Brazil, chạm vào miền hoang dã...

Chia sẻ

Lần nào bay châu Mỹ, chẳng hiểu run rủi cơ trời thế nào, tôi cũng đều vô tình hay hữu ý lấy Brazil với những Sao Paulo, Rio De Janeiro làm “căn cứ địa” trước khi đi đâu đó tiếp hay lẩn mẩn trở về đâu đó. Có lẽ vì Brazil rộng lớn và hiện đại hàng đầu ở khu vực Nam Mỹ, nên tiện đi đường trời.

Brazil có diện tích lẫn dân số đều đứng thứ 5 thế giới (tôi thích nhất con số 1/5 khác: rừng Amazon của xứ này cung cấp tới 1/5 lượng oxy cho các lá phổi dần thiểu não vì CO2 của loài người). Có nhẽ khác, vì Brazil đẹp hoang sơ, nghệ thuật đường phố nhất địa cầu và các đường cong vòng 3 của những vũ nữ nhảy Samba và lễ hội Carnival thì vô cùng tráng lệ. Một sự cuốn hút mơ hồ gì đó, chẳng cần tiếng gọi lên đường thầm thì nào khác nữa đâu, cứ tự khắc bó cỏ và con ngựa dẫn dắt nhau “đường gần anh cứ đi vòng cho xa”.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bên kỳ quan Nhân loại, tượng chúa cứu thếNhà báo Đỗ Doãn Hoàng bên kỳ quan Nhân loại, tượng chúa cứu thế

Triết lý với các chị bò và những “vòng 3” Samba bốc lửa

Nói gần nói xa, Brazil quyến rũ tôi trước hết bởi miếng thịt bò bít-tết.

Những bữa tiệc mà trên bờ tường họ vẽ rồi ngoài đời thực thi như trên bờ tường, với các thiếu nữ nhảy Samba còn lửa hơn cả bốc lửa, người già thì nhảy điệu êm đềm nhân hậu, song tính hoang dã thì chẳng kém gì người trẻ. Tôi lạc vào đó, ai cũng mỉm cười và nâng ly, rồi thấy lùn lùn cứ tưởng khách Á châu này đến từ Nhật Bản. Ở cuối trời Nam Mỹ kia, dân Nhật đến sống rất đông, mở nhiều nhà hàng và dần lên ngôi tiêm nhiễm văn hóa Nhật một cách đậm sắc. Vào vũ trường mà giả đò mình đến từ Nhật, các cô eo thon mông nở có khi còn gợi ý theo chàng về dinh “võng anh đi trước, võng nàng đủng đỉnh lượn sau”. Theo không luôn, chả cần hiểu bài Lý ngựa ô làm gì cho mệt. Tất nhiên, chuyện đó diễn ra trước mùa dịch Covid-19, khi mà Brazil luôn đứng trong "top" vài quốc gia có số người mắc và tử vong hàng đầu thế giới.

Bấy lâu nay, nằm ở quê nhà, đọc các bản tin “đỏ lòm dịch bệnh”, mà tôi cứ buốt lòng nghĩ đến chất chơi mê tơi Nam Mỹ kia bây giờ ra sao. Ai còn ai mất?

Đường phố BrazilĐường phố Brazil

Đang dở câu chuyện thịt bò. Bạn tôi làm ở một công ty đa quốc gia, chuyên sản xuất máy xúc máy ủi, mỗi năm anh phải sang Brazil dự hội nghị lãnh đạo một lần. Anh đổ công nghiên cứu và tâm đắc: Các cặp mông chị em ở Brazil siêu đẹp và bốc ngùn ngụt lửa đam mê, ngoài yếu tố chủng tộc, là vì họ ăn thịt bò rất nhiều. Quốc gia này tiêu thụ thịt bò nhiều bậc nhất thế giới. Tôi quan tâm đến vế trước và vế sau đây, chứ lượng tiêu thụ thịt bò của bạn thì chả liên quan. Vế sau, là độ ngon của thịt bò cũng như công nghệ chế biến thứ thiệt của họ. Có lần ở Paraguay, lang bạt Peru vượt ngang lục địa Nam Mỹ “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” chạm đất Sao Paulo, mà tôi thấy dạ dày và kế bên là trái tim mình cùng run rẩy. Nhớ thịt bò Sao Paulo da diết. Từ sân bay quốc tế vào trung tâm mất khoảng một giờ taxi, mà bà con nơi đây còn trêu ngươi treo toàn biển quảng cáo thịt bò. Từng tảng, từng súc bằng nửa bàn tay đang xòe ra trên than hồng rực. Nhưng trên biển quảng cáo thì không phải miếng thịt bò chỉ bé như thế. Mỗi bức bình phong vẽ đẹp, nhấp nháy đèn màu là các thế giới thịt bò. Tảng nào cũng to bằng nửa gian nhà, treo trên cao, xe lướt đi hết thương hiệu thịt bò nướng nọ đến thế giới thịt bò nướng kia. Nó nhiều như các cung đường nghề truyền thống, kín toàn “Sữa bò tươi” hoặc “Nem chua Thanh Hóa”, “Cu đơ xứ Nghệ”… ở ta vậy.

Thịt còn đỏ đắn, họ áp chảo cho siu siu lại, rắc tí tẹo muối trắng thôi. Siu siu cho đủ tạo thành lớp màng để nước ướt sượt và vị ngọt đê mê của thớ thịt bò khỏi trôi ra ngoài chảo rán hay lò quay gì đó thôi, muối trắng đập vụn phải là muối mỏ lóng lánh thành thỏi như đá trong vắt của Peru rinh về nhé. Rắc ít thôi để người ăn đủ hiểu rằng, loài người nghiện ma túy, rượu, cà phê, rồi chất ta-lanh của chè, song ít ai hiểu được cái nghiện nguyên bản và truyền kiếp nhất mà không người nào thoát khỏi: nghiện muối. Ngon nhất, bí quyết nhất có lẽ vẫn là cách họ nuôi và cung ứng thịt bò bản thân nó đã ngon sẵn rồi. Trên bàn ăn của họ, cơ man nào là gia vị lạ. Con đường hương liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ từng theo bước đoàn thương nhân lạc đà đi khắp vỏ trái đất, có lẽ Brazil là bến đỗ trác tuyệt của chúng mà người ta còn chưa kịp nghiên cứu chăng?

Tôi không phải chuyên gia ẩm thực, chỉ là kẻ ham hố thưởng thức có khi hơi phàm phu các món ăn kết tinh giá trị sống của mỗi vùng đất thôi. Tôi sững sờ trong các bữa tiệc có vũ nữ nhảy Samba nguyên bản của Brazil, khi mà nàng phục vụ bàn da ngăm kiểu hoang dã Nam Mỹ đặc trưng bọc chai rượu vang Chile trong một tấm nhiễu điều, mở rượu rồi đứng lắc dịu dàng mãi chưa thèm rót. Lắc rượu cho nó hả hơi sau khi mở, hay là lắc mông chẳng biết nữa. Kế bên, một thiếu nữ nguyên gốc Sao Paulo đem ra một tấm bản đồ bằng tờ A4. Trời ơi, họ vẽ một con bò và đánh số theo từng khoang cơ thể nó. Mông bò đây nhé, số 3. Sao số nó trùng với “vòng 3” của chị em eo thon mông nở bung lụa xứ này? Ức bò, vai bò, đuôi bò cũng được đánh số. Ai ăn khoang nào, khỏi cần biết tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ quốc gia của Brazil), cứ thế di di ngón tay mà chỉ. Các gã đầu bếp vâm váp cầm ống muối mỏ vụn như hơi nước, vai vác một chảo lửa xèo xèo thịt bò đủ loại đang quay tít trên các xiên tre. Họ đi khắp các bàn, cúi chào quý bà quý ông và chỉ vào tấm “địa đồ” chia con bò ra làm hơn chục phần đánh số. Quý ngài muốn dùng số mấy, chỉ vào sẽ có ngay. Nhớ là loài người nghiện một tí muối từ thiên cổ sầu.

Nghệ thuật được trưng bày ở Sao PauloNghệ thuật được trưng bày ở Sao Paulo

Có một điều đặc biệt, bò ở họ làm kiểu gì, mà ăn quanh năm, bụng chị em ít phệ, chỉ có hông nở phồn thực mãi, mà eo vẫn thon. Chị em ăn kiêng của ta mà sang đó thì vẫn khoái khẩu, thỏa mãn “thú tính ăn uống” mà khỏi lo phát triển thêm cái eo bánh mỳ. Tôi ở đận trung niên, lại có dòng giống bị cao huyết áp và phàm ăn nên gan nhiễm mỡ rồi máu nhiễm mỡ đủ cả. Lúc nào cũng ưu tiên ăn cá thay vì ăn thịt. Vậy nhưng đánh liều ăn bò nướng túa xua, “ăn một tuần ở đây bằng số thịt bò ăn vài năm ở Việt Nam”. Vậy nhưng, về cố hương lo lắng xét nghiệm, thì chẳng có chỉ số “mỡ máu” hay cân nặng nào tăng cả. Anh bạn làm cho Tây bảo: “Anh nói chú chả tin, giờ tin chửa?”. Riêng bí kíp này của bò Nam Mỹ thì tôi chưa có dịp nghiên cứu để lý giải.

Những cặp mông bằng cát bên bờ biển Rio De Janeiro

Điều tôi mê thứ hai ở Brazil là nghệ thuật đường phố. Thế giới vinh danh, nơi này là kinh đô của tranh tường Graffiti. Các nghệ sỹ vẽ tranh đường phố lầm bụi dân gian khắp thế giới hội tụ về đây và thể hiện mình. Đến mức chính quyền Sao Paulo phải ra các quyết sách quản lý sự nhiễu loạn của các phong cách nghệ thuật này. Ít ai ngờ, xuất phát điểm lối vẽ này còn bao gồm cả các kí tự ám hiệu răn đe của nhiều băng đảng xã hội đen, mafia. Đấy là chưa kể yếu tố chính trị trong đó, hồi 2014, Rio đăng kí World Cup, các tranh tường nói về sự đói nghèo và những đứa trẻ cầm đĩa với dao dĩa mặt buồn như rên xiết, cháu và tất cả chúng ta cần biết “bâng khuâng giữa hai dòng nước”: đồ ăn hay là trái bóng. Họ vẽ một trái bóng khổng lồ hình quả địa cầu xanh xám, đặt trên cái đĩa rỗng không của đứa trẻ xóm liều. Trên cái đĩa ấy nên là cơm gạo, miếng bít tết bò trứ danh thả vào cơn đói khát của các cháu hay trái bóng tròn thả vào sân cỏ hào nhoáng cho thiên hạ thưởng lãm?

Đắp hình những cặp mông lên bờ biển Rio De JaneiroĐắp hình những cặp mông lên bờ biển Rio De Janeiro

Tôi từng đi nhiều thành phố có vẽ tranh tường Graffiti, kể cả Sài Gòn hay Hà Nội của ta họ cũng vẽ đầy, có nhà ở Bắc Trung bộ còn vẽ hổ báo hươu nai rồng rắn chằng chịt, đi vào nhà như tống thân xác mình vào khoang miệng lởm chởm răng của sư tử cái. Nhiều thành phố châu Âu còn vẽ ác liệt, bảo tàng Graffiti lớn nhất thế giới với các bức vẽ to như tòa chung cư các thể dạng được trưng bày một khu garage ô tô bỏ hoang mênh mông của Hà Lan.

Tuy nhiên, để hiểu tí ti về nghệ thuật vẽ tranh đường phố và cảm nhận sự hoang dã của chất đô thị Nam Mỹ, thì nên đến Sao Paulo. Cảm xúc rõ ràng nhất của tôi là sự sững sờ. Bất ngờ liên tục, thú vị đến khua chân múa tay. Tranh đường phố ở nơi này dày đặc, nó khiến tôi thấm thía hơn: cảm nhận nghệ thuật không nhất thiết là cần được đào tạo chuyên môn, không cần ngôn ngữ, cũng chẳng cần biết chữ, chẳng cần khoe ta đọc thiên kinh vạn quyển. Cứ nhìn là thích, khỏi cần lý do. Đi vài cây số trong lòng phố, xuyên qua hầm chui và xóm liều với người nghèo nằm ôm con chó ăn xin. Đi qua khu nhà giàu với xe bọc thép. Đi qua khu đàng điếm với nhiều người bị giật máy ảnh, cướp điện thoại trắng trợn, bạn tôi bị nhắc 10 lần từ khi chưa đến Brazil và bị cảnh báo suốt dọc đường du hí, song vẫn bị cướp như thường. Mất cả hộ chiếu, mất cả điện thoại đời mới nhất. Kệ trộm cướp như rươi, nơi này vẫn quyến rũ người muôn nơi.

Có con mèo mắt tròn và xanh như mắt thiếu nữ, răng nanh như chó sói, nó mặc nội y sexy như trên bãi biển; có đàn ong to như tòa nhà bay từ chung cư nọ sang chung cư kia. Có cô gái ngăm đen, mắt ướt sượt và mắt có đuôi dài mê mải, gương mặt cô phủ lơ mơ trong sương sớm, riêng phần mặt với môi mắt má mí mày mũi của nàng đã cao bằng 9 tầng nhà. Cô cuốn khăn, cô khác bịt mắt như gái Hồi giáo đoan chính, mà mắt thì khuynh quốc đổ thành. Riêng con mắt lí lơi của nàng to hơn một tòa nhà. Có khi một chàng cầu thủ ngoài hành tinh, mang gương mặt mộc trùm kín một cái dãy nhà hàng. Có ông già râu ria ưu thời mẫn thế, ngồi cạnh con hổ đầy màu sắc, mỗi nhân vật trùm lên một tòa biệt thự. Có thủy thủ mặt trăng, có các cô gái nõ nường trang phục cướp biển, ngồi vắt chân qua lầu một của khu dân cư, xe ô tô muốn vào phải chui qua cặp đùi nõn như củ xả vừa bóc trong quán thịt cầy cái hồi thịt chó còn là món ngon “sống ở đời ăn miếng dồi chó/chết xuống âm phủ biết có hay không”.

Các loài động vật quý hiếmCác loài động vật quý hiếm

Cũng có bức tranh vẽ cảnh tai nạn giao thông, xe bẹp dí, máu chảy lêu lao, xác người bó cuốn thê thảm. Vài người sợ hãi khi trông thấy, vài người vừa lái xe vừa bốc máy gọi xe cứu thương và cảnh sát. Đến gần, hóa ra hội họa Graffiti.

Nghệ thuật lừng danh nhất chính là con đường mang tên vị họa sỹ trứ danh Seralon ở Rio ông đã chết sau nhiều năm nghệ thuật hóa cả một con dốc, cả một dãy phố dài 125m, với ít nhất 2.000 mảng gạch màu. Nơi này, giờ đã thành di sản khêu mời các họa sỹ từ 60 quốc gia trên thế giới đến tiếp tục vẽ, thành nơi đắt đỏ cho các hãng thời trang và siêu tập đoàn thi nhau quảng cáo “hái ra tiền”.

Nhưng, trong một ngày biển êm như cõi mộng, ngược lên núi cao vời của Công viên quốc gia Tijuca, đi cáp treo trong mây mù đặc quánh, không nhìn thấy gì ngoài sợi dây mà mình cùng cabin sắp lướt qua trong vài giây nữa, tôi đã ngẩn tò te trước vẻ đẹp hoang sơ của Rio. Thuyền buồm san sát, mây dồn đuổi nhau, chốc chốc phố xá lại hiện ra rồi biến mất. Miên man thuyền bè cứ chùng chình ảo diệu trên mặt biển Nam Đại Tây Dương. Những con linh trưởng đặc hữu của Công viên quốc gia này, bé như con mèo mướp, mặt tinh ranh giống loài khỉ nhỏ, râu ria vểnh lên hài hước, chúng háy mắt, dò xét ló ra khỏi tán rừng mà ngắm nghía khách. Tại đây, leo lên đỉnh núi hơn 700m, bạn sẽ gặp tượng Chúa Cứu Thế nổi tiếng - một trong 7 kỳ quan thế giới - mà sải cánh tay của ngài dài tới 28m. Nặng 635 tấn, cao 38m, xây dựng từ năm 1928, các sách du lịch đều khuyên bạn nên đến đó trước khi chết (before you die).

Xúc động ủ mình tiên cảnh trong mây mù, các đại đô thị thoáng có thoáng không dưới chân. Bên kia là ngọn núi kỳ quan có hình viên đường “Sugar Loaf” tuyệt mỹ và tuyệt thơ ngộ nhô lên giữa biển xanh. Trong cảm giác tự gột rửa tâm hồn mình bởi thiên nhiên tinh khiết, bạn sẽ mỉm cười, mây còn kì cọ gột rửa bạn sạch hơn nước Đại Tây Dương mặn chát xanh mơ dưới kia đang tắm táp cho những người mặc bikini nhảy sóng. Ừ thì chuyện xác thịt cũng chẳng nên nói nhiều, song các vũ nữ Samba vẫn là đặc sản ám ảnh bậc nhất của Brazil.

Và bên bờ biển Rio, những người tắm thả rông sự sáng tạo nào đó đã hợp sức đắp nên một dãy các khu tượng dài bằng cát. Ngay bên lề phố với các siêu xe và các gã da đen răng trắng ởn bán hàng kiểu ma thuật. Tôi sững lại, sao lại có thứ nghệ thuật phóng khoáng, phá cách điên loạn thế. Cát mênh mông, mấy ụ cát liền, cắm cả cờ, xa xa là Tượng Chúa Cứu Thế - Kỳ quan nhân loại – rồi Sugar Loaf. Nhưng tiền cảnh, than ôi, bãi biển toàn mông. Các vũ nữ Samba nằm úp trên cát, lại nằm khum khum úp thìa theo bìa núi cao, họ nhất tề thò ra mặt phố các cái mông tạc kì vĩ bằng cát Nam Đại Tây Dương.

Nghệ thuật, phá cách và liều mình đến thế là cùng. Nó khiến bạn chạm đến được các miền hoang dã có thể còn ngủ quên bấy lâu nay, có thể thế đấy nhé.

Hà Nội, 19/12/2020

Phóng sự của ĐỖ DOÃN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.