50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972-18/12/2022):

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hoàng Lan (ghi)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, lực lượng của chúng ta là có hạn và không thể so sánh được với lực lượng của Mỹ. Tuy nhiên, nhờ dự đoán đúng âm mưu và hành động của địch để chủ động chuẩn bị, cộng với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 1
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ Đinh Thế Văn (người thứ 2 từ trái qua) đang cùng các đồng đội họp bàn cách bắn máy bay B-52 Ảnh: NVCC

Nghiên cứu cách đánh B-52 từ sớm
Theo Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, việc Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 ra miền Bắc đánh phá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ rất sớm. Với dự cảm của bậc thiên tài, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên mười cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ hôm nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”. 

Trong buổi làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua... Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh trả cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội trong vòng 5 năm tới. Suốt thời gian sau đó, nhiều đoàn cán bộ của Quân chủng PK-KQ cùng một số trung đoàn tên lửa và biên đội không quân tiêm kích được cử vào Quân khu IV để nghiên cứu cách đánh B-52. Lúc bấy giờ, khi phía Mỹ còn chưa có chút manh nha về kế hoạch tiến công ồ ạt miền Bắc bằng máy bay B-52 thì sự chuẩn bị của ta đã thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo, nhanh nhạy. 

Để đạt mục tiêu bắn B-52 tại chỗ, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã thành lập Tổ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 và huấn luyện lực lượng tên lửa phòng không. Tổ nghiên cứu tranh thủ ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Tổ công tác đi xuống các trung đoàn tên lửa ở Quân khu IV để nghiên cứu; tiếp cận các tài liệu của Bộ, của chuyên gia Liên Xô, tài liệu thu được của địch và lời khai của các phi công Mỹ mà ta bắt được. Tập hợp những dữ liệu ấy, Tổ nghiên cứu biên soạn thành tập tài liệu “Cách đánh B-52”, dày 30 trang. 

Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ, nhớ lại: Tiểu đoàn được giao trọng trách trực tiếp bảo vệ khu Trung ương và Chính phủ làm việc ở Ba Đình, nơi Bác Hồ kính yêu đang yên nghỉ; bảo vệ sân bay Nội Bài, nhà máy Điện Yên Phụ, Đài Phát thanh. Thời gian đầu, Tiểu đoàn cũng chưa có kinh nghiệm chiến đấu với B-52. Ngày 16/4/1972 ở Hải Phòng, tiểu đoàn đã bắn rất nhiều quả đạn mà không có B-52 nào rơi tại chỗ. 

Song, không nản lòng, Đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ: “Với quyết tâm phải bắn được B-52 và tốn ít đạn nhất theo lời dạy của Bác “một viên đạn, một quân thù”, tôi đã tổ chức cho tiểu đoàn luyện tập ngày đêm, lập ra nhiều phương án, nhiều giả định từ thực tế chiến đấu của tiểu đoàn, của các đơn vị bạn, kết hợp với kiến thức tập huấn của cấp trên với niềm tin nhất định sẽ thành công, nhất định phải thắng lợi và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua nhiều lần hội thảo và học tài liệu về tính năng chiến đấu, kỹ thuật của các loại vũ khí của địch, chúng tôi rút ra kết luận: Không có loại vũ khí nào ưu việt tuyệt đối, quan trọng là phải biết nó mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào để hạn chế cái mạnh của nó. 2 năm, chúng tôi vừa học vừa đánh các loại máy bay chiến thuật, vừa học đánh B-52 khi Mỹ dùng B-52 đánh vào Hà Nội”.

Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng LLVT nhân dân, Nguyên Đài trưởng Đài rada, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn 365 cũng cho biết, sau các trận đánh B-52 không thành công, binh chủng rađa cũng đã tập trung nghiên cứu các biện pháp chống nhiễu chiến dịch và chiến thuật, đặc biệt là bổ sung hoàn chỉnh quy trình xử trí, thao tác chống nhiễu phát hiện B-52 ở các loại đài rađa.

Tổn thất nặng nề địch phải gánh chịu
Nhờ sự chuẩn bị từ sớm, khi chiến dịch tập kích đường không của Mỹ vào Hà Nội bắt đầu, chúng ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ. Chúng ta đã sớm phát hiện địch từ xa và chủ động đánh địch ngay từ đầu.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 2
Từ phải qua trái: Trung tá Phạm Hoàng Cầu, nguyên trắc thủ số 1; Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng; Thiếu tá Nguyễn Văn Xích, nguyên trắc thủ số 2, Đài rada, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn 365 gặp lại nhau ôn lại chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 Ảnh: NVCC

Khi tham gia chiến dịch 12 ngày đêm, Đại tá Nghiêm Đình Tích mới là chàng trai ngoài 20 tuổi. Giờ, ông đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng niềm tự hào đã cùng đồng đội góp phần vào chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên trong ông.

 Ông nhớ lại, với các biện  pháp chống nhiễu chiến dịch và chiến thuật, bộ đội rađa phòng không đã phát hiện, xác định được B-52 từ xa ở khu vực Viêng Chăn (Lào), cách Đô Lương, Nghệ An ngoài 200km về phía Tây Nam, báo động sớm cho chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, qua đó giúp cho Bộ Tư lệnh chiến dịch nắm chắc tình hình B-52 trên không, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chính xác và tạo điều kiện cho các đơn vị hỏa lực phòng không bắn rơi 8 máy bay địch, trong đó có 3 chiếc B-52 ngay trong đêm đầu chiến dịch 18/12/1972.

 Trong các đêm còn lại, với sự báo động sớm cho Hà Nội trên dưới 40 phút, số máy bay B-52 bị bắn rơi càng nhiều hơn. Trận then chốt đêm 20/12, ta bắn rơi 7 máy bay B-52. Tiếp đó, trận then chốt quyết định đêm 26/12, chúng ta đã bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B-52.

Tổng cộng sau 12 ngày chiến đấu ngoan cường dũng cảm, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm: 34 chiếc B-52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC.

Có thể thấy, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Không quân đế quốc Mỹ chưa bao giờ phải chịu sự tổn thất nặng nề như trong chiến dịch này.

Tướng Gioóc Ết-tơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí “Không lực Hoa kỳ”: “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”.

Theo đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Đấy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361), thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%. Vậy mà trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B-52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc). 

Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được 1 phi công đặc biệt là phi công chiến lược B-52, phi công F.111 phải tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian. Chỉ hơn 10 ngày Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công. Thêm nữa, phần lớn số phi công bị chết và bị bắt ấy, đều là những phi công thuộc loại kỳ cựu, có giờ bay rất cao, có tên hơn 6.000 giờ bay.

Còn nhớ trước đó, vào tháng 5 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi đồng chí Lê Thanh Cảnh, Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng PK-KQ về tỷ lệ B-52 bị bắn rơi ở mức độ nào thì Mỹ chịu đựng được và tiếp tục cuộc ném bom; ở mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển và ở mức độ nào khiến Mỹ không chịu nổi, phải thua.

Sau gần một tuần ta cùng các chuyên gia Liên Xô và các nhà nghiên cứu đã tìm ra được 3 đáp số, đó là: N1 = 1 đến 2% (Mỹ coi thường và tiếp tục đánh); N2 = 6 đến 7% (Nhà Trắng sẽ rung chuyển); N3 = 10% trở lên (Mỹ phải thua cuộc). Từ đó, Tư lệnh Lê Văn Tri trả lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Bằng mọi cách chúng tôi phải loại trừ N1, phấn đấu đạt N2 và vươn tới N3". Kết quả là với tỷ lệ trên 17% máy bay B-52 bị bắn rơi, bộ đội PK-KQ đã thực hiện được chỉ tiêu N3, buộc Mỹ không thể nào chịu đựng nổi.

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ đã bị thất bại hoàn toàn. 7 giờ sáng ngày 30/12, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
Từ người mẫu gây tranh cãi đến biểu tượng hoàng gia

Từ người mẫu gây tranh cãi đến biểu tượng hoàng gia

(PNTĐ) - Công nương Sofia, Nữ Công tước xứ Värmland, là vợ của Hoàng tử Carl Philip – con trai thứ hai của Quốc vương Carl XVI Gustaf của Thụy Điển. Không xuất thân từ tầng lớp quý tộc hay danh gia vọng tộc, Sofia từng gây tranh cãi dữ dội vì quá khứ làm người mẫu với những hình ảnh gợi cảm. Tuy nhiên, điều khiến người ta nể phục là cách cô vượt qua định kiến, chứng minh rằng xuất thân không thể định đoạt tương lai.