Hướng tới trả lương cho trách nhiệm chăm sóc của phụ nữ

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng ngày 14/3, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo "Đầu tư vào Kinh tế Chăm sóc: Giải pháp Thúc đẩy Bình đẳng giới và Tăng trưởng Bền vững". Hội thảo là một trong các hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ với chủ đề toàn cầu “Vì tất cả Phụ nữ và trẻ em gái”.

Chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người ốm, người dễ bị tổn thương, và các thành viên trong gia đình là quyền và trách nhiệm chung của mọi người, đây là yếu tố cần thiết để gia đình, xã hội và nền kinh tế vận hành và phát triển. Tuy nhiên, ở khắp nơi trên thế giới phụ nữ phải gánh vác khối lượng công việc chăm sóc không trả lương nhiều hơn so với nam giới. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung bình phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều gấp 2,5 lần so với nam giới. Phụ nữ Việt Nam dành thời gian làm việc nhà gần gấp đôi so với nam giới.

Hướng tới trả lương cho trách nhiệm chăm sóc của phụ nữ - ảnh 1
Quang cảnh hội thảo

Trách nhiệm chăm sóc là một trong những lý do chính khiến phụ nữ hạn chế tham gia thị trường lao động. Do thiếu các dịch vụ chăm sóc, nên phụ nữ phải nhận những công việc bấp bênh, không ổn định hay thậm chí phải nghỉ việc. Bên cạnh đó các công việc chăm sóc có trả lương thường do phụ nữ đảm nhận, đa số là phụ nữ di cư, không có điều kiện làm việc tốt, cùng với mức lương thấp và hạn chế trong chế độ bảo hộ lao động và bảo trợ xã hội. Nếu xem xét sự tham gia đóng góp của phụ nữ cho tất cả các hình thức chăm sóc, thì phụ nữ đã đóng góp tới 11 nghìn tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải chịu thiệt thòi do công việc chăm sóc không được đánh giá cao và sự thiếu đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc, khiến chúng ta bị thụt lùi trong tiến trình đạt được mục tiêu về bình đẳng giới.

Kinh tế chăm sóc chỉ lĩnh vực kinh tế liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc (được trả lương và không được trả lương) cho con người bao gồm trẻ em, phụ nữ, người già, người bệnh, người khuyết tật... Kinh tế chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của xã hội.

Hội thảo trao đổi về kinh tế chăm sóc, tầm quan trọng của kinh tế chăm sóc; doanh nghiệp thực hành tốt các chính sách chăm sóc thân thiện với gia đình, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng, tuân thủ quy định pháp luật lao động và bình đẳng giới và khách hàng có thể tiếp cận; hướng tới xây dựng kinh tế chăm sóc có trách nhiệm giới  tại Việt Nam

Sự kiện vinh dự có sự tham gia của bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cùng với gần 130 đại biểu là đại diện cơ quan Bộ ngành, các tổ chức Liên Hợp Quốc, Tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội doanh nhân nữ, các doanh nghiệp, doanh nhân nữ khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch Phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI nhấn mạnh: "Thúc đẩy bình đẳng giới trong thế giới việc làm chính là việc giải phóng tiềm năng kinh tế của phụ nữ, phát huy các đóng góp của họ cho sự tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc toàn diện, mang lại lợi ích cho phụ nữ, cho doanh nghiệp và cộng đồng".

Bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, chia sẻ: “Đầu tư vào hệ thống chăm sóc không chỉ cần thiết mà còn mang tính chuyển đổi. Đầu tư như vậy sẽ mang lại lợi ích cho phụ nữ, nam giới, người được nhận chăm sóc, cộng đồng và đất nước. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay xây dựng kinh tế chăm sóc có trách nhiệm giới mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.

Hội thảo là một phần trong nỗ lực của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và UN Women nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.