Mua bán người: Tội ác cần nghiêm trị

Kỳ cuối: Chốn về bình yên cho các nạn nhân

Bài và ảnh: Hoàng Lan - Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, với sự trợ giúp tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có các cấp Hội LHPN Hà Nội, nhiều nạn nhân bị mua bán người trở về quê hương đã tìm lại được cuộc sống bình yên. Những thương tích do tội phạm mua bán người gây ra trên thể xác, tinh thần vẫn còn đó, nhưng giờ đây, họ đã có thể tự tin gác lại quá khứ, tái hòa nhập cộng đồng và hướng về một tương lai tốt đẹp phía trước.

Kỳ cuối: Chốn về bình yên cho các nạn nhân - ảnh 1
Hai nạn nhân bị mua bán người Mỷ và Thụy Anh đã tìm được cuộc sống bình yên nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN, các tổ chức quốc tế và cộng đồng.

Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán 
Vì tin lời dụ dỗ của người quen, hứa hẹn một công việc kiếm tiền nhanh chóng trong một thời gian ngắn để giúp đỡ cha mẹ đã lớn tuổi cùng người em trai tật nguyền, chị Thụy Anh, Hà Nội đã theo những kẻ buôn người núp dưới danh “người quen của bố” qua biên giới và đã phải trải qua ác mộng lớn nhất đời mình. 

Đến nay, sau khi được giải cứu nhờ những hỗ trợ của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Chính phủ Anh và tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, Thụy Anh đã có sự thay đổi rõ rệt về tâm lý, được điều trị ổn định về sức khoẻ, vui vẻ và thân thiện hơn. Lúc nông nhàn, Thụy Anh nhận việc làm thêm ở địa phương. “Trước đây không biết nên bị lừa, giờ có kiến thức pháp luật rồi, biết thủ đoạn của bọn buôn người rồi, tôi không để người ta lừa lần 2 nữa” - chị Thụy Anh nói. 

Chị Mỉ, quê ở Yên Bái cũng là nạn nhân của mua bán người trở về, đã được “hồi sinh” một lần nữa nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức liên quan. Chị Nguyễn Thị Yến, cán bộ dự án của Hagar quốc tế tại Việt Nam - đối tác của tổ chức di cư quốc tế IOM cho biết, chị Mỉ chỉ nói được tiếng dân tộc thiểu số, không biết tiếng Kinh, không biết chữ. Do ảnh hưởng của việc di cư sang Trung Quốc thời gian dài, nên chị có những trở ngại nhất định trong giao tiếp. Các hoạt động hỗ trợ tâm lý xã hội đã được thực hiện giúp chị vượt qua định kiến ở cộng đồng, tự tin hơn, làm chủ cuộc sống cá nhân. Chị được hỗ trợ sinh kế, tặng dê giống, cung cấp kiến thức pháp luật và kiến thức chăn nuôi. Số tiền bán được từ dê, chị trang trải phần nào sinh hoạt phí, đầu tư cho con ăn học. 

Thụy Anh và Mỉ là hai trong số 505 nạn nhân bị mua bán và người di cư trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương được nhận hỗ trợ từ IOM và của dự án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người” với tài trợ kinh phí từ Chính phủ Vương quốc Anh từ 2018 - 2022. Dự án nhằm ủng hộ lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một hệ thống hoàn thiện và hiệu quả hơn trên toàn quốc trong công tác phòng, chống mua bán người, với mục tiêu xóa bỏ mua bán người trong tương lai trong bối cảnh di cư đang ngày một phát triển hiện nay. 
Đối với Nguyễn Trần Vân Thủy, bắt đầu từ việc tận mắt chứng kiến người Việt chật vật lao động chui ở nước ngoài và được truyền cảm hứng từ những món đồ chơi trẻ em móc len thủ công, năm 2015, cô đã sáng lập BobiCraft, một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phân phối đồ chơi trẻ em móc len và sản phẩm sử dụng vật liệu len và vật liệu tái chế tại Việt Nam. 

Thủy cho biết, phần lớn phụ nữ là nạn nhân của mua bán người vì họ phải kiếm sống và hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, Thủy tin rằng, nếu phụ nữ có nền tảng giáo dục tốt, được tạo dựng công ăn việc làm ổn định thì sẽ hạn chế nguy cơ họ rơi vào tay bọn mua bán người.

 “Tôi được trao cơ hội để có được nền giáo dục tốt và công việc tốt, tôi muốn giúp tất cả phụ nữ có thể đạt được điều tương tự, sống hết mình và có thể làm những điều họ muốn”- Thủy nói.

 Hiện tại đang làm việc với hơn 700 phụ nữ từ Bắc vào Nam gồm nhiều hoàn cảnh, BobiCraft hy vọng không chỉ giúp phụ nữ kiếm được thêm thu nhập mà còn tạo được một cộng đồng để phụ nữ có thể lắng nghe và chia sẻ về kinh nghiệm sống. Đây là điểm tựa cả về vật chất và tinh thần để chị em an tâm lạc nghiệp ngay trên quê hương.

Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong phòng, chống mua bán người
Từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 8.112 nạn nhân thông qua các phương thức như: Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tại trung tâm, nhà tạm lánh cho nạn nhân; hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa, tái hòa nhập cộng đồng xã, phường, thị trấn; hỗ trợ thông qua các mô hình do các dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật…

Tại các địa phương, 100% các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được hỗ trợ phù hợp. Các nội dung hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về nơi cư trú. Bên cạnh đó, các nạn nhân được hỗ trợ về pháp lý như làm các thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, tư vấn, tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, các nạn nhân còn được hỗ trợ thông qua các hình thức như hỗ trợ tại trung tâm, nhà tạm lánh cho nạn nhân; hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa, tái hòa nhập cộng đồng xã, phường, thị trấn như tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm để có mức thu nhập ổn định; hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người. 

Hỗ trợ thông qua các mô hình do các dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật như: Mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV” tại Hải Phòng và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng. Các mô hình này được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững.

Với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, cũng như thực hiện các trách nhiệm được Quốc hội giao trong các Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Phòng, chống MBN, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội trong cả nước triển khai các chương trình, phong trào nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ, hỗ trợ và bảo vệ quyền cho phụ nữ, trẻ em.

Hội LHPN xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên hiện có 1.136 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 3 chi hội. Theo chị Trương Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN xã thời gian qua Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người và triển khai mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với đa dạng các giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã có 1 trường hợp là chị T.T.K, sinh năm 1981 bị lừa bán sang Trung Quốc năm 1996. Năm 2010, chị trốn được về Việt Nam mang theo người con trai thứ hai khi cháu tròn 4 tuổi. Thời gian đầu trở về Việt Nam, chị bị khủng hoảng tâm lý, rất ngại gặp gỡ và tiếp xúc với mọi người. Hội LHPN xã đã thường xuyên đến gia đình thăm hỏi, động viên, giúp đỡ chị hòa nhập cuộc sống; giúp đỡ chị các thủ tục nhập khẩu, đăng ký khai sinh cho con trai để cháu được đi học. 

Hội còn tín chấp cho chị vay nguồn vốn 50 triệu đồng để làm nghề may và mở quán nước giúp 2 mẹ con kiếm thêm thu nhập. Hàng năm, Chi hội, Hội LHPN xã, huyện đều quan tâm tặng quà Tết cho gia đình, tặng sách vở đồ dùng học tập cho con trai của chị. Đến nay, cuộc sống của mẹ con chị K đều ổn định.

Trên địa bàn Thành phố, thực hiện trách nhiệm của tổ chức Hội, thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người, Hội LHPN Hà Nội hàng năm đều chỉ đạo các cấp Hội tổ chức hoạt động tuyên truyền, truyền thông phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người, thông tin về tình hình tội phạm và thủ đoạn của tội phạm mua bán người, kỹ năng phòng tránh, chú trọng tại các địa bàn trọng điểm, các đợt cao điểm; tổ chức truyền thông ngoài trời hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”; tổ chức các cuộc tuyên truyền phòng chống mua bán người, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; tham gia các Hội thảo về vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán; cung cấp tài liệu liên quan về phòng, chống mua bán người, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… tới các đơn vị quận, huyện, thị xã.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.