Kỳ 2: Những "điểm sáng" tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Chia sẻ

Thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 1 (2018-2022), Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các cấp quận, huyện và cơ sở xây dựng, duy trì đa dạng các mô hình hoạt động gắn với nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.

Nam giới tham gia phòng, chống bạo lực gia đình

Là một trong những mô hình thu hút đông đảo nam giới tham gia vào “cuộc chiến” chống bạo lực gia đình, CLB “Nam giới tham gia phòng chống bạo lực gia đình” xã Yên Viên, huyện Gia Lâm hội tụ các ông chồng “nói không với bạo lực”. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Viên mỉm cười: “Sau hơn 1 năm thành lập, CLB đã có 25 thành viên với nhiều lứa tuổi, ngành nghề…, tham gia sinh hoạt định kỳ theo quý. Nhiều nam giới trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ”. Tham gia sinh hoạt CLB, nhiều ông chồng đã thay đổi hành vi với vợ, cùng vợ làm việc nhà, chăm sóc con cái, xoá bỏ định kiến phải cố sinh được con trai…

Mô hình CLB “Gia đình nói không với bạo lực” được thành lập tại 22 xã trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương. Bà Ngô Thị Hồng Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đặng Xá cho biết, từ tháng 5/2019, Hội đã thành lập 2 CLB “Gia đình nói không với bạo lực” ở thôn An Đà và Cự Đà.

Ban đầu, mỗi CLB chỉ có 25 thành viên, chủ yếu là gia đình các hội viên phụ nữ nòng cốt và một số hộ gia đình hạnh phúc. Trong quá trình hoạt động, CLB vận động thêm nhiều gia đình khác tham gia. Có gia đình, bố mẹ vận động cả nhà hai con trai tham gia, có gia đình sau khi mâu thuẫn được hòa giải cũng đăng ký tham gia CLB…

Các gia đình tham gia CLB đoàn kết hơn, phụ nữ học hỏi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nam giới hiểu về hành vi bạo lực… Nhờ vậy, hơn 1 năm qua, xã Đặng Xá không có vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng. Một vài vụ cãi nhau ngay lập tức đã được báo cáo lên CLB và được hòa giải ngay tại địa phương. “Nhiều gia đình trẻ lúc đầu từ chối vì không có thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi đã đổi mới phương thức sinh hoạt qua zalo, phát tài liệu, liên hoan… kết hợp trò chuyện của báo cáo viên.

Nhiều nam giới sau khi tham gia CLB còn nói, không ngờ việc nặng lời với vợ hay quản chặt kinh tế lại là hình thức bạo lực mà không biết” - bà Huệ nói. Từ mô hình điểm ở xã Đặng Xá, đến nay, toàn huyện Gia Lâm đã nhân rộng mỗi xã có 1-2 mô hình CLB “Gia đình nói không với bạo lực”.

Xuất phát từ nhu cầu về nhà ở an toàn của nữ lao động nhập cư trên địa bàn huyện, Hội LHPN huyện Đông Anh đã huy động nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mô hình “Nhà trọ an toàn”. Huyện Hội thành lập một mạng lưới tình nguyện viên là những lao động nhập cư gồm cả nam và nữ có nhiệm vụ hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin về địa chỉ nhà trọ cho những chị em có nhu cầu, đồng thời lập địa chỉ tư vấn, giới thiệu nhà trọ an toàn đặt tại các khu công nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có 200 “Nhà trọ an toàn”.

Bên cạnh đó, Huyện Hội thí điểm thành lập CLB Nữ công nhân nhập cư xã Kim Chung gồm 30 chị em nòng cốt sinh hoạt 2 kỳ/tháng, nhằm trang bị cho chị em kiến thức về sức khoẻ, bình đẳng giới, lập kế hoạch chi tiêu, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử...; Thành lập 12 điểm cung cấp thông tin về “Nhà trọ an toàn”, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động tại 3 xã Kim Chung, Kim Nỗ, Hải Bối; Trang bị 12 tủ sách pháp luật đặt tại các điểm cung cấp thông tin; Tổ chức truyền thông trực tuyến hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Bà Ngô Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết, Hội Phụ nữ các cơ sở đã chủ động kết nối, hỗ trợ chị em nhập cư tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như mua thẻ BHYT, xin học cho con, cấp giấy chứng nhận tạm trú, hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt tại các khu nhà trọ... Nhiều ý kiến của các chị em được chính quyền địa phương tiếp thu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu, không có sự phân biệt giữa người dân địa phương và người lao động nhập cư.

Học sinh trường THCS Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) nghe chuyên gia tư vấn trao đổi về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ emHọc sinh trường THCS Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) nghe chuyên gia tư vấn trao đổi về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Đa dạng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em

Năm 2018, Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em ra đời - tiền thân là Hội đồng tư vấn Hôn nhân và gia đình - nhằm hỗ trợ, tư vấn cho Hội kịp thời lên tiếng và tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, đặc biệt là các vụ việc đơn thư phức tạp, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Hội đồng gồm 2 nhóm chuyên gia (nhóm chuyên gia tư vấn giải quyết vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em và nhóm chuyên gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố) và 13 thành viên là đại diện các sở, ngành, cơ quan chuyên môn. Từ năm 2018 đến nay, Hội đồng tư vấn đã nhận và tham mưu cho Thành Hội giải quyết 113 đơn, trong đó có 34 đơn về dân sự, 28 đơn về hôn nhân và gia đình, 5 đơn về bạo lực gia đình, 1 đơn về xâm hại trẻ em, 11 đơn về đất đai, 23 đơn phản ánh, kiến nghị, 3 đơn tố cáo và 8 đơn khác. Hội đồng cũng đã hướng dẫn cho Hội Phụ nữ các quận, huyện, cơ sở xác minh, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết, hỗ trợ 100 trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình do Ngôi nhà Bình yên chuyể̉n đến, tham gia giải quyết, lên tiếng 72 vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em gái.

Tại các cơ sở, Hội Phụ nữ các cơ sở đã thành lập Tổ tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng. Bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, đến nay, toàn Thành phố đã thành lập và nhân rộng được 53 tổ tư vấn. Các tổ đã tư vấn, giúp đỡ được 12 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng, hỗ trợ thành lập 110 “Nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật” tại các thôn, xã trên địa bàn thành phố. Thành viên “Nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật” lúc mới thành lập có từ 10-15 người là cán bộ, hội viên, phụ nữ có trách nhiệm, tâm huyết, uy tín và năng lực để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động phụ nữ và nhân dân trên địa bàn chấp hành pháp luật.

“Các nhóm nòng cốt chủ động xây dựng chương trình, sinh hoạ̣t định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm của từng khu dân cư thường xuyên cập nhật thông tin văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành, chủ động phối hợp với tổ hòa giả̉i tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tham gia củng cố tủ sách pháp luật, hướng dẫn phụ nữ và nhân dân tra cứu các văn bản pháp luật và các tài liệu tại nhà văn hóa khu dân cư...” - bà Lý Anh cho biết.

Chia sẻ về những hoạt động mà “Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật xã Phú Đông (huyện Ba Vì) đã làm được, bà Phùng Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đông cho biết: Các chị em trong “Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật” đã tạo thành các “chân rết” để đến từng ngõ, gõ từng nhà, vận động chị em tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền pháp luật, đồng thời, bám sát đời sống của các chị em, kịp thời phát hiện các vụ việc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, từ đó lên tiếng bảo vệ. Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, phụ nữ trong xã được nâng lên, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Thành Hội cũng phối hợp với tổ chức Plan International xây dựng mô hình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 6 quận, huyện (Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Ứng Hòa) đã hỗ trợ trao tặng 38 tủ sách pháp luật cho các khu dân cư, xây dựng 38 sân chơi an toàn, thân thiện với trẻ em tại các khu dân cư, hỗ trợ tuyên truyền, trang bị dụng cụ phòng chống dịch Covid-19 cho 3.500 hộ có hoàn cảnh khó khăn... “Ngoài những mô hình do Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo thành lập, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã tích cực tư duy, sáng tạo, thành lập nhiều mô hình mới, cách làm hay, trở thành nơi thu hút, tập hợp cán bộ, hội viên tích cực, chủ động tham gia công tác giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em” - bà Dương Thị Lý Anh cho biết.

(Còn nữa)

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.