Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Từ quyết tâm chính trị đến quyết liệt triển khai

Kỳ cuối: Toàn tâm, toàn lực, chủ động bứt phá

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên là 3 địa phương có dự án đường Vành đai 4 đi qua đang quyết tâm, hợp tác và cam kết thực hiện đúng tiến độ đề ra để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và cả nước.

Kỳ cuối: Toàn tâm, toàn lực, chủ động bứt phá - ảnh 1
Thiết kế phối cảnh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2027 Ảnh: Int

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn”; “Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với Vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội”; “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông”.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng khẳng định quan điểm “xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: Việc xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh Hà Nội mở rộng, đặc biệt là Hà Nội nằm trong vùng Thủ đô. Đường Vành đai 4 này tăng kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô, cũng như với cả nước. Hơn nữa, nếu như trong quá trình triển khai có thêm việc mở rộng một số chính sách đặc thù cho Thủ đô để xây dựng đường Vành đai 4 trong quá trình xây dựng như: Tập trung ngân sách Nhà nước, lập ban hỗn hợp liên ngành và liên tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thì chắc chắn là thêm hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước đối với vùng, cũng như là ảnh hưởng của vị thế Hà Nội trong vùng. Đồng thời, củng cố tính toàn diện, tính vững chắc, tăng động lực bên trong vùng Thủ đô và luật của vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, địa phương cùng các sở, ngành liên quan phải ưu tiên toàn tâm, toàn lực cho công tác hoàn thành các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần.

 “Nên nghiên cứu bổ sung nội dung quy định mới cho phép một số cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô được áp dụng chung cho vùng Thủ đô để tạo kết nối hướng tâm và đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật của vùng Thủ đô” - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. 

Nhận định rằng, việc đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và tác động toàn diện các mặt KT-XH Vùng Thủ đô Hà Nội, làm giảm chi phí vận chuyển, logistics; nâng cao giá trị các hành lang ven đường; tạo tiền đề cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... 

Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh hưởng lợi từ tuyến đường sau khi hình thành có thể tăng thêm từ 0,3 - 0,7%/năm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết: “Việc thực hiện đúng các quy định pháp luật, các chính sách liên quan, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó bảo đảm vận dụng tối đa các chính sách để người dân được hưởng lợi ở mức cao nhất đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại và tiến độ của khâu giải phóng mặt bằng”.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội rất quan trọng, gần như là một lối thoát có tính chất quyết định để giải quyết ùn tắc giao thông của nội đô; giúp Hà Nội tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị, trở thành đô thị hiện đại, có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước. Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng, cần phải coi đường Vành đai 4 là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia, phải làm cho thật tốt, thật chất lượng, phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thật tốt, cao cấp nhất để có thể bảo đảm con đường sử dụng được khoảng 100 năm.

Mạnh dạn bứt phá, chủ động xử lý vướng mắc
Nhìn vào những giá trị mà tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội mang lại, thấy rõ lợi ích mà người dân của những địa bàn nơi tuyến đường đi qua được thụ hưởng trước tiên. 

Với quy mô và tầm quan trọng của dự án, ngay khi nhận nhiệm vụ, thành phố Hà Nội đã tập trung toàn lực phục vụ dự án. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định: “Chưa có dự án nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành riêng một chỉ thị, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô”. 

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 7 quyết định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín. Trong đó, đã cập nhật đầy đủ các dự án tái định cư, di chuyển mộ chí phục vụ giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với tư vấn và các địa phương cắm và bàn giao gần 3.000 mốc giới của 3 đoạn tuyến cho 6 quận, huyện. Hiện nay, Ban đang cùng các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành việc bàn giao mốc giới đối với 2 đoạn tuyến còn lại. 

Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long), qua địa phận: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng diện tích đất dự án khoảng 1.341ha; sử dụng hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Việc tái định cư, bồi thường hỗ trợ người dân trong phạm vi dự án phải có sự thống nhất. Những khu vực chênh lệch khung giá đất phải có giải pháp hỗ trợ cho bằng nhau để tránh khiếu kiện. Hà Nội cũng đang tập trung đẩy nhanh việc đầu tư, xây dựng khu tái định cư, di chuyển mồ mả, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ được duyệt.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân được xác định là giải pháp quan trọng nhất nhằm đưa chính sách bồi thường được đến gần với người dân. Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu các quận, huyện phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu; thành lập tổ vận động về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trực tiếp đối thoại, giải thích rõ quy định của pháp luật cho người dân.

Hà Nội cũng thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi. Đặc biệt là tăng cường quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai, phục vụ tốt việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ một cách chính xác, đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: “Mốc thời gian bàn giao mặt bằng cho dự án là không thể thay đổi được. Các địa phương phải mạnh dạn, chủ động xử lý các nội dung vướng mắc, chủ động bứt phá. Như với Hà Nội, lãnh đạo Thành phố quyết, sai lãnh đạo Thành phố chịu trách nhiệm”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.