Kỳ cuối: Lấp "lỗ hổng" ma túy học đường, quản lý người nghiện vị thành niên

Chia sẻ

Luật Phòng, chống ma tuý sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định đưa người nghiện ma tuý từ 12 đến dưới 18 tuổi được đi cai nghiện bắt buộc. Quy định này đã mở ra hy vọng mới trong việc ngăn ngừa và theo dõi, quản lý chặt đối với trẻ vị thành niên nghiện ma tuý, đảm bảo quyền trẻ em.

Người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi được đi cai nghiện bắt buộc

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội (C04, Bộ Công an) cho biết, Luật Phòng, chống ma tuý sửa đổi năm 2021 đã “lấp” các khoảng trống về vấn đề cai nghiện hiện nay, giúp cho nỗ lực phòng, chống ma tuý tại cộng đồng hiệu quả hơn, đặc biệt là trong vấn đề quản lý người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi.

“Khi đưa quy định người nghiện ở độ tuổi này vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, những người làm luật đã cân nhắc, tính toán rất kỹ nhằm đảm bảo quyền trẻ em, đồng thời giúp ích cho việc giám sát, quản lý người nghiện sau cai” – Trung tá Hiều nói.

Theo đó, người nghiện ma tuý từ 12 đến dưới 18 tuổi được khuyến khích đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện. Trong trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tại hội nghị cung cấp thông tin về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục C04 cho biết, do Luật cũ không quy định nên hiện nay, nhóm người nghiện từ độ tuổi 12 đến dưới 18 tuổi không được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi đó, độ tuổi nghiện ma tuý ngày càng trẻ hoá. Nhiều vụ việc, thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp, bị “ngáo đá”, gây ra thảm án đặc biệt nghiêm trọng.

“Do đây không phải là biện pháp xử phạt hành chính nên các em đi cai nghiện bắt buộc sẽ được đảm bảo lý lịch sạch sẽ. Quy định của Luật rất nhân văn, các em chỉ bị coi là đi chữa bệnh, không để lại thông tin trong lý lịch và không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu sau này. Hơn nữa, về nguyên tắc, phải tách biệt người nghiện trong độ tuổi trên với người nghiện trên 18 tuổi trong quá trình cai nghiện để đảm bảo cho các em không bị tác động, đảm bảo việc cai nghiện có hiệu quả. Các em cũng được đảm bảo các quyền lợi khác như được vui chơi, học hành...” - Thiếu tướng Viện thông tin.

Điều 33 Luật Phòng, Chống ma tuý sửa đổi quy định, người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; người nghiện vẫn sử dụng trái phép chất ma tuý trong thời gian cai nghiện tự nguyện; người nghiện ma tuý không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Luật cũng quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma tuý từ 12 đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thời gian cai nghiện là từ 6-12 tháng. Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân cấp huyện…

Giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết các dạng ma tuý và phòng tránh là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn ma tuý học đường 	Ảnh: MSDGiáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết các dạng ma tuý và phòng tránh là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn ma tuý học đường  Ảnh: MSD

Tạo “lá chắn” an toàn cho học sinh trước sự cám dỗ của ma tuý

Bên cạnh tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát người nghiện là học sinh, sinh viên, việc phòng ngừa tệ nạn ma tuý tấn công vào lứa tuổi học đường cũng cần được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Theo đó, “hàng rào” kiên cố, vững chắc để ngăn chặn ma tuý là từ gia đình, nhà trường và chính các em học sinh.

Thiếu tá Trần Thị Thu Hà, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Để ngăn chặn ma tuý tấn công học đường, các cấp ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tập trung vào nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và những người trong độ tuổi vị thành niên.

Lực lượng công an tổ chức đấu tranh với tội phạm về ma túy: Triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy nhằm làm giảm nguồn cung; triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý việc tổ chức chứa chấp, sử dụng ma túy trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm…

Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma tuý (PSD) cũng đề nghị, gia đình và nhà trường được xem là “lá chắn” bảo vệ và giúp các em học sinh, sinh viên tránh được các nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào việc sử dụng, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại chưa nắm được kiến thức và kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi con em nghiện ma tuý.

Một kết quả nghiên cứu của Viện PSD cho thấy, có tới 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát biết một chút kiến thức về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy.

“Phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Còn việc nhận diện đó là loại ma túy nào, tác động ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như các bậc phụ huynh và giáo viên đều không nắm được”.

Theo ông Ninh, các trường học cần phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với học sinh nhằm rà soát, phát hiện học sinh sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an tiến hành rà soát, phát hiện kịp thời các hành vi liên quan đến ma tuý; khuyến khích học sinh phát hiện, tố giác các đối tượng mắc nghiện, tàng trữ các chất ma túy tại nhà trường; đề cao công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh và giáo viên trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Phòng chống ma tuý không chỉ là trách nhiệm của Công an mà còn là của Hội Phụ nữ và các cấp ngành. Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi) quy định, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể về việc có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy trong nhân dân; vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy và thực hiện các phong trào phòng, chống ma túy.

Ngoài ra, mỗi bậc phụ huynh cần dành thời gian nhắc nhở, quản lý con bằng nhiều hình thức, như không nên cho con quá nhiều tiền tiêu vặt; chú ý chặt chẽ các mối quan hệ của con ngoài đời cũng như trên mạng xã hội.

Một buổi tuyên truyền phòng chống ma tuý cho học sinh của Viện MSD	Ảnh: MSDMột buổi tuyên truyền phòng chống ma tuý cho học sinh của Viện MSD. Ảnh: MSD

Thực tế, trong thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội và các cấp Hội cơ sở cũng đã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền vận động người nghiện ma tuý thực hiện các biện pháp cai nghiện ma tuý, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; tham gia cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy…

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology) cho rằng, cha mẹ cần xác định rõ vai trò, vị thế của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con em. “Muốn con em mình không sa vào ma tuý, trước tiên, cha mẹ hãy làm gương tốt cho con trong lối sống, cách ứng xử. Một gia đình hoà thuận sẽ tạo cho các con ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt.

Cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời tư của con em mình, hiểu thế giới nội tâm vô cùng phong phú, đa dạng, nhạy cảm, hiếu động, thích tìm tòi, ưa cái mới… của các con ở tuổi vị thành niên, từ đó, có cách giáo dục hợp lý, định hướng cho các em các mối quan hệ để các em có thể lường trước được mọi vấn đề.

Trường hợp trẻ vị thành niên nghiện ma tuý, gia đình hãy động viên, an ủi, tạo điều kiện để giúp các em cai nghiện thành công. Sau khi cai nghiện trở về, các em vẫn có thể tái nghiện do bản thân chưa đủ quyết tâm, bị bạn xấu lôi kéo. Do đó, cha mẹ hãy bên cạnh, làm chỗ dựa cho con vượt qua cám dỗ của ma tuý” - Chuyên gia tâm lý Mạnh Linh khuyên.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tính đến tháng 11/2021, cả nước có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến 30 tuổi chiếm 48%. Trong số người sử dụng trái phép chất ma tuý, có khoảng 60% người sử dụng ma tuý lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi. Tỷ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm.

 QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.