15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Vì một Hà Nội hiện đại, giàu bản sắc

Kỳ 4: Gỡ những dự án “treo” - Đâu là lời giải cho bài toán khó?

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cùng với những thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô (2008-2023), vẫn còn những vấn đề khá nhức nhối. Các huyện ngoại thành còn tồn tại nhiều dự án “treo” trong nhiều năm, những vị trí đất “vàng” nội đô lãng phí; mật độ dân số nội đô thay vì giãn, giảm thì lại tăng mạnh gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, nhà ở…

Kỳ 4: Gỡ những dự án “treo” - Đâu là lời giải cho bài toán khó? - ảnh 1
Những cánh đồng ở xã Tiến Xuân vào quy hoạch dự án nên hệ thống đường nội đồng vẫn chỉ là đường đất.

Còn đó những dự án bỏ hoang, công trình dở dang
Nhìn cánh đồng bát ngát, những người nông dân không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến công việc cấy cày một thời của gia đình họ đã “về tay người khác” vì vào các dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT), các công trình sản xuất kinh doanh… Để rồi 15 năm qua, những cánh đồng này vẫn trơ trơ cỏ mọc hoang.

14 quận, huyện của Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh và 4 xã thuộc Hòa Bình (cũ) gồm xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất) là những nơi có nhiều dự án chậm triển khai, nhiều dự án “ôm” đất để nằm im. 

Huyện Mê Linh - địa phương đang đứng đầu về số dự án bỏ hoang, trong đó có những dự án nửa vời, chỗ đã thu hồi, chỗ chưa; còn nông dân cũng đành bỏ ruộng. Gia đình ông Nguyễn Văn Chí ở tổ dân phố số 5, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh có 2 sào ruộng do nằm trong dự án KĐT Chi Đông. Nhìn ruộng màu mỡ, người nông dân này không khỏi xót xa, nhưng bao lâu nay, hệ thống tưới tiêu nước không còn như trước, có cấy trồng cũng không được nên hơn 100 hộ ở tổ dân phố số 3, thị trấn Chi Đông đều bỏ hoang.

Trên cánh đồng xóm Trại Mới, thuộc thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, bà Nguyễn Thị Kim cho hay, gia đình có 1 mẫu ruộng, chỉ vì nằm trong quy hoạch 15 năm nay chưa làm gì cả. Ruộng vẫn “trong tay” người nông dân nhưng các thửa nằm rải rác, không thực hiện dồn điền được, lối vào ruộng cấy cũng vẫn là đường đất, làm không hiệu quả. 

Ngày 16/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với nhiều nội dung, với các mục tiêu: Thủ đô là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tình cảnh tương tự, ông Quách Đình Phi ở thôn 6, xã Tiến Xuân cũng có 7 sào ruộng ở 5 thửa khác nhau đều “dính” quy hoạch KĐT. “Chúng tôi làm nông nghiệp mà không được đầu tư cơ giới hóa hay dồn các mảnh manh mún về một thửa để đầu tư cấy trồng tăng năng suất. Đất ở nhà tôi có 2.000m2, tôi có 3 con trai muốn chia tách cho các con cũng không được; muốn thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư làm ăn, xây sửa nhà cửa cũng không xong. Chỉ vì dự án “treo”, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ - ông Phi giãi bày.

Ngay cả đối với quy hoạch 5 khu đô thị vệ tinh của Hà Nội gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn được kỳ vọng là giải pháp giãn dân, giảm áp lực cho nội đô. Hơn một thập kỷ nay, chùm đô thị vệ tinh này vẫn cơ bản “im lìm” trong tình trạng chỉ là quy hoạch. Hiện mới có 2 khu hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (Xuân Mai và Phú Xuyên).

Không chỉ các huyện mà ngay ở những quận trung tâm, hàng loạt dự án nằm ở vị trí đất “vàng”, cũng đang để hoang, như: Tại quận Hà Đông, dự án Tòa nhà Tokyo Tower tại số 48 Vạn Phúc diện tích đất gần 4.600m2, (tên gọi khác là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower) hiện vẫn đang sừng sững khối nhà dở dang. Tương tự, dự án chung cư cao cấp Golden Millenium Tower, tọa lạc trên đường Trần Phú, tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009 đến nay chưa được hoàn thiện. Tại quận Hoàng Mai, dự án Sky Garden Towers, ở ngõ 115 Định Công, tổng diện tích 7.000m2 đã khởi công từ năm 2012, đến nay vẫn lơ lửng chưa xong… 

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng dự án chậm triển khai, không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt còn là mầm mống phát sinh của hàng loạt những vấn đề bất cập khác.

Chia sẻ về tình trạng dự án chậm triển khai, “treo”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, có những tác động xã hội khá mạnh khác, đó chính là niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Người dân đang sử dụng đất tạo ra sinh kế, giờ họ bị thu hồi và chủ đầu tư để cho cỏ mọc, những tác động trực diện như thế nên bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa. Vì vậy, cần phải quản lý chặt chẽ và xử lý kịp thời nếu có sai phạm xảy ra. 

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, ở đô thị đất chật người đông như Hà Nội, nguồn lực đất đai phải được sử dụng vào việc xây dựng nhà ở, trường học, dịch vụ xã hội... để mang lại lợi ích cho người dân, cho Nhà nước. Việc những dự án “đắp chiếu”, hiệu suất sử dụng đất bằng “0”, đất đai không được sử dụng để mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải siết chặt hơn nữa việc thực thi quy định pháp luật về quản lý đất đai.

Quyết liệt gỡ dự án treo: Còn nhiều thách thức 
Câu chuyện về những dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội 15 năm qua đã được các chuyên gia, nhà quản lý và dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đất đai là tài nguyên quý và là nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Kỳ 4: Gỡ những dự án “treo” - Đâu là lời giải cho bài toán khó? - ảnh 2
Dự án KĐT Chi Đông dở dang, nhiều diện tích ruộng bỏ hoang. Ảnh: P.V

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, UBND Thành phố đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Theo đó, 712 dự án sử dụng đất chậm triển khai, tổng diện tích đất đã được cấp hơn 5.000ha, trong suốt hàng chục năm qua không thu được tiền thuế vào ngân sách Nhà nước để tái thiết, đầu tư mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để giải quyết những vấn đề trên, thời gian qua TP Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt, giải quyết được số lượng lớn giảm được 419 dự án chậm triển khai (tương đương 58,5%); đến nay, chỉ còn 293 dự án cần xử lý.

Cụ thể, tính ngày 27/6/2023 đã đưa 74/135 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất ra khỏi danh sách chậm triển khai; 11/135 dự án đang triển khai theo tiến độ được phê duyệt điều chỉnh; còn 50 dự án phải xử lý. Trong số 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 169 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 85 dự án chậm đưa đất vào sử dụng (trong đó UBND Thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng); còn phải xử lý là 150 dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý cụ thể theo quy định đối với từng dự án. Đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, trong đó 32 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 48 dự án đã xử lý theo quy định; còn phải xử lý 93 dự án.

Để giải quyết 293 dự án còn lại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phải quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xử lý xong vấn đề này trong năm 2023.

Bên cạnh vấn đề dự án chậm triển khai, tiến độ các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sau 15 năm Hà Nội mở rộng, mật độ dân số nội đô thay vì được giảm xuống thì tăng gấp đôi (hiện là 22.000 người/km2). Riêng quận Hai Bà Trưng là 29.000 người/km2, Đống Đa 37.800 người/km2, thuộc loại cao nhất thế giới. 

Áp lực dân số đông đã tác động trực tiếp lên các vấn đề về kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở y tế, trường lớp học, ô nhiễm môi trường, nhà ở… cũng đang là những bài toán khó mà Thành phố cần giải quyết trong thời gian tới.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

(PNTĐ) - Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tại đây, lần đầu tiên hơn 180 di tích di sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam được đưa vào thế giới số, mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch giữa thực và số. Và đó cũng là cách thức rất hiệu quả để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối.
Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

(PNTĐ) - Học Viện Phong Thái Á Đông được thành lập năm 2019 dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Quỳnh Trang, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Phong thái và Khí chất dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đào tạo cho hơn 10.000 học viên và hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp trên cả nước…
Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

(PNTĐ) - Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức đoàn kiều bào về nước tham dự Lễ Giỗ Tổ; đồng thời bà con kiều bào trên toàn thế giới sẽ tổ chức ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu với chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.