“Khoảng trống” giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên

Bài cuối: “Cởi trói” tư duy để lấp đầy

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dù tư duy về giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), giới tính cho trẻ vị thành niên hiện đã cởi mở hơn, nhưng vẫn còn không ít phụ huynh, giáo viên, nhân viên y tế, cộng đồng, vẫn có cách nhìn phiến diện về SKSS tuổi vị thành niên; ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, thậm chí cản trở việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS của trẻ.

Bài cuối: “Cởi trói” tư duy để lấp đầy - ảnh 1
Một buổi giáo dục kiến thức SKSS cho học sinh khối 8, 9 của trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: THCS Yên Nghĩa

Học cách làm bạn thay vì kiểm soát trẻ
Từ thực tiễn giảng dạy, tư vấn, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Để trẻ có thể hiểu đúng, điều khiển được hành vi, suy nghĩ của mình, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần biết cách giáo dục con. Điều cốt lõi là cha mẹ phải tôn trọng, đặt ra quy tắc không xâm phạm đời tư và làm bạn với con một cách đúng nghĩa; cho con được sống vui vẻ, được khám phá thay vì gò ép chúng theo suy nghĩ của người lớn.

- Trong cách thể hiện với các con, hình ảnh của phụ huynh không nhất định phải hoàn hảo mà có thể méo mó, thiếu sót. Nếu bố mẹ quá hoàn thiện, trẻ có thể không dám nói, không dám thể hiện bản thân mình. Nhưng khi bố mẹ phát đi “tín hiệu” cần con sẻ chia, giúp đỡ, trẻ sẽ cảm nhận được thông điệp “bố mẹ tin tưởng con”, “con là bạn của bố mẹ”; rất tự nhiên chúng cũng thoải mái hơn trong chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với bố mẹ. Và chỉ khi nào có thể nói chuyện cởi mở, làm bạn được cùng con, bố mẹ mới hiểu chúng đang nghĩ và cảm nhận ra sao, biết con mình đang “hổng” kiến thức chỗ nào để có cách điều chỉnh, bù đắp - TS Vũ Thu Hương lý giải. 

Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên (VTN), thanh niên (TN) giai đoạn 2020-2025 (ban hành năm 2020 của Bộ Y tế), đã chỉ ra. Ít nhất 80% VTN, TN có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc SKSS, SKTD như tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, hậu quả của mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ít nhất 80% các thầy cô giáo, cha mẹ được cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN. Ít nhất 80% VTN, TN được cung cấp địa chỉ và biết các cơ sở cung cấp dịch vụ có chất lượng về chăm sóc SKSS, SKTD. Ít nhất 50% VTN, TN lứa tuổi 15-24 có hành vi tình dục an toàn.

Đồng tình quan điểm trên, TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học (Bệnh viện E) phân tích: Ở tuổi vị thành niên, tâm sinh lý, hành vi của trẻ thường rất khó kiểm soát; nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể tìm kiếm sự hợp tác nếu biết cách chia sẻ, đồng hành cùng con. “Chẳng hạn khi bé gái dậy thì, có nguyệt san hay một trẻ nam bị mộng tinh… nếu được bố mẹ hướng dẫn, giúp đỡ tìm hiểu, chúng sẽ bớt đi cảm giác lo lắng, thấy tự tin hơn, biết chăm sóc bản thân mình đúng cách, nhờ vậy tập trung tâm trí cho học hành và những việc có ích khác.

Chỉ tiếc, dù thật sự quan tâm nhưng chưa phải cha mẹ nào cũng biết cách trò chuyện, phân tích để chủ đề SKSS, giới tính không còn là vấn đề “khó nói”, không thành “rào cản” khiến bố mẹ khó làm bạn với con. 

Nói vấn đề “nhạy cảm” bằng ngôn ngữ khoa học
Chia sẻ suy nghĩ ở lứa tuổi vị thành niên, em Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 11A12 (trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) bày tỏ: Thật ra hiện nay còn rất nhiều kiến thức mà chúng em chưa được hiểu và tiếp cận như: Kiến thức về pháp luật tuổi vị thành niên, giới tính, tình dục… Những vấn đề này lứa tuổi chúng em rất quan tâm nhưng có vẻ cha mẹ, thầy cô vẫn luôn nghĩ đó là vấn đề tế nhị, chưa có cách giải thích thỏa đáng. 

Ví dụ, cha mẹ hay dặn con không được yêu sớm, yêu thì phải giữ mình, nhưng giữ như thế nào, vì sao phải giữ… thì chưa nói rõ. Hay qua sách vở và bài giảng của thầy cô, học sinh biết rằng HIV lây truyền qua đường tình dục; nhưng không biết rõ tình dục là gì, phương pháp phòng tránh cụ thể. 

“Đây đơn thuần là một vấn đề tâm lý” - TS Vũ Thu Hương nói và chỉ rõ: Phương pháp giải bài toán này rất đơn giản. Khi dạy trẻ về SKSS, giới tính, cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh trẻ hãy thật thẳng thắn, đề cập đến tất cả những vấn đề tưởng chừng “nhạy cảm” bằng ngôn ngữ khoa học, tự nhiên trẻ sẽ tiếp nhận thoải mái và nghĩ rằng học lớp này thế là đủ rồi. Chỉ cần trong quá trình trao đổi, chúng ta ngập ngừng một chút, dừng lại một chút bao giờ cũng khiến người khác tò mò hơn, nhất là trẻ vị thành niên. Bởi nhiều khi kiến thức các bạn ấy được học trong nhà trường không hề giống điều các bạn thấy bên ngoài xã hội. Và chính sự rõ ràng mới khiến trẻ thêm tin tưởng.

Như cách dạy con của chị Nguyễn Thị Kim Loan (trường THCS Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) là một minh chứng. Chị Loan chia sẻ: “Nhiều bố mẹ khi nghe con hỏi hay nhắc tới chuyện yêu đương liền nói phủ đầu: “Tuổi này con phải tập trung vào học hành, không được yêu đương”; hoặc cho rằng đó là dấu hiệu con mình đua đòi, hư hỏng, học theo thói xấu. Bản thân tôi không nghĩ và làm như vậy. Khi con nhắc tới chuyện tình cảm, tôi rất vui vẻ, không cấm đoán mà giải thích cho con yêu là gì, ở lứa tuổi các con nên làm gì, chưa nên làm gì; thậm chí đề cập tới khái niệm thế nào là xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn; hệ quả pháp lý phải gánh chịu kể cả khi “vô tình” làm sai… để con biết lựa chọn cách ứng xử. Chính sự thẳng thắn trong tư vấn, trò chuyện giúp tôi và các con tìm được tiếng nói chung, bất cứ hoạt động gì từ học tập tới tình cảm… đều tin tưởng chia sẻ với mẹ”. 

Xây dựng chương trình, lộ trình giáo dục phù hợp
Liên quan tới câu chuyện “tiếng nói chung”, theo TS Vũ Thu Hương, một vấn đề đáng quan tâm khác là mặt bằng kiến thức và quan niệm giữa phụ huynh với phụ huynh, phụ huynh với con cái đang không đồng đều. Chẳng hạn trước thông tin bé gái 13 tuổi ở Hà Nội sinh con, trong khi rất nhiều cha mẹ sửng sốt thì không ít học sinh lại dửng dưng vì thấy đây không phải chuyện lạ. 70% mọi người vẫn nghĩ cần phải dạy con kiến thức về SKSS nhưng không cần dạy sớm quá; trong khi từ tiểu học, trẻ đã có nhu cầu tìm hiểu. 

“Giải quyết vấn đề trên, nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở Hà Nội đã áp dụng phương pháp rất hay đó là tổ chức buổi học kỹ năng về SKSS, giới tính nhưng mở song song 2 lớp, một cho học sinh, một cho phụ huynh; và yêu cầu mọi người phải tham dự đầy đủ. Làm như vậy sẽ giúp mặt bằng chung về kiến thức SKSS, giới tính của cả lớp ngang nhau; đồng nghĩa với việc mọi người sẽ tìm được tiếng nói chung trong cách giải quyết nếu có “sự cố” nào phát sinh” - TS Vũ Thu Hương dẫn chứng.

Là người nghiên cứu và bắt đầu dạy về SKSS, giới tính từ năm 2008, TS Vũ Thu Hương thấy rằng để lấp đi “khoảng trống” trong giáo sục SKSS còn cần có chương trình đào tạo và lộ trình mang tính dài hơi; đòi hỏi sự nghiêm túc trong tư duy, cách tiếp cận và tiếp thu của mọi chủ thể từ trẻ vị thành niên, tới gia đình, thầy cô, xã hội.

 “Ở một số nước phát triển, 3-5 tuổi trẻ đã tiếp xúc với kiến thức SKSS qua các bài học về vệ sinh cơ thể, các bộ phận trên cơ thể không được để người khác chạm vào. Giáo dục SKSS, giới tính được xem là một môn học bắt buộc tới tận lớp 9, giúp trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính, LGBT, phim nóng, quan hệ sớm, chất kích thích trong quan hệ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, pháp lý… Sau mỗi kỳ, mỗi năm học đều tổ chức thi hết môn rất nghiêm túc” - TS Vũ Thu Hương cho biết.

Tuy nhiên, khi chưa có lộ trình dài hơi, giải pháp trước mắt để giúp trẻ nâng cao hơn kiến thức về SKSS, theo TS.BS Nguyễn Đình Liên là cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành y và giáo dục. “Đi giảng dạy kiến thức giới tính tại nhiều trường học mới thấy, việc xây dựng bài giảng về SKSS, tình dục học sao cho phù hợp từng độ tuổi, cấp học còn rất thiếu; ngay như đối tượng trên 18 tuổi ở các trường đại học kiến thức cũng chưa đủ. Vì thế, các nhà trường nên tổ chức thêm buổi sinh hoạt ngoại khóa, mời các bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu, nam khoa, sản khoa… về giảng ở trường để có sự kết nối và truyền đạt kiến thức đúng, đủ, chuẩn xác; ngoài chia sẻ cho học sinh thì chia sẻ thêm cho cả giảng viên”.

Để việc giảng dạy đạt hiệu quả nhất, nhiều bạn học sinh đề xuất không nên tổ chức ở quy mô rộng mà khuôn lại trong phạm vi hẹp theo từng lớp, nhóm học sinh. Bởi khi tổ chức theo hình thức sinh hoạt dưới cờ hoặc đông người, dù có băn khoăn muốn được giải đáp các bạn cũng ngại, sợ rằng nếu hỏi trước toàn trường sẽ bị bạn khác trêu đùa. Kết quả là việc học tập mang tính thụ động (chuyên gia nói - học sinh nghe) sẽ khiến các bạn thấy nhàm chán, không thích thú, không tập trung lắng nghe nên kiến thức thu nhận được rất ít.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.