Kỳ 1: “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, vận động người dân

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27/4 tới nay) khiến cả hệ thống chính trị của Hà Nội vào cuộc quyết liệt. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài phòng, chống dịch. Thành phố cùng với các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương, phụ nữ Thủ đô tích cực chung tay nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Xác định công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân nâng cao ý thức chấp hành công tác phòng, chống dịch bệnh là tiên quyết và vô cùng quan trọng, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định về phòng chống dịch của các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Nhiệt huyết của những tuyên truyền viên U70

Nếu như Đoàn Thanh niên, lực lượng tuyên truyền viên là những bạn thanh niên trẻ, khỏe, giỏi công nghệ… thì các cấp Hội Phụ nữ lại luôn tự hào vì có những cán bộ Hội, dù tuổi cao nhưng vẫn rất tâm huyết, nhiệt tình tham gia phòng, chống dịch. Nhiều bác, nhiều chị không biết đi xe máy thì đi xe đạp, đi bộ… mang theo loa kéo len lỏi vào từng ngõ, ngách để tuyên truyền vận động phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, 61 tuổi, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ số 4 phường Láng Thượng (quận Đống Đa) là một trong những tuyên truyền viên như thế. Mỗi ngày, cứ 6 giờ sáng, bà đã đạp xe ra khỏi nhà, phía sau xe chở thêm chiếc loa thùng. Chọn tuyên truyền phòng chống dịch ở một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh của địa phương là khu vực hồ Láng Thượng, nơi có bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bà Bình cho biết, nếu cứ để mặc kệ cho “loa nói”, thì sẽ không hiệu quả. Vì vậy, hễ thấy ai chưa chấp hành đúng các nguyên tắc phòng, chống dịch, bà nhẹ nhàng nhắc nhở. Thấy ai hoang mang, lo lắng bà lại tìm cách trấn an tinh thần. Ai chưa nắm hết các quy định thì bà sẵn sàng “dừng xe” lại giải thích…

Tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, nữ y sỹ Tạ Thị Huân dù ở tuổi nghỉ hưu nhưng cũng “không chịu nghỉ hưu” với các hoạt động cộng đồng. Khi dịch Covid-19 xảy ra, bà Huân xung phong tham gia trực chốt chống dịch, rồi hăng hái đến từng khu nhà trọ để vận động công nhân, người lao động nhập cư… chấp hành nghiêm quy định 5K. Nhờ có các kiến thức về y tế, sự am hiểu các biện pháp phòng, chống dịch, bà đã nhận được sự tin tưởng, lắng nghe và làm theo của nhiều người.

Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm tổ chức điểm tuyên truyền xung kích tại ngã tư Phố Huế 9 (trong đợt thực hiện giãn cách xã hội tháng 8).Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm tổ chức điểm tuyên truyền xung kích tại ngã tư Phố Huế 9 (trong đợt thực hiện giãn cách xã hội tháng 8). (Ảnh: HPN)

Tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, ngày hai buổi sáng, chiều, tạm gác việc nhà, các bà Nguyễn Thị Bình, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ 4, Nguyễn Thị Thúy, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ 5, Lê Thị Đồi, Chi hội trưởng Phụ nữ số 6… lại có mặt ở các “điểm tuyên truyền xung kích” do Hội Phụ nữ phường tổ chức để tham gia công tác tuyên truyền phòng dịch. Các bà kéo loa kéo tới các ngã tư đường phố và các chốt trực kiểm soát, các khu tập thể đông người dân sinh sống như: Khu tập thể 23 Bà Triệu, khu tập thể tại phố Trần Quốc Toản, khu tập thể ở Vọng Đức… để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Còn tại địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, các bà, các cô cũng luân phiên nhau gắn “loa kéo” trên những chiếc xe đạp, không quản nắng nóng hay mưa gió rong ruổi vào từng con ngõ, tới khu vực công cộng như nhà văn hóa, chợ truyền thống… để tuyên truyền cho người dân hiểu và nắm rõ các biện pháp phòng, chống dịch. Chị Bùi Thị Trinh, Chủ tịch Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm cho biết: Hiện nay, toàn quận có 162 tổ và 1.221 nhóm với hơn 3.200 cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia hoạt động này. Trong số đó, nhiều bác hội viên phụ nữ dù tuổi cao nhưng hăng hái tham gia tuyên truyền phòng chống dịch, nhiệt huyết, hăng hái không khác gì các bạn trẻ.

Mỗi địa bàn, một cách làm sáng tạo

Muốn việc tuyên truyền, phòng, chống dịch trở nên hiệu quả, các thông điệp, nội dung tuyên truyền phải đưa được tới các hội viên phụ nữ, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức và hành động. Đó là lý do thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã sáng tạo ra nhiều cách tuyên truyền khác nhau, mang nét đặc trưng rất riêng của tổ chức Hội.

Tại huyện Ba Vì, các xã, nhà dân nằm ở các địa bàn cách xa nhau, nếu chỉ áp dụng hình thức tuyên truyền dùng loa kéo tới từng ngõ, từng nhà như ở nội thành sẽ khó đạt hiệu quả cao. Vì vậy, Huyện hội đã phát huy thế mạnh của mạng xã hội để “rút ngắn khoảng cách” giữa hội viên. Đến nay, 33 cơ sở Hội của Hội LHPN huyện Ba Vì đều có nhóm/trang facebook riêng, hoặc facebook của Chủ tịch cơ sở Hội để kịp thời thông tin, tuyên truyền tới các cán bộ, hội viên. Chị Lê Thị Tuyến - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì đang là admin của 2 trang facebook tiêu biểu nhất của Hội LHPN huyện Ba Vì nên khá bận rộn. Thông thường, các thông tin về phòng, chống dịch bệnh sẽ được cơ sở gửi đến trước 13h chiều, Hội LHPN huyện sẽ duyệt tin tức và tổng hợp trước 14h để báo cáo Huyện ủy, Thành hội rồi cho đăng tải. Từ ngày tin tức được gửi tới điện thoại di động, việc cập nhật vô cùng dễ dàng, nhiều chị em là hội viên dân tộc thiểu số ở xa trung tâm cũng chăm chỉ đọc tin hơn, nhiều chị còn tham gia cung cấp thông tin, viết bài, qua đó dần dần thành thạo nhiều kỹ năng mềm khác.

Còn tại huyện Gia Lâm, chị Vũ Lan Anh – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, Hội PN đã có sáng kiến gấp các túi giấy đựng thực phẩm, bên ngoài có dán sticker tuyên truyền về thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế để phát cho hội viên sử dụng. Lý do hội chọn tuyên truyền trên túi giấy vì đây là đồ vật được chị em phụ nữ và các thành viên trong gia đình sử dụng hàng ngày. Mỗi lần dùng túi giấy đựng thực phẩm là mỗi lần chị em được nhắc nhở về thông điệp 5K. Nâng cao ý thức phòng, chống dịch đã được các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm thực hiện một cách rất nhẹ nhàng như thế.

Hội viên phụ nữ phường Liễu Giai, quận Ba Đình treo biển tuyên truyền “Ở nhà không nên ra ngoàiHội viên phụ nữ phường Liễu Giai, quận Ba Đình treo biển tuyên truyền “Ở nhà không nên ra ngoài". (Ảnh: HPN)

Chị Nghiêm Thị Thúy Trang – Chủ tịch Hội LHPN phường Liễu Giai, quận Ba Đình chia sẻ: “Muốn tuyên truyền hiệu quả thì những thông điệp phải gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ”. Vì vậy, chị em lại chọn cách sáng tạo nhiều khẩu hiệu động viên người dân yên tâm ở nhà an tâm phòng, chống dịch như “Ở nhà không lo Covid”, “Ở nhà không nên ra ngoài”, “Yên tâm ở nhà, đã có phụ nữ đi chợ”, “Những chuyến xe 0 đồng hỗ trợ người dân mua hàng mùa dịch”… Nhiều khẩu hiệu được in thành các tấm treo các ngõ, dán tại các bảng tuyên truyền ở 16 tổ dân phố trên địa bàn, hay in thành biển treo tại các nhà dân… để mọi người cùng an tâm thực hiện.

Hội LHPN huyện Đông Anh lại có sáng kiến được đánh giá cao là thiết kế chiếc quạt giấy 5K và phát tặng cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân. Gọi là quạt 5K vì một mặt chiếc quạt in thông điệp "5K" của Bộ Y tế và mô hình khoanh vùng chống dịch 3 lớp: Lớp 1 là lớp có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (cách ly tuyệt đối). Lớp 2 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (chốt kiểm soát mềm ở các ngõ phục vụ sinh hoạt, tiếp ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà, tiếp ứng cho lớp 1 và lớp 3 khi cần thiết). Lớp 3 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ (chốt kiểm soát y tế, mọi người ra vào phải đo thân nhiệt, ghi chép đầy đủ thông tin; Ai không phận sự miễn vào; Ai không thật sự cần thiết thì không nên ra ngoài, nhất định không cho người đi, đến ở vùng dịch ra vào). Mô hình chống dịch 3 lớp của huyện Đông Anh đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, tặng bằng khen... Điều đáng nói, mô hình 3 lớp này được chị em diễn giải một cách dễ hiểu bằng các hình vẽ sinh động nên người dân nào nhìn vào cũng có thể dễ dàng thực hiện theo, qua đó nâng cao hiệu quả toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19.

Có thể nói, những việc làm của phụ nữ Thủ đô trong công tác tuyên truyền đã góp phần giúp nâng cao trách nhiệm và ý thức của người dân trong việc chung tay cùng thành phố đẩy lùi đại dịch.

Kỳ 2: Chia lửa cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19

 THANH THANH – QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.