Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới:

Nam giới cùng chia sẻ, đồng hành với bạn đời

Bài và ảnh: Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại Việt Nam, nhiều nam giới đã tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sự góp mặt của nam giới không chỉ nêu cao tấm gương truyền cảm hứng cho nam giới trẻ, khích lệ một phong cách sống yêu thương, tôn trọng và chia sẻ mà còn khiến nhiều nam giới từng gây ra bạo lực cũng thay đổi nhận thức, hành vi của mình.

Nam giới cùng chia sẻ, đồng hành với bạn đời - ảnh 1
Các đại biểu cùng truyền thông điệp về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến toàn thể các tầng lớp phụ nữ và nhân dân Thủ đô.

Những câu lạc bộ tiên phong thay đổi nhận thức về bất bình đẳng giới
CLB “Nam giới tiên phong” xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được thành lập từ tháng 3/2022, ban đầu với 30 thành viên đến nay đã phát triển đến 130 thành viên, duy trì hoạt động hàng quý, hàng tuần. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ nhiệm CLB “Nam giới tiên phong” xã Nam Phương Tiến cho biết, từ khi thành lập đến nay, CLB đã làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới của nhiều nam giới trên địa bàn xã. Nhiều ông chồng đã bắt đầu cùng vợ làm việc nhà, nuôi dạy con.

Tình trạng bạo lực gia đình giảm đi đáng kể. Vị thế của phụ nữ và trẻ em gái được tăng lên. Qua các buổi sinh hoạt, nam giới trên địa bàn xã không còn ép vợ cố sinh con trai khi gia đình sinh con một bề là gái; tỷ lệ nữ tham gia vào các lĩnh vực ngày càng tăng, tạo ra của cải vật chất cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Anh Mạnh cho biết: “Bất bình đẳng giới là có hại, vi phạm các quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, nam giới hãy lắng nghe và quan sát để hiểu những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt khi họ thực hiện ước mơ hay tiềm năng của mình. Hãy để phụ nữ có quyền được quyết định về sức khỏe, đời sống tình dục và sinh sản; được quyền quyết định về việc lập gia đình và thời điểm kết hôn theo mong muốn...”.

Tại xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội hiện có 1 CLB nam giới nòng cốt, 4 CLB nam giới hiện đại và 5 CLB phụ nữ sinh hoạt tại 5 thôn. Các CLB đều được duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần với nội dung tập trung vào các vấn đề nam giới làm người tiên phong, vận động xóa bỏ bất bình đẳng giới. Các nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa tập trung vào các chủ đề về phòng tránh xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường...

Chia sẻ về hoạt động của CLB “Nam giới tiên phong” xã Ngọc Hoà, bà Đặng Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Hoà nhấn mạnh: CLB “Nam giới tiên phong” xã Ngọc Hoà được thành lập từ tháng 4/2022 với 15 thành viên nòng cốt, tiên phong, đi đầu trong việc truyền cảm hứng cho những nam giới khác thực hành vai trò của mình trong gia đình, góp phần chấm dứt bất bình đẳng giới. Các thành viên tham gia CLB đều vui vẻ, sống tích cực, quan tâm đến gia đình nhiều hơn. 

Đánh giá về kết quả đạt được trong thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: “Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai các đề án, chương trình của UBND TP, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tích cực triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình “5 có 3 sạch”, CLB Nam giới và phụ nữ cùng chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khoẻ, tạo việc làm, tăng thu nhập, khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, tạo điều kiện để phụ nữ tự tin tham gia hoạt động xã hội...”.

Hiện nay, nhiều mô hình thiết thực hướng tới nam giới thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “ưa chuộng con trai” cũng đã được thành lập, bước đầu thay đổi nhận thức của nam giới. Nhiều nam giới trong gia đình đã ý thức trách nhiệm người cha không chỉ là trụ cột về kinh tế trong gia đình mà còn có trách nhiệm cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ; thay đổi thói quen, nhận thức về bình đẳng giới…

Mô hình CLB “Người cha trách nhiệm” được Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn xây dựng thí điểm tại các tỉnh Quảng Bình, Bắc Cạn, Bắc Giang, Vũng Tàu, Hậu Giang, Bắc Ninh… đã giúp cho nam giới nông dân trẻ có độ tuổi từ 20-35 có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, am hiểu về công tác bình đẳng giới và các tác hại của việc lựa chọn giới tính khi sinh.

Anh Nguyễn Quang Sang, Chủ nhiệm CLB “Người cha trách nhiệm” huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, tại huyện Tiên Du, có 5 CLB “Người cha trách nhiệm”, với 175 thành viên là nam giới từ 18-35 tuổi tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, nam giới được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng định kiến giới; ngăn chặn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội có chuyển biến tích cực. “Thông điệp chúng tôi đưa ra là Bình đẳng giới không phải là cào bằng mà là chia sẻ và giúp đỡ. Khi vợ chồng chia sẻ hỗ trợ yêu thương nhau thì sẽ hạn chế hoặc chấm dứt bạo lực”- anh Sáng nói. 

Theo anh Sáng, vai trò của nam giới rất quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nam giới có thể đóng vai trò như người đồng hành, và lên án những hành vi bạo lực. Điển hình như anh Lại Gia Đông, sinh năm 1987, luôn cho rằng, đàn ông là trụ cột nên có quyền quyết định mọi việc trong gia đình. Anh thường xuyên quát mắng, kiểm soát vợ trong các công việc hàng ngày và ít khi tham gia chăm sóc con, vì coi đó là trách nhiệm của phụ nữ. Sau khi tham gia CLB, anh bắt đầu chủ động làm việc nhà cùng vợ, chăm sóc và dạy con học. Anh học cách kiên nhẫn với con, biết thể hiện tình yêu thương với vợ con… Nhờ đó, mối quan hệ gia đình anh Đông đã cải thiện hơn nhiều. 

Anh Đông chia sẻ: “Tôi từng nghĩ chỉ cần mình làm việc chăm chỉ, hàng tháng đưa tiền cho vợ chăm lo gia đình là đủ. Nhưng sau khi tham gia CLB, tôi hiểu ra rằng, làm cha không chỉ là người kiếm tiền mà còn là người đồng hành cùng con, là người chồng che chở cho gia đình, tôn trọng và chia sẻ công việc nhà giúp vợ. Điều đó khiến cuộc sống gia đình tôi vui vẻ hơn”.

Thời gian qua, tại Việt Nam, nhiều nam giới đã tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều đàn ông từng gây ra bạo lực cũng thay đổi và trở thành những người truyền lửa cho những nam giới khác trong cộng đồng. 

Chia sẻ việc nhà - chìa khoá xây dựng gia đình hạnh phúc
Tại diễn đàn “Phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ” trong khuôn khổ sự kiện “Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024" do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 22/11, vợ chồng anh Nguyễn Quang Sáng và chị Nguyễn Thị Thuý Hằng, thành viên CLB “Gia đình nói không với bạo lực” huyện Gia Lâm đã chia sẻ tình huống và câu chuyện thực tế của bản thân, gia đình mình chung tay làm việc nhà, cùng nhau phấn đấu, vun đắp gia đình, sống có trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng xã hội văn minh - phát triển.

Gia đình chị Hằng có 3 thế hệ cùng chung sống. Bố mẹ chồng chị năm nay đã trên 80 tuổi, sức khoẻ yếu, cần nhiều sự hỗ trợ từ con cháu. Chị Hằng hiện đang là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã, nên công việc khá nhiều. Dù vậy, chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, phải kể đến sự chung tay hỗ trợ từ chính chồng chị. Chị Hằng kể, mỗi ngày chị vận động chồng chung tay làm “công việc không tên” trong gia đình. Hai vợ chồng thường dành ra 30 phút mỗi tối để tâm sự với nhau… Nhờ đó, việc nhà đã được chồng chủ động chung tay chia sẻ nên không còn là gánh nặng cho chị. 

Chuyên gia Hoa Hữu Vân, nguyên Vụ phó Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, bình đẳng giới cần được tiếp cận ở góc độ về giới. Thay đổi tư duy làm chồng, làm cha trách nhiệm cần phải có nghệ thuật. Phụ nữ hãy khéo léo vận động để nam giới cùng làm việc nhà, chăm sóc con mà không khiến người chồng cảm thấy chạnh lòng. Hãy để người chồng coi đó là trách nhiệm chở che và vun vén gia đình chứ không phải là “việc của vợ” và mình chỉ “làm giúp”.  

Theo ông Hoa Hữa Vân, nguyên nhân của chính những bạo lực, đổ vỡ gia đình một phần bắt nguồn từ sự bất bình đẳng trong gia đình. Do đó, bình đẳng phải bắt đầu từ nam giới, từ chính mỗi gia đình. “Tôn trọng yêu thương, cùng nhau chia sẻ để cùng thực hiện bình đẳng giới trong gia đình để hướng tới hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình là nền tảng của hạnh phúc xã hội”. 

Chia sẻ một số kết quả nổi bật và thông điệp từ cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", mô hình "5 có, 3 sạch" nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nam nữ cùng chia sẻ, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nâng cao quyền năng từ trong gia đình, bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Phụ nữ đừng ngộ nhận vai trò độc tôn không thể thay thế trong việc nội trợ. “Làm việc nhà không phải là đặc quyền và hạnh phúc riêng của phụ nữ, hãy chia sẻ nó với các thành viên trong gia đình”- bà Thu Thuỷ chia sẻ thông điệp.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.
Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

(PNTĐ) - Trải qua hơn 15 năm với sứ mệnh trao quyền để thay đổi cuộc sống cho hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam, chương trình trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo kỹ năng trong ngành làm đẹp - L’Oréal Beauty for a better life (L’Oréal - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn) đã trở thành chương trình truyền cảm hứng và trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho những phụ nữ dám mơ ước và quyết tâm vượt qua khó khăn để thành công trong ngành làm đẹp.
Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

(PNTĐ) - Ở Hà Nội, chăn trâu ở thành phố nhàn hơn ở quê nhưng lại đem tới mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu làm tốt có thể được người thuê trả thêm tháng lương thứ 13. Nhiều người thay vì phải đi làm những công việc tay chân vất vả đã chọn gắn bó hàng chục năm trời với việc chăn trâu thuê giữa lòng thành phố nuôi con ăn học.