Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội:Từ quyết tâm chính trị đến quyết liệt triển khai
Kỳ 2: Đẩy nhanh tiến độ nhờ chủ trương đúng, thuận lòng dân
(PNTĐ) - “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” - lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã để lại bài học quý báu, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy sức dân. Thấm nhuần tinh thần ấy, các Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi có 58,2km đường dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua đã và đang tích cực triển khai các công việc, nhất là tuyên truyền đầy đủ, công khai, tạo sự đồng thuận tới nhân dân cùng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng thi công.

Đồng lòng hướng về con đường mới, vận hội lớn
Theo khảo sát của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, các địa phương có tuyến đường đi qua đều đang rốt ráo triển khai các phần việc, bước đầu ghi nhận nhiều thuận lợi, trong đó, thuận lợi lớn nhất chính là sự hưởng ứng nhiệt tình, sự đồng thuận của nhân dân bởi ý nghĩa to lớn, thiết thực đến đời sống mà đường Vành đai 4 mang lại.
Ông Đỗ Xuân Đáng, Chủ tịch UBND xã Minh Khai, huyện Hoài Đức cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã không có con đường lớn, đường quốc lộ nào chạy qua, đi từ xã tới đường cao tốc phải mất tới 7km. Vì vậy, ngay khi biết thông tin dự án đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã với 480m, 5,7ha đất của 160 hộ dân và hơn 5.000m2 đất nghĩa trang Ụ Pháo, với hơn 460 ngôi mộ nằm trong diện bị thu hồi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chung niềm vui và quyết tâm thực hiện đúng tiến độ. Con đường mới hình thành thì từ xã đến sân bay Nội Bài cũng sẽ được rút ngắn một nửa quãng đường, việc đi lại với các địa phương và các tỉnh, thành phố cũng rút ngắn thời gian hơn rất nhiều”.
Cũng là địa phương còn khó khăn về đường giao thông, ông Nguyễn Hữu Khoa, Chủ tịch UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức chia sẻ, hiện nay từ xã lên đường Vành đai 3 phải đi 15km, với hơn 40 phút chạy xe, mật độ giao thông trên các tuyến đường đều rất lớn. Vậy nên, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua địa bàn xã 800m (với hơn 6ha đất của 140 hộ dân) chính là mong mỏi của người dân từ rất lâu rồi.
Những tháng cuối năm, về các xã có làng nghề truyền thống phát triển như xã Cát Quế và xã Dương Liễu mới thấy sự nhộn nhịp của nhiều xe ô tô chở những chuyến hàng lớn. Hiện có hai trục đường chính qua địa bàn 2 xã là đê Tảy Đáy và Tỉnh lộ 422, trong khi từ đây đi đến Quốc lộ 32 cũng đến 6km. Ông Phạm Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết, dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô qua địa bàn xã 880m, với 10,5ha đất của 500 hộ dân ở 6 thôn, miền Làng, song có ý nghĩa vô cùng lớn, có tuyến đường lớn chạy qua, nhân dân di chuyển, giao thương sẽ thuận tiện hơn, đồng thời kết nối phát triển cả về văn hóa, xã hội. Mừng vui về tuyến đường, nên khi biết được thông tin, nhân dân đã thể hiện quyết tâm cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Cũng chung quyết tâm ấy, để sớm được đi trên con đường lớn, những gia đình có đất, có mộ chí vào ranh giới dự án ở xã Dương Liễu đã nhanh chóng đến kê khai, cùng cán bộ tổ công tác thực hiện công việc kiểm kê, quy chủ… Ông Nguyễn Tiến Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho hay, đường Vành đai 4 hình thành sẽ chạy qua địa bàn xã 1,7km. với diện tích thu hồi là 20,5ha của 945 hộ dân, ngoài thuận tiện cho giao thông, còn liên kết vùng với các tỉnh lân cận, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, đặc biệt là góp phần mở mang giao thương, kinh tế-xã hội sẽ phát triển hơn.
Các xã Minh Khai, La Phù, Dương Liễu, Cát Quế của huyện Hoài Đức có điểm chung là con đường mới đi qua chủ yếu là đất nông nghiệp, và khó khăn nhất vẫn là việc di dời, quy tập các mộ chí. Công việc này liên quan đến tâm linh, phong tục tập quán ở các địa phương thường thực hiện cải táng vào dịp cuối năm, đúng thời điểm hiện nay. Để thể hiện sự đồng thuận cao, không ít gia đình đã thực hiện việc di chuyển mộ ngay dù chưa nhận tiền đền bù hỗ trợ, như ở xã Minh Khai đã có 6 mộ được gia đình di chuyển, xã đã lập biên bản ghi nhận. Điều đó cho thấy một khi có sự đồng lòng của nhân dân, cùng rốt ráo triển khai thì dự án chắc chắn sẽ kịp tiến độ về đích.
Quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ
Có được sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện dự án là khởi đầu thuận lợi, báo hiệu sự thành công của dự án. Để dự án sớm thi công và hoàn thành, mang lại cơ hội lớn cho các địa phương và người dân được hưởng thụ, thì tiến độ “thần tốc” chính là thách thức lớn nhất hiện nay. Để khởi công dự án kịp trong tháng 6/2023 bàn giao xong mặt bằng, sớm tạo ra trục giao thông huyết mạch dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, TP Hà Nội đã đề ra các hạng mục quan trọng với các mốc tiến độ chi tiết. Các quận, huyện cũng ra chỉ thị, nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, ban hành kế hoạch, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Huyện Hoài Đức là địa phương có tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô chạy qua có chiều dài lớn nhất tại Hà Nội với 17,1km, đi qua 13 xã, diện tích đất thu hồi cũng lớn nhất với 243,88ha, có 9.800 hộ bị thu hồi đất, trong đó 300 hộ dân được đền bù tái định cư và 7.800 phần mộ cần di chuyển. Ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức khẳng định: “Trước khối lượng công việc lớn, Đảng bộ. chính quyền và nhân dân huyện đều đồng tình, nhất trí, quyết tâm cao nỗ lực hoàn thành đúng và sớm hơn hạn định thành phố giao”.
Là quận duy nhất trong 7 quận, huyện có dự án chạy qua, quận Hà Đông sẽ thực hiện thu hồi 75ha, liên quan đến 1.660 hộ, trong đó có hơn 200 hộ phải bố trí tái định cư và hơn 2.000 ngôi mộ phải di dời. Dự án chạy qua địa bàn quận Hà Đông là 5,4km trên địa bàn 4 phường là: Yên Nghĩa, Phú Lương, Phú Lãm và Đồng Mai. Với khối lượng công việc liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công lớn như vậy, quận Hà Đông cam kết bàn giao 70% mặt bằng trước tháng 6/2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12/2023.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông cho biết: “Khi tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, nhân dân rất phấn khởi, dự án được hoàn thành là một trong các động lực giúp cho 4 địa phương có dự án đi qua, cũng như giúp quận Hà Đông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn quận”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đường Vành đai 4 đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, nơi có dự án đi qua cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, từng địa phương phải có giải pháp tăng cường vận động, thuyết phục người dân đồng thuận, ủng hộ và chấp hành các cơ chế, chính sách theo quy định của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng trước thời gian yêu cầu của Chính phủ và của Thành phố. Trong đó cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, đưa phong trào thi đua đến với từng người dân, từng hộ dân, từng thôn, xóm.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3956/QĐ-UBND về việc ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu, trong quá trình thực hiện, UBND các quận, huyện kịp thời tổng hợp vướng mắc phát sinh ngoài cơ chế, chính sách, đề xuất UBND Thành phố xem xét, đảm bảo yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
(Còn nữa)