Nhà ở xã hội cho công nhân:
Giấc mơ vẫn... xa vời
(PNTĐ) -Nhà ở vẫn luôn là ước mơ, là mong mỏi lớn lao của đa số công nhân. Lao động trong khi thu nhập thấp, lãi suất vay ngân hàng cao, số lượng nhà ở xã hội bán, cho thuê lại “nhỏ giọt” khiến giấc mơ nhà ở của công nhân tiếp tục... xa vời.

Được thuê nhà ở giá rẻ vẫn trùng điệp nỗi lo
Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô vào sáng ngày 6/8 tại khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Nơi đây có không gian khá rộng thoáng, tuy nhiên hạ tầng đã cũ, một số hạng mục xuống cấp.
Dự án được xây dựng trên diện tích đất 20ha, thiết kế được phê duyệt gồm 28 đơn nguyên nhà. Trong đó, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê).
Những hạn chế ở đây đã được chỉ ra: Hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà ở xuống cấp không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, đồng bộ gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường, cảnh quan khu nhà và ảnh hưởng đến việc đi lại của công nhân sống trong khu nhà như: Bồn hoa, cây cảnh, sân, hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn ngoài nhà. Các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống người lao động chưa được đáp ứng đầy đủ như: Đồng lương thấp, giá thành lại cao, trường học các cấp còn thiếu, trạm y tế, thiếu thuốc men gây khó khăn...
Với trách nhiệm là đơn vị quản lý, ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng phòng Quản lý tái định cư và nhà xã hội (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho rằng, thiết kế căn hộ gia đình và hộ độc thân ở đây mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ; chứ chưa mang tính hấp dẫn, chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày: Nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội...
Chị Đặng Thị Thu Huệ quê ở Vĩnh Phúc làm công nhân công ty Canon 17 năm nay, đã sinh sống ở căn hộ số 212, đơn nguyên 1-N001 đã 7 năm nay với giá thuê 1,6 triệu đồng đã bao gồm điện, nước, chị Huệ cho rằng đây là chi phí hợp lý. Khi được hỏi về nhu cầu mua một căn nhà ở xã hội, chị Huệ lắc đầu: “Với đồng lương còn hạn hẹp, việc làm bấp bênh, chi phí sinh hoạt lớn, mua nhà với chúng tôi là không thể và cũng không dám tính đến”. Thu nhập 2 vợ chồng chị Huệ mỗi tháng gần 20 triệu đồng, cũng nhờ việc giảm chi phí nhà ở mà vợ chồng chị Huệ đã có được tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, chị Huệ lo lắng 2 năm nữa, khi con học lên lớp 10, với tình trạng không có hộ khẩu thường trú thì con sẽ không được học trường công lập. Nếu phải học trường tư sẽ phải chi phí nhiều hơn, cuộc sống của gia đình chị càng thêm khó khăn.
Ở trong căn hộ nhỏ có diện tích 34m2 (1 nhà vệ sinh, 1 phòng ngủ, 1 phòng khách) chị Lý Thị Lựu công nhân Công ty Ryonmau Edictrick Việt Nam có 2 con nhỏ, với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, để chi tiêu cho cuộc sống gia đình rất khó khăn, chị mong muốn được tăng lương và khu nhà ở có thêm các khu vui chơi cho trẻ em. Với nữ công nhân trẻ Nguyễn Thị Thu Hường 23 tuổi làm việc tại Công ty Canon Việt Nam, việc được thuê nhà ở giá rẻ (chỉ 40.000-50.000 đồng, ở phòng 4 người) là rất may mắn.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Thăng Long, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê… với hơn 4.000 doanh nghiệp và 22.400 công nhân đang thuê nhà ở trọ. Trong đó, riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có cho thuê trọ, nhiều người ở trọ các xã lân cận như: Kim Nỗ, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối… Đa số người lao động đều sinh hoạt trong điều kiện chật chội, khó khăn. Trong khi những chỗ Nhà nước làm để cho công nhân thuê thì vẫn còn chỗ nhưng công nhân lại không thuê, bởi thu nhập của họ còn thấp. Nhà ở khang trang thì giá thuê cao trong khi lương thấp, nhiều khoản phải chi tiêu.
Nhà ở thí điểm còn bất cập
Chị Nguyễn Thị Hiền - công nhân Công ty Panasonic Việt Nam - ở toà nhà CT1A cho biết, với mức thu nhập khi chỉ được đi làm giờ hành chính (không tăng ca) và đang nuôi 2 con nhỏ, chị luôn phải thắt chặt chi tiêu lắm. Vì vậy, chị Hiền mong muốn mức giá thuê nhà ở xã hội cần phù hợp hơn với đồng lương của công nhân. Về điều kiện hạ tầng khu nhà ở, việc di chuyển của các cư dân rất vất vả mỗi khi thang máy toà nhà hỏng. Gia đình chị Hiền ở tầng 12 của toà nhà CT1A, thang máy thường xuyên bị hỏng.

“Mỗi lần mua gạo, mua gas,… chúng tôi phải đi bộ leo lên tầng cao. Việc đi lại hết sức nan giải” - chị Hiền chia sẻ.
Làm rõ về vấn đề này, ông Bùi Quốc Dũng cho rằng, vấn đề thang máy tại toà nhà CT1A là hậu quả của việc thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân. Đề án đầu tiên là xây nhà ở cho công nhân để cho các khu công nghiệp - chế xuất mua lại, cho công nhân thuê. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài khi vào khảo sát thì thấy đề án không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ, nên không mua và Thành phố đã chuyển sang hình thức cho công nhân thuê. Vì vậy, việc thiết kế, thi công đến đầu tư đã có rất nhiều vấn đề, trong đó có thang máy CT1A.
Chỉ rõ hơn, ông Dũng cho hay, khi thiết kế thang máy, hố thang máy chạy theo đường ray và được kéo bởi hệ thống ròng rọc. Thiết kế một chủng loại nhưng thi công không nhập được chủng loại đó nên phải thay bằng thang khác nhỏ hơn so với hố thang. Họ phải làm hệ thống câu móc từ thành hố thang ra đường ray. Mặc dù không đúng với tiêu chuẩn thiết kế nhưng vẫn đưa vào sử dụng cho kịp tiến độ.
Theo ông Dũng, chỉ qua 1 năm, hệ thống thang xuống cấp rất nhanh chóng. Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề xuất thay lại thang nhưng nguồn kinh phí rất lớn, cơ quan thẩm duyệt phương án sửa chữa, cải tạo là Sở Xây dựng Hà Nội không chấp nhận; Sở Tài chính cũng không được duyệt tiền đầu tư. Vì vậy, thang máy hỏng đâu sửa đấy dẫn đến không thể khắc phục.
Như vậy, trong khi quỹ nhà ở dành cho công nhân đã thiếu, thì ở dự án thí điểm chất lượng lại còn chưa đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt cơ bản.
Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân.
Tại Hà Nội có gần 170.000 công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22.000 chỗ ở cho công nhân, tức đáp ứng khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân.
Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, nhu cầu nhà ở cả thuê và mua của công nhân là cấp bách nhưng còn nhiều bất cập. Theo bà An, cần thiết phải có quỹ để làm nhà cho công nhân thuê, đảm bảo chỗ ở để họ yên tâm làm việc, sau đó mới đến rao bán. Với mức lương từ 6-9 triệu/người/tháng như hiện nay, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều tích lũy tài chính để có khả năng mua nhà ở xã hội.
Ông Bùi Quốc Dũng cho rằng, từ thực tế rà soát nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở cho công nhân trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng chỉ khoảng 6,8% nhu cầu; còn lại đang thuê ở nhà dân. Các chủ đầu tư chưa mặn mà với loại hình nhà ở xã hội là do việc thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp. Do đó, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi hơn mới có thể thu hút đầu tư vào loại hình này. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về loại hình cho thuê với công nhân lao động bởi đa phần công nhân di cư thường gắn bó thời gian nhất định với doanh nghiệp.