Khát vọng vươn lên, đổi mới vì một nền báo chí hiện đại, nhân văn

Chia sẻ

Hội Báo toàn quốc 2022 tổ chức thành công rực rỡ như một lời khẳng định, dù phía trước còn nhiều thách thức phải đương đầu nhưng báo chí Việt Nam sẽ đoàn kết, tiếp tục “chuyển mình” để ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà Báo Việt Nam đã đề ra.

Báo chí chuyển đổi số: Xu thế tất yếu

Chuyển đổi số là điều tất yếu phải diễn ra. Dù còn không ít khó khăn, cản trở nhưng thực tế vẫn cho thấy, hoà mình vào dòng chảy chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng được nền tảng công nghệ mới gắn với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo, tạo ra những hướng đi mới bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Trong bối cảnh kỷ nguyên số, sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi những hành vi của độc giả, khán thính giả, khiến báo chí muốn giữ chân họ, muốn tồn tại và tạo nguồn thu mới để nuôi sống chính mình, không có cách nào khác là phải tích cực số hoá. Theo nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân: Việc đổi mới, sáng tạo phải được gắn với trách nhiệm của người làm báo. Đó cũng chính là thông điệp được gửi gắm tại Hội Báo toàn quốc 2022, là tinh thần xuyên suốt của Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Quốc Minh phân tích: Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, cho rằng chỉ đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm có nghĩa là họ đã trên con đường chuyển đổi số… nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.

Suốt 97 năm qua, báo chí Hà Nội luôn có nhiều đóng góp vào sự thành công chung của dòng chảy báo chí cả nước 	Ảnh: Thanh ThanhSuốt 97 năm qua, báo chí Hà Nội luôn có nhiều đóng góp vào sự thành công chung của dòng chảy báo chí cả nước   Ảnh: Thanh Thanh

Chuyển đổi số cũng không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số, mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, những sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.

“Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã tận dụng tốt sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi mạnh mẽ hình thức truyền thông cũ bằng hình thức truyền thông mới, tạo được ấn tượng đối với công chúng thông qua những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Các cơ quan báo chí tiếp tục tập trung phát triển theo hướng tòa soạn hội tụ và đa phương tiện. Mỗi tòa soạn và mỗi người làm báo từng bước chủ động tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ truyền thông vào tác nghiệp báo chí, từ khâu thu thập thông tin, sản xuất nội dung cho đến việc phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau. Đây chính là “sức sống mới” của báo chí trong thời đại chuyển đổi số hiện nay” - nhà báo Lê Quốc Minh phân tích.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn vào thực tiễn hoạt động “chuyển đổi số” của báo chí hiện nay, bên cạnh những thành tựu bước đầu, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra nhiều bất cập hiện hữu.

Đó là bên cạnh những lãnh đạo cơ quan báo chí có kiến thức, hiểu biết về công nghệ, dễ dàng chuyển đổi số, thì nhiều cơ quan báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều thiếu kiến thức về công nghệ, không biết nên làm từ đâu, định hướng thế nào; nhiều nhân lực báo chí còn ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trong đó trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu. Khi loay hoay rằng bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, như thế nào thì người đứng đầu cần quyết, cần thay đổi. Đồng thời, đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức về công nghệ số.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong đơn vị, ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công nghệ thông tin, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho hay: Ngay từ những năm 2010 - 2011, VTV đã có khẩu hiệu 5 chữ: “Thay đổi hay là chết”. Để có sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong chuyển đổi số, VTV đã trải qua quá trình dài từ nghiên cứu, tìm hiểu đến nghĩ đến các hướng đi mới; phải mất vài năm mới có được nhận thức vấn đề và lại phải tiếp tục thay đổi theo xu thế chung. Chúng tôi xác định, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng phải vào cuộc, kiên quyết thực hiện từ lãnh đạo cấp cao nhất đến nhân viên…

Báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân

Nhìn lại khoảng thời gian 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19 không khó để thấy báo chí chính thống đang phải chạy đua với nhiều nguồn thông tin trên mạng xã hội. Nhưng cũng chính nhờ vậy, báo chí càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, bám sát những giá trị cốt lõi thông qua việc cung cấp các tin bài phản biện kịp thời với các ý kiến trung thực, thông tin chính xác và đa chiều, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Một thực tế càng được khẳng định đó là: Ở mỗi thời kỳ, dù cách thức làm báo có thể khác nhau nhưng đạo đức, lý tưởng làm nghề vẫn không bao giờ thay đổi. “Báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gian trưng bày các ấn phẩm của báo chí Thủ đô 	Ảnh: Thảo HươngĐồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gian trưng bày các ấn phẩm của báo chí Thủ đô    Ảnh: Thảo Hương

Đó mới là lý tưởng cao cả của người làm báo cách mạng Việt Nam” - nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Khẳng định giá trị của tính nhân văn, đạo đức người làm báo trong bối cảnh “chuyển đổi số” hiện nay, nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Mỗi người làm báo cần nêu cao tinh thần làm nghề vì lý tưởng, mục đích cao quý phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân. Điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta thấm nhuần tinh thần làm nghề phải đoàn kết,chuyên nghiệp, nhưng cũng phải có trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức người làm báo.

Đoàn kết ở đây là đông đảo người làm báo, công chúng báo chí tham gia, là sự cùng nhau thực hiện ý tưởng, cùng nhau kể lại các câu chuyện của báo chí Việt Nam hôm nay. Những người làm báo đã lao động ra sao, đã sáng tạo ra sao và thành quả như thế nào? Chúng tôi đã cùng nhau kể lại, sát cánh vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch...

Chuyên nghiệp thể hiện ở cách thức làm báo, cách thức tổ chức, cách thức sản xuất, cách thức thực hiện các mục tiêu làm báo của mình. Tính hiện đại được thể hiện bằng phương pháp làm báo tiên tiến, tận dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ đưa thông tin tới bạn đọc một cách chính xác, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Đặc biệt, câu chuyện nhân văn phải hiểu rộng rãi hơn, đấy là mục tiêu làm nghề, làm người, mục tiêu hoàn thiện bản thân của người làm báo chứ không chỉ là câu chuyện trên trang viết của họ.

Đó cũng chính là định hướng mà đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra trong phát biểu tại Hội Báo toàn quốc 2022: Các cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Nhà báo là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chúng ta phải phấn đấu để xứng đáng với sứ mệnh cao cả được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.