50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972-18/12/2022):

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hoàng Lan (ghi)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cách đây 50 năm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, làm nên chiến thắng oanh liệt 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 nhằm khủng bố, làm tê liệt ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận diện và đập tan âm mưu đen tối đó.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 1
Máy bay Mỹ trút bom xuống miền Bắc Việt Nam nhưng không thể khuất phục được ý chí chiến đấu của quân và dân ta (Ảnh Tư liệu)

Đánh bại âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ
Theo Đại tá Nguyễn Văn Đấy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361), khi tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12/1972, đế quốc Mỹ có âm mưu nhằm gây sức ép buộc ta phải nối lại cuộc đàm phán ở Pa-ri, chấp nhận ký hiệp định Pa-ri theo các điều khoản sửa đổi của Mỹ. Trước đó, trong cuộc họp kín ngày 8/10/1972, ta và Mỹ đã thỏa thuận cơ bản về nội dung của Hiệp định "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" do ta dự thảo với các nội dung: Ngày 18/10/1972: Mỹ chấm dứt ném bom trên bộ và ngừng rải mìn phong tỏa các cảng biển của miền Bắc Việt Nam; ngày 20/10: Lễ ký tắt giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger được tiến hành tại Hà Nội; ngày 26/10: Lễ ký chính thức giữa 4 bên tham chiến tại Pa-ri (Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa); ngày 27/10: Ngừng bắn trên toàn Việt Nam. 

 Ngày 20/10, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận được thư của Tổng thống Ních-xơn khẳng định: "Hiệp định coi như đã hoàn tất, hãy tin vào chúng tôi là có thể ký kết được Hiệp định như thời gian biểu đã thỏa thuận".

Tuy nhiên, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/1972 thắng lợi, Ních-xơn được tái cử Tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai, phía Mỹ đòi ta phải sửa 69 điều trong những điều hai bên đã thỏa thuận của Hiệp định, đòi miền Bắc cùng rút quân, đòi miền Nam là một quốc gia riêng. Nếu ta không đồng ý thì đổ tội ta thiếu thiện chí.

Đế quốc Mỹ còn âm mưu đánh phá hủy diệt tiềm lực kinh tế quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm giảm thế và lực của ta so với ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Mỹ tuyên bố đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, dùng sức mạnh hủy diệt của B-52 làm áp lực để buộc Hà Nội phải quỳ gối.

Một âm mưu nữa Mỹ muốn dùng cuộc tập kích đường không chiến lược để đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Thực tế là khi đế quốc Mỹ tuyên bố sẽ dùng B-52 tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không đối với miền Bắc Việt Nam, nhiều bạn bè, nhiều nước trên thế giới đã khuyên ta nên chấp nhận những điều kiện mà Mỹ nêu ra.

Theo đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Đấy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12/1972, Mỹ đã huy động 193 chiếc B-52; 1.077 chiếc Không quân chiến thuật; 6 chiếc tàu sân bay; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: Máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 2
Đại tá, AHLLVT Nhân dân Nguyễn Đình Kiên hồi tưởng về một thời tuổi trẻ tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội Ảnh: HL

Đại tá, PGS.TS Lưu Ngọc Khải, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị đánh giá, tất cả các loại máy bay, tàu chiến và vũ khí, khí tài của quân Mỹ sử dụng trong cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, một số địa phương miền Bắc đều được sản xuất, cải tiến ở trình độ cao hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Trong đó, máy bay B-52 còn được gọi là “Siêu pháo đài bay” B-52 - thần tượng của không lực Hoa Kỳ. Đây là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing của Hoa Kỳ sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. Máy bay B.52 có tải trọng vũ khí rất khủng khiếp: Chứa 18 - 30 tấn bom, có thể mang 12 - 20 quả tên lửa hành trình ALARM hoặc 8 tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, 4 pháo 20mm hoặc 1 pháo 20mm 6 nòng (gấp 10 lần so với máy bay cường kích). Máy bay B-52 bay ở độ cao tối đa là 16.765m, còn thông thường bay ở độ cao 10.000 - 12.000m và tầm bay xa khoảng 12.000 -16.000km, với thời gian bay liên tục 9 giờ không phải tiếp dầu.

Càng đau thương, càng quyết tâm chiến đấu
Đại tá, PGS.TS Lưu Ngọc Khải nhận định, cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, một số địa phương miền Bắc của Mỹ vào cuối tháng 12/1972 thực sự là một cuộc ném bom với ý đồ hủy diệt. Đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc Việt Nam. Riêng ở Hà Nội, chúng sử dụng 444 lần chiếc máy bay B-52 cũng nhiều máy bay chiến thuật, ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã tàn phá nhiều khu dân cư, nhiều làng, phố, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết chết 2.380 dân thường và làm bị thương 1.355 người ... 

Riêng đêm 26 tháng 12, sau một đêm nghỉ Nô-en từ 21 giờ 44 phút đến 23 giờ 12 phút, Mỹ đã huy động 105 lần chiếc B-52 (theo tài liệu của Mỹ công bố là 120 lần chiếc) và 90 lần chiếc máy bay chiến thuật cùng một lúc đánh phá vào 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên nhằm bảo đảm mật độ bom lớn hơn mật độ hỏa lực phòng không hòng gây sức ép quá tải làm rối loạn hệ thống phòng không của ta. Ở Hà Nội, địch tập trung 66 lần chiếc B-52 đánh phá dã man nhiều khu vực... cùng lúc 21 lần chiếc B-52 đánh phá nhà máy xi măng, Sở dầu Hải Phòng, 18 lần chiếc đánh phá ga Lưu Xá, Thái Nguyên. Đây là mức huy động cao nhất số lượng máy bay B-52 trong đợt tập kích đường không chiến lược này.

Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị một loạt bom B-52 tàn phá cả chiều dài trên 1 km, gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương, có gia đình 6 người ngồi trong hầm chết toàn bộ. Cùng với Khâm Thiên, máy bay B-52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ. An Dương...) làm hơn 1.000 người bị thương vong.
Đại tá, AHLLVT Nhân Dân Nguyễn Đình Kiên là một người lính với hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, trong đó hơn nửa thời gian trực tiếp tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội. Trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, ông Nguyễn Đình Kiên là sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn tên lửa phòng không 57 anh hùng. Trong ngôi nhà ở phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, Hà Nội, quay ngược ký ức trở về 50 năm trước, Đại tá Nguyễn Đình Kiên chia sẻ, việc ném bom vào bệnh viện và các khu dân cư không phải là sự nhầm lẫn mà nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân ta, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân và dân ta, buộc Ta phải khuất phục.

 “Nhưng chúng đã nhầm, một dân tộc đã dám đứng lên cùng đồng minh chống phát xít, nay lại dám đứng lên chống Mỹ để giành lấy độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc thì chẳng có sức mạnh tàn bạo nào có thể khuất phục. Kẻ thù càng bạo tàn, ý chí của quân và dân ta càng trở nên kiên cường, bất khuất. Lòng căm thù càng dồn nén càng trở thành sức mạnh để thiêu cháy kẻ thù. Những ngày đó, chúng tôi chỉ nghĩ tới một điều là làm thế nào bắn hạ thật nhiều B-52 của Mỹ để trả thù cho đồng bào, đồng chí đã bị bom đạn của chúng giết hại” - đại tá Nguyễn Đình Kiên nói.

Quả thực, những gì diễn ra trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 đã chứng minh điều đó.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.