Dịch vụ vận chuyển hàng - “bẫy” tiếp tay cho tội phạm ma túy

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Số lượng ma tuý thu giữ được trên tuyến đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2023 lớn hơn số lượng ma tuý thu giữ của 5 năm trước cộng lại, đặc biệt có vụ lên tới hàng trăm kg. Cụ thể, lực lượng chức năng đã bắt giữ 10 vụ vận chuyển ma tuý qua đường hàng không về sân bay Nội Bài, thu giữ 592kg ma tuý tổng hợp.

Dịch vụ vận chuyển hàng - “bẫy” tiếp tay cho tội phạm ma túy - ảnh 1
Hành lý của 4 nữ tiếp viên trên chuyến bay số hiệu VN10 của Vietnam Airlines từ Pháp về Việt Nam được lực lượng chức năng phát hiện có chứa ma túy tổng hợp trong các tuýp kem đánh răng. Ảnh: Cơ quan Hải quan cung cấp

Tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không diễn biến phức tạp 
Liên quan đến vụ việc 4 nữ tiếp viên hàng không thuộc hãng Vietnam Airlines xách ma túy về Việt Nam ngày 16/3 nhưng không biết trong hàng hóa được thuê xách hộ có ma túy, đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng điều tra, đồng thời xác định thêm 6 chuyến hàng chứa ma túy tổng hợp các loại do cùng một đối tượng người Việt Nam lưu trú tại Pháp sử dụng thủ đoạn cất giấu ma túy trong các tuýp kem đánh răng, hộp thực phẩm chức năng… Chúng lợi dụng người Việt Nam học tập, định cư tại Pháp có nhận dịch vụ gom hàng, chuyển phát nhanh hàng hóa quốc tế để vận chuyển ma túy về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.

Sau đó, chúng sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh trong nước để đưa số ma túy này giao về cho một đối tượng tại Đồng Nai tách thành từng kiện hàng riêng, vận chuyển bằng đường bộ để giao cho các đối tượng tại TP HCM và tỉnh Bình Dương tiếp tục chia nhỏ, tiêu thụ tại nhiều điểm tại TP HCM và một số tỉnh, thành khác. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố 22 vụ án, 65 bị can để điều tra, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm; xử lý vi phạm hành chính 12 đối tượng; thu giữ gần 50kg ma túy tổng hợp các loại, 2 khẩu súng và nhiều tang vật khác có liên quan.

Lý giải nguyên nhân tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không diễn biến phức tạp, Thượng tá Đoàn Tất Nam, Phó Trưởng phòng 7, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cũng cho biết do áp lực từ 4 trung tâm sản xuất ma túy của thế giới rất lớn, đặc biệt là châu Âu, là trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp để đưa ra thị trường thế giới. Với máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, vì vậy chất lượng tinh khiết cao, độ “phê” cao, giá thành rẻ và đặc biệt từ châu Âu về Việt Nam đường hàng không rất thuận tiện. Do đó, tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma túy về sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).

Đánh giá về tình hình tội phạm ma túy qua đường hàng không thời gian qua, Thượng tá Đoàn Tất Nam, Phó trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng thiết lập đường dây từ nước ngoài vận chuyển ma túy về Việt Nam. Đối tượng chủ mưu cầm đầu đều là người Việt sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài, sau đó móc nối với các đối tượng ở trong nước để vận chuyển ma túy về Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng loại hình du lịch, mua bán hàng ký gửi ở sân bay, vận chuyển hàng hóa qua công ty logistics để vận chuyển ma túy vào Việt Nam…

Trong khi đó, nguồn cầu về ma túy ở trong nước rất lớn. Với hơn 200 nghìn người nghiện và gần 60 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước, các đối tượng lợi dụng dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trước nhu cầu lớn, đối tượng thường xuyên cung cấp ma túy về trong nước để đáp ứng nguồn cầu.

Một nguyên nhân khiến tình hình phức tạp là lợi nhuận. Ở châu Âu giá ma túy rất rẻ, về Việt Nam giá tăng lên gấp 5 đến 10 lần. Lực lượng chức năng đã phá nhiều vụ án qua đường hàng không, bắt giữ cả đường dây, thu được số lượng ma túy rất lớn, nhưng vì lợi nhuận ma túy mang lại rất cao, các đối tượng vẫn tiếp tục tìm cách để vận chuyển ma túy về Việt Nam.

Bên cạnh đó, chấp hành pháp luật của các công ty dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, nhận thức của khách đi máy bay còn đơn giản, nghĩ rằng xách hàng không biết là không có tội. Do vậy, tội phạm ma túy lợi dụng sự thiếu cảnh giác này để vận chuyển ma túy qua đường hàng không.

Kiên quyết chặn nguồn cầu ma túy từ trong nước 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với lực lượng hải quan, công an các địa phương có địa bàn trọng điểm, đặc biệt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh họp bàn đưa ra các giải pháp, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy qua đường hàng không, không để tình hình diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phương thức thủ đoạn vận chuyển ma túy trên tuyến đường hàng không để doanh nghiệp, người dân nắm vững, không để tội phạm lợi dụng vào hành vi vận chuyển ma túy.

Thượng tá Đoàn Tất Nam cũng cho rằng, để ngăn chặn tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không, bên cạnh công tác tuyên truyền thì cần phải giảm nguồn cầu. Theo đó, cần phối hợp với cơ quan phòng, chống ma túy quốc tế, thực hiện phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; chủ động thu thập tài liệu, phối hợp với các lực lượng hải quan để xác định các tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm để xây dựng các đường dây, đấu tranh chuyên án chung. Công tác điều tra phải triệt để, bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài, thu được vật chứng là ma túy để triệt nguồn tài chính của tội phạm. Đặc biệt, cơ quan công an phải bắt giữ được toàn bộ đường dây, chứng minh được tội phạm, nhưng không làm oan người vô tội… 

“Lãnh đạo Bộ Công an đã phân công trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương giải quyết các điểm, tụ điểm, không để tụ điểm phát sinh; phải triệt xóa, vô hiệu hóa các điểm sử dụng trái phép chất ma túy; làm tốt công tác cai nghiện để hạn chế người nghiện ở ngoài xã hội; quản lý người nghiện để không tái nghiện” - Thượng tá Nam nói. 

Người dân cần cảnh giác để không tiếp tay cho tội phạm vận chuyển ma túy
Tội phạm ma túy qua đường hàng không có các thủ đoạn như: Thông qua mạng xã hội để kết bạn với phụ nữ có hoàn cảnh éo le, sau đó hứa hẹn cho ra nước ngoài du lịch. Quá trình đi du lịch miễn phí, các đối tượng đưa vali, hàng hóa có ma túy để phụ nữ trên vận chuyển. Các đối tượng lợi dụng sinh viên, học sinh đi du học, hay người Việt Nam sang lao động nước ngoài, quá trình về nước các đối tượng mua suất hành lý ký gửi. Khi mua, các đối tượng lồng ma túy trong đó. Khi bị bắt, các hành khách đi máy bay không biết hàng của ai bởi các đối tượng rất tinh vi, xóa dấu vết khi gửi hàng vào. Thậm chí, chúng lợi dụng lòng tốt của những người mới đi máy bay, thiếu kinh nghiệm, hoặc những người đi máy bay lần đầu, chúng đưa các người già, người tàn tật, người có con nhỏ để trông hành lý, xách hộ hành lý, trong hành lý có ma túy.

Do đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khuyến cáo những người đi máy bay phải quản lý tốt hành lý của mình, tránh các đối tượng đưa ma túy lẫn vào hành lý của mình. Bất kỳ trong trường hợp nào, người lạ gửi hoặc trông hộ hành lý nên từ chối. Khi bán suất hành lý ký gửi phải biết người gửi đó là ai, thông tin chính xác hoặc có thể cùng đóng gói để xác định hàng hóa đó là chất cấm hay ma túy hay không, nếu không xác định được loại hàng hóa hoặc có nghi ngờ thì không cho gửi. Khi các đối tượng giả danh người có hoàn cảnh gửi, cần liên hệ nhân viên sân bay để hỗ trợ, có kinh nghiệm và xử lý chuẩn.

Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy trên đường hàng không để cảnh giác, không bị đối tượng phạm tội lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật. 

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: Mặc dù đã rất nhiều bài học liên quan đến việc cầm hộ, giữ hộ hàng hóa ở sân bay bị bắt vì vận chuyển hàng cấm xảy ra, song nhiều người vẫn còn chủ quan. Nhiều người cho rằng, bản thân mình không biết trong hàng hóa xách hộ là ma túy thì không có tội nên vẫn vô tư cầm hộ, cầm giúp hàng hóa cho người khác. Nhưng khi bị bắt giữ, để chứng minh là cầm hộ, cầm hộ ai, trả hàng hóa cho ai, như thế nào sẽ rất khó khăn. Các đối tượng là chủ sở hữu mua bán hàng cấm luôn sử dụng thủ đoạn, hành vi rất tinh vi, xảo quyệt và phòng ngừa cả phương án bị lộ nếu có. Vì thế gần như người cầm hộ không có bất cứ thông tin gì về đối tượng nhờ, hoặc các thông tin rất mờ nhạt, không rõ ràng, thậm chí là thông tin giả.

 “Pháp luật Việt Nam quy định, người dân buộc phải biết hàng hóa mình vận chuyển là gì? Nếu trường hợp vô tình vận chuyển hàng cấm thì người vận chuyển có thể sẽ phạm tội với vai trò là đồng phạm giúp sức. Nhất là đối với hàng hóa ma túy, khung hình phạt rất nặng, người vận chuyển thường được hưởng lợi không nhiều nhưng khung hình phạt trong các tội phạm về ma túy có thể lên đến chung thân, tử hình. Các công ty, đơn vị vận chuyển cũng cần siết chặt việc kiểm tra, theo dõi hàng hóa ký gửi và có điều khoản khách hàng cam kết không vận chuyển hàng cấm để tránh bị kẻ xấu lợi dụng” - luật sư Hùng nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.