Hãy hành động để bảo vệ trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Chia sẻ

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó xâm hại tình dục là 6.432 trẻ em, 857 trẻ em bị bạo lực, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) đang tham gia phiên toà giả định tại trường THCS Cầu Kiệu, TP Hồ Chí Minh năm 2020 Ảnh: NVCCTác giả (ngoài cùng bên trái) đang tham gia phiên toà giả định tại trường THCS Cầu Kiệu, TP Hồ Chí Minh năm 2020 Ảnh: NVCC

Kể từ khi chọn làm luật sư cho tới nay khi đã về hưu và tiếp tục hoạt động xã hội, tôi luôn tâm nguyện sẽ luôn đứng về phía phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Tôi đã tham gia 14 phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con, bảo vệ cho 17 em bị bạo hành; giúp đỡ 25 trường hợp trẻ em bị lạm dụng, sàm sỡ và bị bạo hành; 50 trường hợp trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi được làm giấy khai sinh; 54 trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường... Từ năm 2017 đến nay, tôi đã trực tiếp can thiệp hơn 50 trường hợp, trong đó có khoảng 40 trường hợp đã có bản án của tòa án, hơn 10 trường hợp đang thụ lý, giải quyết.

Song, nhiều vụ việc đã giải quyết xong nhưng vẫn khiến tôi day dứt. Đó là khi các trẻ gái bị xâm hại, bạo lực vẫn phải chịu đựng nhiều tổn thương. Có nhiều vụ, cơ quan chức năng xét xử tội phạm không đúng tội hay bỏ lọt tội cho thấy việc thực thi pháp luật trong giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em đôi khi chưa nghiêm minh. Như trường hợp cháu bé 14 tuổi (tính theo giấy khai sinh) ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bị xâm hại tình dục năm 2019. Sau đó, cơ quan điều tra đã đưa cháu đi giám định lại tuổi và kết luận cháu đã 17 tuổi 7 tháng nên tội phạm không bị xử lý vì hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, Hội LHPN huyện Bình Chánh và tôi đã phải gửi các văn bản kiến nghị cho Viện kiểm sát TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh, trung tâm giám định pháp y... yêu cầu giám định lại. Kết quả cháu bé đúng là chỉ 14 tuổi như giấy khai sinh, cơ quan công an sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ, khởi bị can, truy tố ra trước Toà.

Trong quá trình tham gia giải quyết các vụ việc, tôi thấy nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại không được phát hiện để bảo vệ kịp thời. Tôi nhớ vụ chị Minh C bị chồng bạo hành nhiều năm, nhiều lần ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Thủ phạm còn bắt các con phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Hay trường hợp cháu Nguyễn Trúc L, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 9 tuổi bị cậu ruột là người nhận nuôi cháu thường xuyên cưỡng hiếp suốt nhiều năm. Tới khi cháu mang thai vào năm mới 14 tuổi và được đưa tới bệnh viện Từ Dũ thăm khám thì sự việc mới bị phát giác. Nhận được tin báo từ bệnh viện, tôi đã liên hệ với cơ quan Công an để bắt tạm giam đối tượng. Sau đó, tôi tham gia trong tất cả các giai đoạn tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu bé, đảm bảo thủ phạm bị xử lý.

Lại có nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại nhưng người thân lại thiếu quan tâm, sát sao hoặc không tin trẻ dẫn tới không có biện pháp can thiệp kịp thời. Như vụ việc dâm ô trẻ em xảy ra tỉnh Bình Dương mà tôi từng tham gia bảo vệ nạn nhân. Thủ phạm không ai khác là người thầy có tiếng trong đào tạo các học sinh chuyên, học sinh giỏi quốc gia. Đáng buồn là cháu bé đã phản ánh với ba mẹ mình nhưng ba mẹ cháu không tìm hiểu, còn la mắng cháu. Để chứng minh, cháu đã phải tự đặt điện thoại quay lại toàn bộ cảnh mình bị thầy xâm hại thì bố mẹ cháu mới bàng hoàng tìm gặp chúng tôi để nhờ đưa thủ phạm ra xét xử.

Theo tôi, để bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt hơn, chúng ta có nhiều việc phải làm. Trước tiên, chúng ta cần xây dựng một đội ngũ các điều tra viên, kiểm sát viên có kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết chuyên sâu về điều tra, tuy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em. Tại các địa phương cần thành lập những mô hình điều tra thân thiện với trẻ, thành lập các Tòa án Gia đình và người chưa thành niên để trẻ và gia đình không e ngại khi tố cáo sự việc. Bên cạnh đó, xem xét áp dụng các biện pháp đưa nạn nhân tới các Ngôi nhà hạnh phúc, Ngôi nhà bình yên, Trung tâm một cửa hỗ trợ bảo vệ nạn nhân... để cách ly các em khỏi thủ phạm gây bạo hành, xâm hại; Mở rộng quyền được yêu cầu giám định thêm cho các tổ chức bảo vệ trẻ em, người giám hộ trẻ em.

Việc tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em thống nhất với Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP cũng rất cần thiết. Các cơ quan chức năng, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em và cộng đồng, tăng cường tổ chức các phiên tòa giả định. Từ năm 2017 đến nay, tôi đã thực hiện được khoảng 61 phiên tòa giả định tại các trường THCS, tiểu học về bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống ma túy… và thấy hiệu quả từ mô hình này khá tốt.

Tôi cũng luôn đề cao vai trò của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, trong đó có Hội LHPN các cấp trong tham gia bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Vừa qua,Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thí điểm xây dựng Trung tâm một cửa, một điểm dừng dành cho các đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới. Đây được coi như một hình thức cải cách hành chính trong việc cung cấp sự hỗ trợ ban đầu về mặt pháp lý, quan tâm sức khỏe, các bước điều tra tố tụng… một cách thân thiện và kịp thời cho phụ nữ và trẻ em bị hại…

LS Trần Thị Ngọc Nữ
Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP Hồ Chí Minh; Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.