Dự án Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội:Từ quyết tâm chính trị đến quyết liệt triển khai

Kỳ 1: “Thước đo” năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô với Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, hơn bốn tháng nay, có một Hà Nội đang sục sôi, quyết liệt từ lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, đến các quận huyện, xã, phường nhằm tập trung cao độ, “thần tốc” triển khai các công việc để con đường sớm “về đích”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng, khắc phục một trong những hạn chế lớn nhất của Vùng Thủ đô nhiều năm qua là khả năng liên kết; tạo động lực mới mang tính chiến lược trong phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Kỳ 1: “Thước đo” năng lực lãnh đạo, điều hành của  cấp ủy và chính quyền - ảnh 1
Bản đồ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội

Tạo không gian phát triển mới
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với quy mô 112,8km, đi qua 3 tỉnh, thành phố (TP) là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, chia thành 7 dự án thành phần, sơ bộ tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng. Nghị quyết gồm 4 điều, nêu rõ mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô, kết nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội. Đồng thời, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quốc hội cũng cho phép dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khai thác vật liệu xây dựng…
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 18/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 106/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được Quốc hội phân cấp làm cơ quan chủ quản, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Nghị quyết cũng nhấn mạnh phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Với tinh thần, phong cách “nói là làm”, ngày 27/6/2022, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp cho ý kiến về nội dung này; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Các công việc triển khai thực hiện dự án hiện nay phải làm song hành, nói nôm na là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được”.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ: Gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ GPMB để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB.
Đoạn đường Vành đai 4 qua địa phận Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, do đó khối lượng công việc liên quan công tác GPMB, thu hồi đất phục vụ thi công dự án rất lớn. Để triển khai hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các nhóm nhiệm vụ nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, giúp hoàn thành đúng tiến độ công tác GPMB.

Thực hiện những chỉ đạo trên, UBND TP Hà Nội đã phân công nhiệm vụ, giao tiến độ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. Về tổ chức triển khai thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 14/9/2022. Kế hoạch nêu rõ, đường Vành đai 4 là tuyến đường vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô. Việc đầu tư phát triển tuyến đường đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. 

Tăng kết nối, cam kết thi đua
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH. Theo PGS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm áp lực về giao thông cho khu trung tâm mà còn kết nối các địa phương Vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cũng khẳng định về ý nghĩa quan trọng của tuyến đường, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, đường Vành đai 4 đối với huyện Mê Linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH để huyện phấn đấu đạt tiêu chí quận giai đoạn 2025-2030 và lên TP trực thuộc Thủ đô sau năm 2030. Còn theo ông Lê Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, dự án trải dài qua nhiều xã trên địa bàn huyện, không chỉ kết nối, giúp địa phương phát triển KT-XH mà còn là cầu nối để Đan Phượng khai thác tiềm năng, vị thế gắn với phát triển du lịch văn hóa.

Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã được thành lập tại Quyết định số 3617-QĐ/TU ngày 29/9/2022, do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm Trưởng ban. Ba Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên. Thành viên Ban Chỉ đạo còn có các đồng chí lãnh đạo Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các bộ, ngành.

Với tinh thần quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện dự án, ngày 30/9, Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã ký cam kết giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư dự án. 
Dự án có quy mô lớn với tổng diện tích đất cần GPMB là 1.341ha, trong đó: Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín); tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn 4 huyện, TP (Thuận Thành, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh, Gia Bình); tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). 

Tiến độ thực hiện công tác GPMB, tái định cư luôn là điểm mấu chốt, là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án. Vì vậy, 3 tỉnh, TP phải đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để khởi công và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023 để thi công xây dựng công trình. “Phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giao chỉ tiêu cho từng cá nhân, từng xã, thành nội dung cam kết thi đua đảm bảo đạt kế hoạch”- đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. 

Với quyết tâm, nỗ lực chạy đua với thời gian triển khai thực hiện dự án, cả hệ thống chính trị đang thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội rằng, thành công của dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp. Đây còn là uy tín, danh dự của thành phố và của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Còn tiếp…

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.