phòng bệnh thalassemia tại tỉnh Hà Giang là rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Chương trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng và tầm vóc của người dân tộc thiểu số, giảm chi phí về gánh nặng y tế cho khám chữa bệnh".

Xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh dân tộc của Hà Giang - ảnh 3
Các cán bộ y tế tham gia tập huấn đều được lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh.

Là chủ thể thụ hưởng trực tiếp của chương trình, đại diện trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang, cô giáo Phạm Thị Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường hiện có 527 học sinh thuộc đủ tất cả 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Được bác sĩ có kiến thức, có phương pháp truyền đạt rất tốt những thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh nên các em học sinh đều hào hứng lắng nghe và tiếp thu.

Đây là cơ hội rất ý nghĩa với học sinh vì các em sắp đến tuổi trưởng thành, có thêm hiểu biết trước kết hôn để phòng tránh, để về tuyên truyền cho gia đình, cho thôn bản. Các thầy cô cũng sẽ có thêm kiến thức để tuyên truyền cho học sinh và phòng bệnh trong cộng đồng".

Xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh dân tộc của Hà Giang - ảnh 4
Các em học sinh háo hức khi được tuyên truyền, được kiểm tra sức khỏe để phòng bệnh

Với đặc thù là tỉnh miền núi có đến hơn 87% dân số là người dân tộc thiểu số, việc đưa các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới các trường Dân tộc nội trú là một trong những kênh truyền thông rất hiệu quả tại tỉnh Hà Giang. Hầu hết các em lần đầu được lấy máu xét nghiệm nên đều có chút lo lắng, nhưng được các thầy cô giáo và nhân viên y tế động viên, giải thích, các em đều háo hức và sẵn sàng tham gia xét nghiệm.

Em Dương Quỳnh Như Ngọc (dân tộc Pà Thẻn) chia sẻ: “Em đã được tuyên truyền và biết rằng tan máu bẩm sinh là bệnh có ảnh hưởng di truyền đến thế hệ sau. Nên em đi xét nghiệm máu để xem có bị gen bệnh này không, rất tốt để phòng tránh”. Ngọc cũng cho biết dân tộc Pà Thẻn hiện chỉ có 8.000 dân sinh sống ở Hà Giang và Tuyên Quang, riêng tại tỉnh Hà Giang thì sinh sống tại huyện Bắc Quang và Quang Bình.

Dự Hội nghị Tập huấn nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho cán bộ các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh Hà Giang, TS.BS. Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: Năm 2017, Viện đã thực hiện nghiên cứu dịch tễ gen bệnh thalassemia trên toàn quốc. Kết quả cho thấy người mang gen bệnh có mặt ở tất cả các dân tộc, ở tất cả các tỉnh/thành phố, ước tính trên 14 triệu người mang gen bệnh. Tỷ lệ mang gen bệnh của dân tộc Mông là 6,72%; dân tộc Tày là 26,11%; dân tộc Dao 25,46%… 

"Hy vọng qua hoạt động này sẽ bước đầu có đánh giá sơ bộ về tỷ lệ người mang gen bệnh thalassemia, từ đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi, quản lý và điều trị bệnh thalassemia trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian tới" - TS.Vũ Đức Bình bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục

Nét văn hóa đan lát của người Dao Yến Dương

Nét văn hóa đan lát của người Dao Yến Dương

(PNTĐ) - Người Dao Quế Lâm ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan lát. Bên cạnh việc giữ gìn những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu, việc lưu giữ nghề đan lát truyền thống, tạo nên những sản phẩm đặc sắc, bền chắc phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây chú trọng quan tâm.
Nỗ lực xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng DTTS ở Bắc Kạn

Nỗ lực xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng DTTS ở Bắc Kạn

(PNTĐ) - Những hoạt động thiết thực trong triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã góp phần xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại cũng như một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Kạn.
Hoàn thành Sổ tay nhận diện Dự án 8

Hoàn thành Sổ tay nhận diện Dự án 8

(PNTĐ) - Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2023 của Hội LHPN  Hà Nội triển khai thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.