Hành động nhân văn từ một cuộc thi nhân văn

Chia sẻ

Chương trình trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XI - năm 2021 không chỉ nhằm vinh danh các tác giả đạt giải mà đã trở thành nơi lan tỏa yêu thương. Ở đó, nhiều tác giả đã cùng Ban tổ chức “chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em” bằng hành động thiết thực, nhân văn: Quyên tặng 19 triệu đồng để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh được cộng đồng biết tới là “điểm tựa” của các phụ nữ trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Kể từ khi chọn làm luật sư cho tới khi đã về hưu rồi lại tiếp tục hoạt động xã hội, bà luôn tâm nguyện sẽ luôn đứng về phía phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ cho tới hơi thở cuối cùng.

Tham gia cuộc thi, cùng với tác phẩm của mình, bà còn gửi theo tâm nguyện ủng hộ toàn bộ tiền nhuận bút và giải thưởng (nếu đạt giải) nhờ Ban tổ chức cuộc thi hỗ trợ các phụ nữ, trẻ em còn khó khăn, góp phần giúp môi trường sống của họ được an toàn hơn. Bà cũng ấp ủ ý định tới đây, có thể được cùng đứng trong đội ngũ chuyên gia, luật sư tham gia cùng Hội LHPN Hà Nội tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ, học sinh…

Trong cuộc thi năm nay có nhiều tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có tình yêu với Việt Nam. 3 người trong số họ đã giành giải cuộc thi và cả 3 cũng đều tặng lại toàn bộ giải thưởng, nhuận bút gửi tới Ban tổ chức.

Với anh Saad Ashmawi, thành phố Alexandria, Ai Cập, có lẽ, từ sự biết ơn có được người bạn đời là cô gái Việt Nam duyên dáng, hiền hậu mà anh luôn mong muốn được làm gì đó có ích cho quê ngoại Việt Nam.

Sau khi biết tới cuộc thi, anh đã quyết định tham gia và chỉ sau 1 ngày đã hoàn thành tác phẩm. “Chúng ta có thể sử dụng tiếng nói của mình để vận động, thúc đẩy, nâng cao nhận thức, văn hóa tôn trọng và bình đẳng cho mọi người, để mọi quốc gia, mọi không gian đều sẵn sàng chào đón sự hiện diện của người phụ nữ và các trẻ gái”. Không chỉ kêu gọi, cùng với giải thưởng 2,5 triệu đồng, anh còn ủng hộ thêm 2,2 triệu để giúp đỡ các trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tiếp nhận số tiền ủng hộ 19 triệu đồng ủng hộ từ tác giả và bạn đọcĐồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tiếp nhận số tiền ủng hộ 19 triệu đồng ủng hộ từ tác giả và bạn đọc

Đó còn là tấm lòng của độc giả Michelle Phạm, hiện sinh sống ở New York Mỹ. Vợ chồng Michelle Phạm tâm sự, họ rất tâm đắc với chủ đề của cuộc thi, tuy nhiên chưa đủ “tự tin” để viết bài nhưng muốn đóng góp theo một cách khác. Mỗi ngày, được cùng sống bên hai con nhỏ kháu khỉnh Bơ và Sữa, hai vợ chồng rất muốn mọi đứa trẻ khác cũng đều được yêu thương và có cuộc sống an toàn. Vì vậy, vợ chồng Michelle Phạm đã quyết định gửi tặng số tiền 4,6 triệu đồng nhờ Ban tổ chức cuộc thi chọn gửi tặng các em nhỏ đang cần hỗ trợ.

Đó còn là tấm lòng của chị Võ Thị Phương Hằng, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc cư dân mới khu Bát Lý, thành phố Tân Bắc, Đài Loan, (Trung Quốc). Từ những khó khăn bản thân đã trải qua cách đây 23 năm khi mới sang Đài Loan làm dâu, từ việc không biết tiếng tới sự khác biệt về văn hóa, chị Hằng đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cô dâu Việt Nam tại Đài Loan.

Tham gia cuộc thi, chị muốn khẳng định ở Đài Loan, các cô dâu Việt vẫn đang từng ngày từng giờ bao bọc nhau, động viên nhau, khẳng định vị thế, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, an toàn đúng như chủ đề mà cuộc thi hướng tới.

Sau khi giành giải Nhì với phần thưởng 2,5 triệu đồng, chị gửi tặng số tiền trên tới Ban tổ chức cùng lời đề nghị trong các năm sau, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc cư dân mới khu Bát Lý có cơ hội chung tay cùng Hội LHPN Hà Nội, báo Phụ nữ nữ Thủ đô triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em.

Và cũng không thể không nhắc tới chị Nguyễn Thu Hương, Sở Giáo dục Hạt Buncombe, bang North Carolina, Mỹ. Xa quê hương đã nhiều năm nhưng chị vẫn đang triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nhiều cha mẹ Việt trong giáo dục con em phát triển toàn diện. Tham gia cuộc thi là cơ hội không chỉ để chị được nói lên quan điểm về xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em mà còn bằng hành động thông qua việc đóng góp toàn bộ tiền giải thưởng.

Hay như chị Trần Thị Phương Nhung, nguyên cán bộ quản lý Sáng kiến về bình đẳng giới và Giáo dục trẻ em gái của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam thông qua cuộc thi cũng đã tặng toàn bộ giải thưởng và ủng hộ thêm 2,5 triệu đồng.

Tổng cộng số tiền Ban tổ chức tiếp nhận từ các tác giả, độc giả là 19 triệu đồng. Ban tổ chức cuộc thi đã gửi 4 triệu đồng tới hai gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ tại xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình và tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Số tiền còn lại, Ban tổ chức sẽ có trách nhiệm chuyển tới đúng đối tượng phụ nữ, trẻ em và công khai danh sách trên báo Phụ nữ Thủ đô.

Cuộc thi viết năm thứ XI được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và gia đình trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, bình đẳng, không có bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Nhưng, vượt ra khỏi hoạt động tuyên truyền, từ cuộc thi, nhiều hành động, phần việc ý nghĩa xuất phát từ những trái tim yêu thương phụ nữ, trẻ em đã được triển khai.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.