50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972-18/12/2022):

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Góp phần làm nên những giai điệu tự hào ấy, không thể không kể tới những người phụ nữ Hà Nội kiên cường, bất khuất, không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “Mỗi phụ nữ Thủ đô là một chiến sĩ kiên cường trong chiến đấu, sản xuất và đời sống”.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 1
Đội nữ tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động Ảnh: Tư liệu

Người nữ tự vệ kiên cường đi vào thơ Tố Hữu 

Những ngày này, bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, 72 tuổi, hiện ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội bận rộn hơn khi được nhiều người hỏi thăm về chiến công bắn rơi máy bay Mỹ F111 của bà và đồng đội trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972.

Bà Viễn sinh ra và lớn lên ở làng Tương Mai. Năm 16 tuổi, với khát khao được cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, bà đã khai tăng thêm một tuổi để được vào làm công nhân tại Nhà máy Cơ khí Mai Động. 

Đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập cụm hỏa lực pháo phòng không tầm thấp 14,5 ly gồm tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Dệt kim Minh Khai, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu và Nhà máy đồ hộp xuất khẩu. Trung đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động gồm 11 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 3 nữ) và 2 khẩu pháo phòng không 14,5 ly.

Từ ngày 18/12 đến ngày 21/12/1972, với dã tâm “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã đưa máy bay B-52 cùng các loại máy bay hiện đại khác như F111 đánh bom Hà Nội. Nắm được quy luật hoạt động của máy bay địch, tranh thủ thời gian yên tĩnh, đơn vị của bà thay phiên nhau tiếp đạn cho đơn vị pháo 100 ly ở gần trận địa 14,5 ly. 

“14h00 ngày 22/12/1972, chúng tôi nhận được lệnh chuyển trận địa từ Mai Động đến Vân Đồn. Chỉ huy trận địa là Đại úy Hoàng Minh Giám. Chúng tôi được quán triệt nhiệm vụ chính là đón lõng máy bay tầm thấp của Mỹ đánh vào Hà Nội. Trận địa Vân Đồn được bố trí 5 khẩu 14.51y gồm 2 khẩu của tự vệ Cơ khí Mai Động, 2 khẩu của tự vệ Xí nghiệp Gỗ 42, 1 khẩu của tự vệ Cơ khí Lương Yên”, bà kể.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 2
Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 Ảnh: NVCC

Tối ngày 22/12/1972, còi báo động rú vang. Thành phố tắt điện. Máy bay địch xuất hiện, chúng bay thấp dọc theo sông Hồng. Lệnh của Đại úy Hoàng Minh Giám: Điểm xạ ngắm - bắn! Bà Viễn và đồng đội bắn 1 điểm xạ 19 viên, đuôi máy bay Mỹ lóe sáng. Khoảng 21h30, Bộ Tư lệnh Thủ Đô thông báo: Chiếc F111 bay theo hướng 14 bị bắn rơi tại chỗ. 

“Chúng tôi chẳng biết nói gì, chỉ ôm nhau reo hò mà nước mắt cứ giàn dụa. Sau nhiều ngày chờ mong bắn được máy bay giặc nhưng không ngờ mình bắn được cả loại máy bay “cánh cụp, cánh xòe” hiện đại vào bậc nhất lúc đó. Những ngày sau, chúng tôi vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tặng hoa, chúc mừng. Đêm ngày 22/12/1972 đã đi vào lịch sử, lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô với trang bị vũ khí thô sơ, lực lượng không nhiều nhưng đã bắn hạ máy bay F111”. 

Trước sự chống trả quyết liệt của các lực lượng của ta, những ngày sau, máy bay địch đánh phá Hà Nội liên tục hơn, dữ dội hơn. Tuy nhiên, chúng không thể khuất phục tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, trong đó có lực lượng tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động.

Rạng sáng ngày 26/12/1972, bà Viễn đang trực chiến tại trận địa Vân Đồn thì nghe tin bố mất vì bị bom B-52 đánh trúng hầm. Sau khi lo việc cho bố chu toàn, nén nỗi đau, bà Viễn tiếp tục trở lại trực chiến. Hình ảnh bà Viễn ngồi trực trên mâm pháo, đầu quấn dải khăn tang đã gây xúc động và tạo cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu sau đó viết 4 câu thơ trong bài “Việt Nam máu và hoa”: “... Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha, mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”.  

Tự hào những chiến công vẻ vang của phụ nữ Hà Nội
Theo ông Phạm Ngọc, nguyên Trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, lịch sử phong trào phụ nữ Thủ đô ghi dấu ấn những chiến công vẻ vang, những tấm gương chiến đấu dũng cảm, gan dạ kiên cường, sẵn sàng hy sinh của phụ nữ Hà Nội trong 12 ngày đêm địch dùng B-52 ném bom rải thảm vào Hà Nội, đặc biệt là các nữ tự vệ, nữ dân quân, các đội cứu thương, cứu tế, cứu sập hầm. 

Chấp hành lệnh sơ tán, chị em đã vận động các gia đình đưa người già và trẻ em ra khỏi Thành phố khi cần thiết, tạo điều kiện cho lưới lửa phòng không diệt máy bay địch, hạn chế thiệt hại trong 12 ngày đêm. Khi địch mở rộng chiến tranh phá hoại, với tấm lòng yêu thương, thông cảm, chị em phụ nữ ngoại thành và các tỉnh lân cận đã thương yêu, chăm sóc các cháu như con em ruột thịt, nhường nhà, nhường đình, chùa làm nơi ăn ở, làm trại trẻ, lớp sơ tán.

Ở lại bám trụ với Thủ đô, với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Hà Nội kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. 45% phụ nữ đã tham gia vào lực lượng dân quân, 35% vào lực lượng tự vệ  biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ. Các Chi hội Phụ nữ đường phố đã thành lập 275 tổ phục vụ chiến đấu. Những người phụ nữ đảm đang dịu hiền, ngày hôm qua còn đan len, dệt vải, ngày hôm nay đứng trên ụ pháo chiến đấu. Tiêu biểu như đại đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh), trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, đại đội nữ HTX Dệt Thành Công, đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu… Được chuẩn bị về tinh thần và tư tưởng, chị em cùng anh em lực lượng bán vũ trang đã chuyên cần luyện tập, cùng với lực lượng bộ đội phòng không tạo nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô, làm cho giặc lái Mỹ khiếp đảm. 

Ban Chỉ huy từ tiểu đội đến tiểu đoàn, xã hội, tỷ lệ nữ chiếm 30%. Chị em gan dạ, lập nhiều thành tích xuất sắc. Có thể kể tới gương Trung đội phó dân quân ở Yên Viên Đỗ Thị Minh trong trận chiến đấu đánh máy bay, bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa, anh dũng cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nữ dân quân tự vệ Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Bách, xã Giang Biên cùng anh em bắt sống giặc lái; nữ công nhân Nhà máy Cơ khí Quang Trung Nguyễn Thị Kim Thu và Trần Thị Loan làm nhiệm vụ quan sát trên chòi cao, bom nổ, lửa cháy, chòi chao đảo vẫn không rời vị trí, bình tĩnh báo cáo về chỉ huy. Những nữ dân quân tự vệ tích cực tham gia, góp phần giải tỏa hàng chục tấn hàng ở các ga tránh bị địch oanh tạc. 

Theo ông Phạm Ngọc, ở lĩnh vực nào, phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Chị em ngành giao thông bám mặt đường, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, thông xe bảo đảm giao thông thông suốt. Đêm 18/12/1972, chị em nhà hộ sinh B (khu Hai Bà Trưng) khẩn trương tự động mở tuyến 2 cấp cứu được 7 nạn nhân. Trong bom đạn ác liệt, chị em bưu điện Đông Anh, Gia Lâm giữ vững đường dây, bảo đảm tốt các cuộc đàm thoại giúp việc chỉ huy quân sự được thông suốt. Chị em thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm, kịp thời phục vụ bộ đội và lực lượng khắc phục hậu quả sau trận đánh. Ở những nơi địch gây tội ác, các mẹ, các chị với tình thương và trách nhiệm đã đứng ra chôn cất, mai táng cho người đã khuất, chăm lo người già, trẻ em mất nơi nương tựa. Nhiều cán bộ Hội cơ sở như bà Nguyễn Thị Quyền ở Gia Thụy, Ngô Thị Bê ở Mễ Trì, Chử Thị Hạnh ở Tứ Hiệp, Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Gia Lâm, Phạm Thị Thông ở thị trấn Yên Viên… vừa dứt tiếng bom đã có mặt ở hiện trường cùng bà con khắc phục hậu quả. Bà Nguyễn Thị Tuyết, khối 45 Khâm Thiên thay ông Trưởng ban đại biểu khối bị chết do bom điều hành mọi công việc. Bà Trần Thị Hoán ở Giáp Bát suốt 12 ngày địch đánh phá đã trụ lại trong lô cốt cùng các cán bộ khắc phục hậu quả sau mỗi trận bom. Cụ Vương Thị Bạn ở Yên Phụ bới hầm cứu 3 người, cùng anh em đưa 40 người đến trạm cấp cứu. Hội Mẹ chiến sĩ và Chi hội Phụ nữ Đa Tốn đã ủng hộ 350 cây tre và rơm rạ dựng lại nhà cho bà con thôn Ngọc Đông bị bom Mỹ tàn phá. Ngoài ra, còn hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị vào các tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập… đóng góp trên 2 triệu ngày công xây dựng trận địa pháo, đào giao thông hào, phá gỡ bom nổ chậm, phục vụ chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đã có 21 chị được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 16 chị được kết nạp Đảng ngay tại trận địa.

Có thể nói, phụ nữ Hà Nội đã góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân Thủ đô trong cuộc đọ sức quyết liệt 12 ngày đêm với đế quốc Mỹ, lập thành tích xuất sắc với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân có qui mô lớn nhất, tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ. 

“Chiến công năm ấy mãi là niềm tự hào, là nguồn lực to lớn khích lệ đồng bào, chiến sĩ và phụ nữ Thủ đô hôm nay vững tin theo Đảng và Bác Hồ, nỗ lực xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” - ông Phạm Ngọc chia sẻ.

(Còn nữa)

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.