Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu giải ngân chậm nhất trước ngày 30/8

HỒNG NHUNG - THU HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước tình trạng tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động bị giải ngân chậm khiến cho hàng ngàn người vẫn mòn mỏi trông chờ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung mới đây yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh việc triển khai và phải kết thúc giải ngân trước ngày 30/8.

Nhiều địa phương vẫn chậm trễ giải ngân tiền hỗ trợ

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có trên 60% công nhân lao động đang thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều nơi tập trung đông công nhân lao động nhưng tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm.

Trong đó, có nhiều lao động đang gặp khó khăn về chỗ ở, hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp. Do đó, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg phần nào hỗ trợ, giải quyết khó khăn về chỗ ở đối với người lao động. Tuy nhiên, tiến độ hỗ trợ tại nhiều địa phương còn chậm. Nhiều công nhân, người lao động chưa nhận được tiền hỗ trợ nhà ở. 

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, để đẩy nhanh tiến độ và giải quyết các vướng mắc, Bộ đã cử nhiều đoàn kiểm tra đến các địa phương trọng điểm để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đôn đốc triển khai thực hiện chính sách.

Đến nay, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng hồ sơ tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân chưa cao. Cụ thể, hiện có 60/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động (trong đó có 2 tỉnh không có đối tượng trong diện được hỗ trợ là Lai Châu, Điện Biên). 

Thời gian qua, UBND cấp huyện trong cả nước đã tiếp nhận được hồ sơ đăng ký hỗ trợ tiền thuê nhà ở từ 72.909 doanh nghiệp với 3.420.590 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.367,3 tỷ đồng (tương đương với 36,5% so với số kinh phí dự kiến của địa phương).

Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ là 36.948 doanh nghiệp với 2.286.553 lao động với (kinh phí gần 1.447,1 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương đã giải ngân cho 20.406 doanh nghiệp với 1.226.427 lao động với hơn 876 tỷ đồng, mới chỉ đạt 13,5% so với dự kiến. 

Chủ trì họp đốc thúc việc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động diễn ra ngày 12/8, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà rất nhân văn, nhân ái và cần thiết, nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp họ yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp “giữ chân” nhân lực hiện có và thu hút lao động bỏ về quê khi dịch Covid-19 diễn ra trở lại nơi làm việc.

Người lao động rất chờ đợi nhận khoản tiền hỗ trợ thuê nhà này, nhưng tiến độ giải ngân gói chính sách này rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động.

 “Người lao động đang gặp phải khó khăn chồng chất chưa kể con cái, học hành, chi phí sinh hoạt, điện nước... Do đó, việc đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là vô cùng cần thiết. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của các ban, bộ, ngành liên quan” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, gói 6.600 tỷ này là nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, đã được phân bổ về các địa phương để thực hiện chi trả cho người lao động. Việc giải ngân thực hiện chính sách này có một lợi thế là đã có sẵn địa chỉ, số tài khoản của những người thụ hưởng, giảm thiểu thủ tục rườm rà. Về nguyên tắc, khi nhận hồ sơ, trong 2 ngày phải thẩm định, sau 2 ngày phải giải ngân. Các địa phương cần gấp rút thực hiện, hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ là 24h ngày15/8. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu giải ngân chậm nhất trước ngày 30/8 - ảnh 1
Chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Ảnh minh họa: Đại Nghĩa/TTXVN

Hà Nội: Đạt 57% chỉ tiêu chi trả 

Vợ chồng chị Mai Thị Loan, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) thuê trọ trên địa bàn huyện Mê Linh cho biết, thời gian qua, gia đình chị rất phấn khởi khi là một trong những người lao động nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo chị Loan, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người trong 3 tháng, đây là số tiền ý nghĩa trong thời điểm khó khăn sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và vật giá tăng cao. “Gia đình tôi đã có thêm một khoản kinh phí, đỡ đần được một số chi phí sinh hoạt” - chị Loan vui vẻ nói. 

Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có dự kiến kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho (NLĐ) lớn nhất và có số tiền giải ngân cao nhất. Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện chi trả, hỗ trợ cho 183.480 lượt lao động/298.114 lượt lao động dự kiến hỗ trợ (đạt 61%) với số tiền đã chi trả là 95,613 tỷ đồng/166,581 tỷ đồng (đạt 57%).

Trong đó: 175.734 lượt lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đã được hỗ trợ với số tiền đã chi trả là 87,867 tỷ đồng; 7.746 lượt người lao động quay trở lại thị trường lao động với số tiền đã chi trả là 7,746 tỷ đồng.

Qua giám sát và nắm bắt, việc UBND Thành phố phân cấp cho UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt, chi trả hỗ trợ cho người lao động là phù hợp. Chính quyền, bảo hiểm xã hội các quận, huyện cũng đã nhận thức trách nhiệm và tạo điều kiện về hồ sơ thủ tục để người lao động nhận được hỗ trợ kịp thời và cũng linh hoạt trong xử lý tình huống phát sinh. 

Tại cuộc họp đôn đốc các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bảo đảm khẩn trương, hiệu quả; rà soát đối tượng đúng quy định; tổ chức chi trả đầy đủ, thuận tiện. Người đứng đầu đơn vị cần quyết liệt, nâng cao trách nhiệm hơn nữa, đưa ra cách làm hiệu quả, phù hợp trong việc triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. 

Bên cạnh đó, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; bám sát vào các cơ sở, doanh nghiệp thông qua công đoàn, qua các cuộc họp để người lao động kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động làm thủ tục đề nghị được hỗ trợ. Cập nhật thông tin chi trả, hỗ trợ cho người lao động hằng ngày lên hệ thống của Bộ LĐTBXH theo đúng quy định. Trong tháng 8, các địa phương phải thực hiện chi trả, hỗ trợ xong tiền thuê nhà đối với người lao động trên địa bàn.

Phải hoàn tất chi trả trước 30/8

Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH, hiện 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Một số “điểm sáng” trong thực hiện là TP HCM, Bắc Giang, Hà Nội... Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang (0,08%), Hải Phòng (0,2%), Kiên Giang (0,23%), Bình Định (0,47%); rất nhiều tỉnh khác tỉ lệ giải ngân dưới 1% như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa. Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lý do các tỉnh giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà chậm bởi một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách, công tác thông tin tuyên truyền chưa kịp thời, đầy đủ. Trình tự, thủ tục còn rườm rà, yêu cầu người lao động cung cấp giấy tờ bổ sung để chứng minh tình trạng thuê ở như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ trọ, đăng ký tạm trú… dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ.

Ngoài ra, một số nơi, doanh nghiệp lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào 1 lần để làm thủ tục. Nhiều người lao động e ngại khi đề nghị hỗ trợ tiền nhà sẽ gặp khó khăn trong cư trú vì liên quan đến tạm trú, tạm vắng…

Một số nơi phát sinh thủ tục yêu cầu xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký tạm trú tạm vắng. Cá biệt có nơi đưa hồ sơ qua HĐND phê duyệt danh sách đã gây khó khăn cho người sử dụng lao động và người lao động.

Do đó, các địa phương cần hạn chế thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động khi làm hồ sơ nhận trợ cấp, chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản cá nhân. Việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động phải đảm bảo hoàn thành trước 30/8/2022.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai tại địa phương để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; “điểm mặt, chỉ tên” các địa phương chậm trễ giải ngân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cuộc họp…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.