Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ

Chia sẻ

Trong cuộc sống hiện đại, bình đẳng giới được nhìn nhận và đánh giá ở góc độ đa chiều. Bình đẳng giới đa chiều được thể hiện trong cuộc sống và sức khỏe; giáo dục và học tập; sự tham gia, sự ảnh hưởng…Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận lại những góc nhìn đa chiều về bình đẳng giới trong cuộc sống thời hiện đại nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: Bình đẳng giới sẽ “khập khiễng” nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 1

Lâu nay, câu chuyện khát vọng về bình đẳng giới hầu như vẫn chỉ đề cập dưới góc độ là khát vọng của phụ nữ Việt. Vì phụ nữ là phái yếu, là nạn nhân của bất bình đẳng nên mới phải đấu tranh để “đòi” quyền bình đẳng cho họ. Ở một góc độ nào đó, truyền thông vẫn còn mang nặng thông điệp “chỉ có phụ nữ mới cần bình đẳng giới” nên mọi chương trình, hành động đều hướng đến đối tượng phụ nữ làm trung tâm. Thế nhưng, thực tế, chúng ta cần xem xét bình đẳng giới từ quan điểm cả hai giới chứ không phải chỉ cho phụ nữ.

Từ trước đến nay những câu chuyện, nghiên cứu về nam giới rất ít. Đó là lý do mà tôi muốn có những nghiên cứu về nam giới để hiểu nam giới nghĩ gì, tại sao họ lại ứng xử bất bình đẳng và trở thành “thủ phạm” gây ra tình trạng bất bình đẳng giới. Thực tế cho thấy nỗ lực bình đẳng giới sẽ khập khiễng nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông.

Từ nghiên cứu “Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” của chúng tôi, cách nam giới nghĩ về bản thân cũng chưa thay đổi đáng kể, nhiều người vẫn nghĩ rằng đàn ông giỏi giang, có năng lực hơn và dù có ứng xử như thế nào thì xã hội vẫn sẽ khoan dung họ hơn.

Chính những tiêu chí truyền thống về “một người đàn ông đích thực” đã kéo lùi nam giới và bình đẳng giới. Ví dụ như đàn ông phải là người kiếm được nhiều tiền, phải là trụ cột kinh tế trong gia đình đang trở thành áp lực nặng nề đối với đàn ông thời hiện đại. Khi họ bị thua kém những người phụ nữ giỏi giang, kiếm tiền nhiều hơn mình thì họ trở nên mặc cảm tự ti, thấy quyền lực của mình bị thách thức và có một số người dùng bạo lực để lấy lại uy quyền uy của mình.

Hiện nay, bình đẳng giới không còn được xem xét như là vấn đề chỉ của phụ nữ mà phải là vấn đề của cả nam giới và các giới khác nữa. Bình đẳng giới phải được thực hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là bình đẳng giới thực chất. Chúng ta đều biết phụ nữ và nam giới đều có năng lực khác nhau. Việc tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng thể hiện năng lực của mình ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mới chính là bình đẳng giới thực chất.

Anh Thái Ngô Hùng - Giảng Viên - HLV chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp (Cty cổ phần dịch vụ chăm sóc sức khỏe HAB Việt Nam): Bình đẳng sẽ mang lại hạnh phúc cho cả hai giới

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 2

Với quan niệm của cá nhân tôi, phụ nữ luôn là người đang chịu thiệt thòi hơn so với đàn ông trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội. Ở góc độ nào đó, phụ nữ vẫn gắn liền với sự hy sinh quyền lợi và hạnh phúc cá nhân của mình cho gia đình, chồng, con. Có những người vợ chấp nhận lui về sau, làm hậu phương vững chắc cho chồng phấn đấu, thăng tiến ngoài xã hội.

Có những người mẹ từ bỏ ước mơ, sự nghiệp, thậm chí cam chịu mọi bất hạnh để cuộc sống của con đủ đầy, hạnh phúc. Ở ngoài xã hội, phụ nữ vẫn còn chịu thiệt thòi hơn so với nam giới trong đề bạt, thăng tiến, giữ vị trí lãnh đạo vì định kiến giới. Vì thế, chúng ta cần trân trọng và biết ơn những gì mà người phụ nữ đã hy sinh, tạo cho họ có cơ hội phấn đấu trong cuộc sống, sự nghiệp giống như nam giới.

Theo tôi chỉ có sự bình đẳng mới có thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cả hai giới. Sự bình đẳng ấy không phải cứ cân bằng nam nữ đều giống nhau về một tỷ lệ nhất định, mà nó là sự hỗ trợ, thấu hiểu để cả hai bên đều cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc. Ví dụ khi phụ nữ vất vả mang thai, sinh nở, chăm sóc con cái thì nam giới cần yêu thương và chia sẻ khó khăn cho người vợ về tài chính, chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con… Trong gia đình mọi việc cần được vợ chồng bàn bạc và chia sẻ từ việc nhỏ đến việc lớn, từ mục tiêu để cùng nhau thống nhất, có như vậy cuộc sống mới hạnh phúc.

Có ý kiến cho rằng thời hiện đại sự bình đẳng được thiết lập thì không cần có riêng một ngày để tôn vinh phụ nữ như ngày 8/3, nhưng tôi nghĩ vẫn cần. Bởi thực tế, dù chúng ta đang nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực nhưng không phải đã đạt được kết quả tuyệt đối. Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn, phụ nữ vẫn là nạn nhân chịu thiệt thòi, vẫn đang chấp nhận hy sinh nhiều hơn đàn ông trong cuộc sống. Thông điệp tôn vinh họ một ngày để nhắc nhở cho chúng ta không quên hành động để xóa bỏ bất bình đẳng đang tồn tại, biết trân trọng và yêu thương những người phụ nữ của mình hơn.

Nhà thơ, tiến sĩ Trần Hoàng Thiên Kim: Sự bình đẳng ngày càng thể hiện rõ khi phụ nữ có cơ hội phấn đấu

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 3

Tôi cho rằng trong xã hội hiện đại, không chỉ nam giới mà với phụ nữ cùng lao động, làm việc như đàn ông, thậm chí có khi còn hơn. Vì ngoài công việc ở công sở, họ còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ, giữ lửa ấm cho ngôi nhà, cho căn bếp. Vì thế cả đàn ông và phụ nữ đều phải chia sẻ trách nhiệm giới với nhau. Trong gia đình tôi, công việc trong gia đình sẽ được chồng hỗ trợ hết sức, không có sự phân biệt. Chồng tôi vẫn lau nhà, chợ búa, rửa bát, dọn dẹp những lúc vợ bận rộn. Nhờ có sự chia sẻ đó, tôi có cơ hội học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trong sự nghiệp.

Riêng về chuyện làm ăn, lo toan kinh tế thì sự bình đẳng càng ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Nhiều người phụ nữ đã là những trụ cột kiếm tiền của gia đình, vì họ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để kiếm tiền lo cho gia đình khi được ra xã hội làm việc, phấn đấu như nam giới. Gánh nặng trụ cột kinh tế không còn dồn lên vai của người đàn ông như trước. Sự bất bình đẳng trong trách nhiệm lo cho gia đình không còn quá nặng nề trong câu hỏi ai là người kiếm tiền chính trong gia đình.

Đàn ông trong đời sống hiện đại họ không còn là “phái mạnh” đáp ứng đủ các tiêu chí trước đây, vì phụ nữ cũng không còn là “phái yếu” và yếu thế như ở xã hội cũ nữa. Điều này cũng cho thấy xã hội chúng ta đang rất phát triển, nữ quyền được coi trọng, bất bình đẳng giới đang dần được xóa nhòa trong đời sống đương đại. Đây là một tín hiệu vui để những người phụ nữ còn yếu thế đâu đó trong xã hội sẽ có cơ sở, có điểm tựa để đấu tranh, tìm lại bình đẳng cho cuộc đời mình.

Hiện nay, nữ quyền, bình đẳng giới đều đã được chú trọng, các chị em được các anh quan tâm chúc mừng không còn chỉ là ngày 8/3 mà còn nhiều ngày khác nữa.

Ngày 8/3 theo tôi cũng không nên quá rầm rộ nhưng cũng cần phải có để cho những người đàn ông của phái nữ có thêm được những cơ hội quan tâm, chăm sóc người phụ nữ, người vợ, người mẹ của mình. Đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp trong đời sống, cũng là một cách để mỗi gia đình có thêm một ngày vui đoàn viên, ấm áp và thêm trân trọng người phụ nữ bên cạnh mình…

Chị Nguyễn Thị Thu Hường - Uỷ viên Thường vụ Hội LHPN phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân: Thay đổi định kiến để bình đẳng giới thực chất

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 4

Theo quan điểm, nếp nghĩ hàng ngàn năm của người Á Đông, người vợ là “hậu phương” trong gia đình, chăm sóc con cái, lo cơm nước, bếp núc hàng ngày; còn nam giới là phái mạnh, là trụ cột, có quyền quyết định tất cả mọi “công to việc lớn” trong gia đình mà không nhất thiết phải trao đổi, bàn bạc với người vợ. Có không ít trường hợp, người vợ có ý kiến góp ý thì bị gạt đi và cho là “phụ nữ biết gì mà nói”.

Quan niệm này đã và đang còn hiển hiện trong cuộc sống, truyền từ đời này sang đời khác. Tại một số gia đình có từ 2-3 thế hệ chung sống cùng nhau, vẫn còn các bà, các mẹ xem tất cả việc gia đình là của người vợ; còn người chồng đi làm, lo toan việc lớn nên về đến nhà không cần phải “đụng chân đụng tay” việc gì cả. Vì thế, ngay cả khi người đàn ông không có tính lười biếng, muốn giúp việc nhà cho người phụ nữ thì họ cũng bị tước đi sự chăm chỉ đó.

Từ thực tế trên, khi tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại cơ sở, chúng tôi luôn mong muốn có sự tham gia tích cực của các anh em để người chồng, người cha trong gia đình hiểu về bình đẳng giới, qua đó thay đổi nhận thức, tự điều chỉnh hành vi, lời nói, cách ứng xử trong gia đình, có sự tôn trọng và chia sẻ với người phụ nữ.

Qua nhiều năm liên tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, điều rất mừng là nhiều anh em tự giác và hạnh phúc khi được cùng làm việc nhà với vợ, chăm sóc con cái và lắng nghe vợ nhiều hơn.

Họ đã rất tự tin chia sẻ rằng: Thời đại hiện nay đã khác rồi, việc nhà của đàn ông là bình thường. Trong công tác dân số kế hoạch hoá gia đình tại cơ sở cũng vậy, trước đây khi tuyên truyền vận động, chúng ta chú trọng vận động người phụ nữ hơn trong khi đàn ông là người chủ động. Sau này, chúng tôi từng bước “kéo” người đàn ông vào cuộc để họ chia sẻ, chủ động thực hiện kế hoạch hoá gia đình thì người phụ nữ đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Để cuộc sống gia đình hạnh phúc và bình đẳng luôn phải có sự chung tay dựng xây của cả người vợ và người chồng. Khi cả hai bên cùng hiểu, cùng hợp tác giải quyết vấn đề sẽ góp phần tạo bình đẳng thực chất, người vợ được người chồng thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và tạo điều kiện để công tác, thăng tiến. Nếu không có sự tham gia của nam giới, chúng ta chỉ tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người phụ nữ thì chưa đủ.

Chị Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên:  Không đặt gánh nặng trách nhiệm giới lên vai một người

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 5

Xã Phú Yên có làng nghề da giày truyền thống nên các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại rất phát triển, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Cũng như nhiều làng nghề khác trên địa bàn thành phố, tại xã Phú Yên, nhiều gia đình, cả hai vợ chồng cùng tham gia lao động sản xuất, không phân biệt nam - nữ, không có ai ngồi chơi để một nửa còn lại phải một mình vất vả sớm hôm lo toan cơm áo gạo tiền.

Vì có sự cảm thông và cùng nhau gánh vác các công việc như vậy nên trọng trách, áp lực trong cuộc sống được san sẻ, không đổ dồn lên vai của một người. “Thuận vợ thuận chồng” đã góp phần làm cho cuộc sống gia đình hạnh phúc và cân bằng, giảm bớt căng thẳng, mâu thuẫn thường nhật.

Tích cực và chủ động tham gia lao động sản xuất dựa trên đặc thù giới nên vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng được nâng cao hơn, bình đẳng hơn, được tôn trọng và đánh giá cao. Thậm chí, có nhiều chị em giỏi giang, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, có khả năng làm kinh tế không kém đàn ông. Tuy nhiên, ở vùng quê ngoại thành, đa phần chị em đều thuần tính, khiêm tốn, nỗ lực cố gắng vươn lên chủ động kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào đàn ông vừa lo toan, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái ăn học nên người. Ở góc độ này, chị em đã và đang chia sẻ áp lực, gánh nặng với người đàn ông.

Để có được sự tiến bộ, thông thoáng hơn trong tư tưởng, dần dần thay đổi định kiến về giới trong xã, có sự ủng hộ rất lớn của các cấp chính quyền trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới thông qua các sự kiện truyền thông, hội thi, hội thao thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia, trong đó có sự ủng hộ, tham gia tích cực của các anh nam giới.

ThS.BS.CKII Nguyễn Công Định - Giám đốc cơ sở 2 BV Phụ sản Hà Nội: Nam hay nữ đều đáng trân trọng như nhau

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 6

Trong xã hội bây giờ, nam hay nữ đều đã được xem trọng và trao cơ hội như nhau, nhiều nữ giới thậm chí còn giỏi giang, thành công hơn cả nam giới. Trẻ con khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng. Chính quan niệm, cách dạy dỗ, ứng xử của cha mẹ với con là yếu tố quan trọng giúp chúng phát triển, hình thành nhân cách. Nếu con trai, con gái đều được bố mẹ yêu thương, đối xử bình đẳng về điều kiện sống, cơ hội phát triển, trao trách nhiệm và quyền lợi tương đương... thì dù trai hay gái đều sẽ phát triển tốt, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội, là niềm tự hào và đáng được trân trọng như nhau.


Trong quá trình công tác, không ít khách hàng gọi điện cho tôi nhờ tư vấn: “Em đã đẻ 2 bé gái/ bé trai rồi, bây giờ em rất muốn sinh thêm con trai/ con gái, anh có cách gì không”, “Thai của em đã được 8 tuần, em rất muốn biết giới tính của bé”, thậm chí có người bằng cách nào đó biết được giới tính của thai nhi trong bụng lại nhờ tư vấn cách can thiệp vì không muốn giữ lại.

Với những trường hợp như vậy, việc đầu tiên của tôi là từ chối, sau đó thuyết phục họ không nên can thiệp, một số tình huống còn không thể can thiệp bởi lý do chuyên môn, và vì đó là việc làm đi ngược với pháp luật, đạo đức. Tôi cũng hay kể cho các bạn câu chuyện bên Mỹ, nhiều địa phương dựng bảng rất to ở ven đường cao tốc với dòng chữ “Trước khi bạn bỏ thai, hãy suy nghĩ lại vì đó là một cuộc đời”. Chưa kể, nhiều cặp vợ chồng đã gặp phải tai biến sản khoa không mong muốn vì quyết định can thiệp lựa chọn giới tính, khiến sau này “có chả được, canh chả xong”, không thể mang thai trở lại hoặc để mang thai rất khó khăn.

Anh Trần Hữu Hiếu - giáo viên CLB Toán học MathSpace: Bình đẳng là tôn trọng, lắng nghe nhau trong mọi hoàn cảnh

Bình đẳng giới không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ - ảnh 7

Mình thấy quan niệm bình đẳng giới bây giờ đã khác xưa, có nghĩa nam hay nữ đều được trao cơ hội như nhau và có quyền làm những việc mình muốn mà pháp luật không cấm. Trong gia đình cũng vậy, vì mỗi người có thế mạnh riêng nên sẽ tùy trường hợp để cân đối, giúp phát huy thế mạnh đó. Chẳng phải chồng không giỏi nội trợ, không vào bếp mà vợ nói rằng đó là bất bình đẳng. Hay không vì vợ ở nhà lo nội trợ, quán xuyến việc gia đình để chồng yên tâm “thăng tiến” sự nghiệp mà bị coi thường. Đó là sự phân công lao động trong xã hội, cùng tạo ra giá trị nên ai làm công việc gì cũng đều rất đáng trân trọng.

Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, sự bình đẳng trong phân chia công việc theo sở trường, thế mạnh là quan trọng nhưng cũng rất cần sự thấu hiểu, tôn trọng, thương yêu nhau. Như trong gia đình mình, cả hai luôn tạo điều kiện và vui vẻ với lựa chọn của “nửa kia”. Chỉ cần việc đó là lành mạnh, không gây hại cho xã hội thì đôi khi dù mình không thích, mình vẫn tôn trọng, chấp nhận quyết định của đối phương. Đồng thời, trong mọi việc phát sinh, dù biết sẽ có sự đồng thuận nhưng trước khi thực hiện cả hai đều chia sẻ, trao đổi với nhau.

Mình vẫn hay nói với vợ rằng, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hay Quốc tế nam giới 19/11 cũng chỉ là dịp kỷ niệm và đặc biệt hơn vì nó gắn với sự kiện lịch sử hay mang ý nghĩa, giá trị xã hội nhất định, chứ không có nghĩa phải đợi đến ngày này vợ/ chồng mới yêu thương nhau, dành cho nhau sự quan tâm, nâng niu, trân trọng. Sự yêu thương, trân trọng ấy phải là thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Có như vậy cả hai mới không thấy “thiếu”, không nghĩ mình chưa được đối xử công bằng, bình đẳng.

HÀ - HẠNH - HƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.