Bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Chia sẻ

Ngày trẻ em thế giới (20/11) năm nay sẽ tập trung vào vấn đề sức khỏe tâm thần cho trẻ. Đây là một ngày cho trẻ em, vì trẻ em và là thời điểm khẳng định các cam kết tôn trọng, bảo vệ quyền trẻ em.

Ngày 17/11, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới (20/11) với chủ đề "Chăm sóc, bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần ở trẻ em."

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm ngày Trẻ em thế giớiCác đại biểu tham dự lễ kỷ niệm ngày Trẻ em thế giới.

Chương trình mong muốn lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tới sự phát triển của các bạn trẻ, thanh thiếu niên, những thế hệ tương lai của đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, Ngày trẻ em thế giới là một sự kiện có ý nghĩa, là ngày để chúng ta cùng hành động, vận động chính sách; nâng cao nhận thức của xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách mà trẻ em đang phải đối mặt.

Ngày trẻ em thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, toàn thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trong đó, trẻ em và thanh thiếu nhi phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch COVID-19 với các giải pháp thiết thực và bền vững. Thứ trưởng hy vọng những việc làm thiết thực và ý nghĩa của chúng ta sẽ góp phần đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, giúp các em có cơ hội phát triển tự tin trong tương lai.

Bà Rana Flowers, đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Trong hai năm vừa qua, tác động của đại dịch được thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực của Công ước về Quyền trẻ em, cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả các quyền trẻ em, ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau.”

Đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến quyền trẻ em như: Các em bị cách ly với môi trường quen thuộc bên ngoài, có sợ hãi, lo lắng nhất định... Việc phong tỏa xã hội đã dẫn đến một tỷ lệ trẻ em ở nhiều nước phải sống trong im lặng và cảm thấy bị cô lập. Khi đại dịch chấm dứt, các tác động về kinh tế-xã hội cũng như hậu quả về sức khỏe tâm thần vẫn sẽ tiếp tục. Như một "đại dịch" thầm lặng, trẻ em và thanh thiếu niên chưa đủ mạnh mẽ để lên tiếng nói ra sự thật với bạn bè, người thân, gia đình. Vì thế, cần khuyến khích trẻ em chia sẻ, nói ra vấn đề của bản thân với người khác để nhận được sự giúp đỡ nhằm thay đổi sức khỏe tâm thần theo hướng thoải mái hơn, bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Tại lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới, các đại biểu đã nghe những chia sẻ của nhà văn Trang Hạ, MC Thảo Vân và ca sỹ Duy Khoa về những vấn đề của phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và thanh, thiếu niên; chia sẻ của các em học sinh về suy nghĩ, trải nghiệm thực tế của bản thân và tư vấn của chuyên gia tâm lý, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thành Nam.

Tại lễ kỷ niệm, UNICEF và Tiktok đã công bố một thử thách trên Tiktok. Lấy ý tưởng "ngắt kết nối để kết nối lại," thách thức trên Tiktok khuyến khích trẻ em rời xa các thiết bị kỹ thuật số, dành thời gian với gia đình, bạn bè và có những trải nghiệm tại thế giới thực.

HẢI CHI

 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.