“Nàng thơ” đẹp nhất trong cuộc đời thi sĩ “Bên kia Sông Đuống”

Chia sẻ

ĐY-Nhà thơ Hoàng Cầm đã tự nhận trong tập “99 tình khúc”, cuộc đời của ông có 13 “nàng thơ”, 13 người phụ nữ đã khiến cho tâm hồn ông rung động.

 
Trong 13 “nàng thơ” đó, bà Hoàng Yến – người vợ cuối cùng của ông là “nàng thơ” đẹp nhất, khiến ông mãi khôn nguôn nỗi đau mất mát khi bà ra đi.
 
Chuyện tình của thi sĩ Hoàng Cầm

Nhà thơ xứ Kinh Bắc Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt. Ông sinh năm 1922. Không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng với “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, Hoàng Cầm còn nổi tiếng bởi sự hào hoa, lãng tử.
 
“Nàng thơ” đẹp nhất trong cuộc đời thi sĩ “Bên kia Sông Đuống” - ảnh 1
Thi sĩ Hoàng Cầm
 
Hoàng Cầm viết rất nhiều thơ tình. Trong mỗi bài thơ tình của ông, bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ đã từng đi qua đời ông – những người phụ nữ được ông âu yếm gọi là “những hồn người đã gợi ra nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu” trong những tình khúc của ông. Ông có 3 bà vợ và nhiều “nàng thơ” khác. Nhưng như lời thi sĩ từng nói lúc còn sống:  bà Hoàng Yến là người mà ông yêu thương nhất, biết ơn nhất, là “nàng thơ” đẹp nhất trong thơ ông, là người mà ông đã đẩy cái gánh nặng cuộc đời với “ngày hai bữa cơm nghèo, mấy tấm quần áo đã sờn rách, một lũ con nhỏ dại lau nhau đi học, chơi đùa, đau ốm….”.

Bà Hoàng Yến là người vợ thứ ba của ông, cũng là người vợ cuối cùng của ông. Năm 18 tuổi, Hoàng Cầm cưới người vợ đầu là bà Hoàng Thị Hoàn, quê Bắc Giang, do gia đình cưới hỏi. Sinh cho ông được một trai, một gái thì bà qua đời. Năm 1946, Hoàng Cầm viết kịch thơ “Kiều Loan” và đem lòng yêu Tuyết Khanh - nữ diễn viên đã hóa thân trọn vẹn vào vai Kiều Loan trong vở kịch thơ cùng tên. Nhưng cuộc hôn nhân đó cũng không kéo dài được lâu. Sau khi có với nhau một con gái, do hoàn cảnh gia đình, ông bà phải xa nhau. Bà Tuyết Khanh lấy chồng mới, sau năm 1954 theo chồng vào miền Nam sống rồi qua Mỹ định cư năm 1975 rồi mất tại đây.

Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hoàng Cầm trở về Hà Nội, là một ông bố của 3 đứa con, 2 đời vợ, nhưng lại chẳng có người phụ nữ nào bên cạnh. Ông gặp bà Hoàng Yến trong hoàn cảnh đó. Thân sinh bà Hoàng Yến là một thầy thuốc sống ở Hải Dương. Thuở con gái mười tám đôi mươi, bà kết tóc se tơ cùng với ông Đào Thiện Phỏng, một người làm nghề thầy giáo khá giả ở Hà Nội. Cuộc hôn nhân đầu tiên, bà sống hạnh phúc bên người chồng nho nhã, có lòng nhân hậu. Hai ông bà thường cùng nhau đi làm từ thiện. Nhưng sau này, ông giáo Phỏng bị một cơn nhồi máu cơ tim qua đời, để lại bà một mình vò võ nuôi 5 con. Năm bà Hoàng Yến 31 tuổi, thì thi sĩ “Lá Diêu bông” xuất hiện. Khi ấy, ông là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, “oai” ra trò, bà tuy đã qua một đời chồng, đã có 5 con, nhưng nhan sắc vẫn mặn mòi, duyên dáng, được mệnh danh là hoa khôi của bệnh viện (hồi đó bà là y tá của Bệnh viện Yersin – nay là Bệnh viện Việt - Đức). Sau đám cưới, ông xách ba lô và đem theo mấy đứa con côi về ngôi nhà 43 Lý Quốc Sư – ngôi nhà mà người chồng cũ để lại cho bà sinh sống.

Cuộc hôn nhân của thi sĩ Hoàng Cầm với bà Hoàng Yến là một cuộc hôn nhân không được lòng dư luận. Khi ông bà về sống với nhau, Hoàng Cầm cũng đàng hoàng là anh trưởng đoàn văn công của Tổng cục Chính trị “kiếm đâu cũng được vợ”. Nhiều người cho là thi sĩ bị bà Hoàng Yến “lừa”. Nhưng cuộc hôn nhân của vợ chồng thi sĩ Hoàng Cầm và bà Hoàng Yến đã trải qua 30 vững bền. Đến lúc bà Hoàng Yến qua đời năm 1985, thi sĩ Hoàng Cầm đã phải trải qua nỗi mất mát lớn trong đời.

Một đời vất vả gieo neo


Bà Hoàng Yến là người vợ có nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm. Bà vừa là “nàng thơ” của ông, vừa là người nâng bước ông những năm ông sống trong khốn khổ vì bị vùi dập. Đời làm vợ của bà có thể gói gọn trong 2 câu thơ mà thi sĩ Hoàng Cầm viết tặng vợ: “Tôi có người vợ nghèo/ đời vất vả gieo neo…”.
Khi còn sống, thi sĩ Hoàng Cầm từng kể: “Lúc đó bà ấy vò võ nuôi một gánh con, cũng muốn lấy tôi để được nhờ, vì tôi dù gì cũng là anh Trưởng đoàn Văn công. Ai ngờ đâu chỉ sau vài năm, tôi mất tất cả, một tay bà phải lo cho cả chồng, con đến tận khi qua đời”.
 
“Nàng thơ” đẹp nhất trong cuộc đời thi sĩ “Bên kia Sông Đuống” - ảnh 2
Bà Hoàng Yến - vợ thi sĩ Hoàng Cầm
 
Ông bà lấy nhau được 2 năm thì ông vướng vào vụ “Nhân văn giai phẩm”. Ông bị cắt 2/3 lương, bị lao động cải tạo bắt buộc trong 3 năm. Suốt 30 năm trời, thơ ông bị cấm in, không thể kiếm sống bằng ngòi bút của mình.

Trong những năm tháng khổ cực đó, Hoàng Cầm ban ngày đi đẩy xe bò với Trần Dần, ban đêm đi chiếu phim cùng Phùng Quán, lọ mọ làm đủ thứ nghề hàng đêm để sống qua ngày. Gánh nặng gia đình, với “con anh, con tôi, con chúng ta” đông không kể hết ấy hầu như dồn lên vai bà Hoàng Yến. Nhưng chưa bao giờ bà kêu ca với ông một lời nào. Những lúc thấy nhà thơ phẫn chí, chán nản với cuộc đời, bà lại động viên ông.

Bà động viên ông làm thơ, gánh hết mọi lo toan cuộc sống, nuôi cả ông và hơn 10 đứa con cả chung lẫn riêng của cả hai mà không một lời ca thán. Từ một người phụ nữ ăn trắng mặc trơn,  sau khi về lấy ông, bà gánh vác trên vai gánh nặng của cả gia đình. Ngôi nhà 43 Lý Quốc Sư bà được người chồng trước để lại khá chật chội, nhưng bà vẫn vui vẻ chia sẻ với những người con riêng của ông.

Có một điều đặc biệt là bà Hoàng Yến không bao giờ phân biệt con chung, con riêng. Người con gái đầu của nhà thơ Hoàng Cầm cũng tên là Hoàng Yến – trùng tên với bà, rất tâm đầu ý hợp với bà. Hai mẹ con thường rủ rỉ rù rì ngày này qua tháng khác. Đến khi cô Hoàng Yến mất, bà Hoàng Yến đau buồn suốt cả năm trời sau đó, không lâu sau cũng mất theo.

Bà Hoàng Yến sống bên cạnh Hoàng Cầm 32 năm, chỉ có 2 năm tạm gọi là, 30 năm còn lại, bà khổ. Vậy mà người phụ nữ ấy không bao giờ hé miệng kêu ca, không bao giờ có một lời cãi vã với chồng. Thời “Nhân văn giai phẩm”,  mỗi tháng để được cấp 12 cân gạo, bà phải đi trình diện, rồi lấy giấy chứng nhận nọ, chứng nhận kia, mới được xếp hàng đợi mua gạo. Cả gia đình mười mấy người chỉ trông vào 12 cân gạo mỗi tháng đó – mỗi bữa ăn đều phải nhìn nhau mà ăn. Ai đã trải qua thời bao cấp cũng đều kêu khổ. Nhưng bà Hoàng Yến thì còn khổ hơn cả cái khổ của những người khác sống cùng thời.

Nhờ sự chịu thương, chịu khó, nhờ đức hy sinh của bà, mà những năm tháng “Nhân văn giai phẩm” đó, Hoàng Cầm mới còn đủ tinh thần để làm thơ. Tập thơ “Về Kinh Bắc” – tập thơ quan trọng nhất trong sự nghiệp của Hoàng Cầm – nếu không có sự tần tảo, hi sinh của bà Hoàng Yến, vợ ông, chắc chẳng bao giờ ra đời được. Bà  thay ông lo chuyện cơm áo, để ông nhẹ gánh nợ đời, đắm chìm trong thơ ca; bà là nàng thơ của ông, là người phụ nữ gợi cho ông nhiều thi hứng nhất. Bà giữ từng bản thảo thơ ông viết, hy vọng một ngày, sự nghiệp của ông sẽ được nhìn nhận lại. Nhưng bà không được hưởng những vinh quang của cuộc đời ông. Năm 1988, sự nghiệp của ông mới được khôi phục sau những năm tháng nghiệt ngã. Nhưng bà Hoàng Yến thì không đợi được đến ngày chứng kiến giây phút đó. Bà đã mất trước đó 3 năm.

Trong buổi xuất hiện đầu tiên của ông trên thi đàn, được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, đánh dấu sự trở lại của ông sau 30 năm, khi những tiếng vỗ tay vang lên khắp hội trường, nước mắt của ông cứ thế trào ra. Sau này ông kể lại, ông khóc không phải vì thấy vinh quang đang trở lại với mình, mà khóc vì thương người vợ cả đời khổ cực bên cạnh ông, chẳng có lấy một tích tắc sung sướng. Những tràng vỗ tay của những người dưới hội trường, họ ca ngợi thơ ông, nhưng họ không bao giờ biết được phía sau những vần thơ ấy là những giọ nước mắt lặng lẽ của cả cuộc đời một người phụ nữ. Ông cứ ao ước, giá giây phút đó có bà Hoàng Yến bên cạnh, ông sẽ thong dong, hạnh phúc trọn vẹn hơn bao giờ hết.

Hoàng Cầm nổi tiếng là thi sĩ hào hoa. Cuộc đời ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ nào đó. Nhưng sau khi bà Hoàng Yến mất, khoảng trống mà bà để lại là khoảng trống quá lớn, mà những người phụ nữ sau này có khiến ông rung động, cũng không thể lấp đầy được khoảng trống đó. Bà mất giữa những ngày khó khăn, gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, con cái nhóc nheo. Ông như người mất đi chỗ dựa cuối cùng, bỗng nhiên thấy mình thành một đứa trẻ bơ vơ giữa cuộc đời. 2 năm sau đó, Hoàng Cầm sống trong đau khổ. Ông sợ bóng tối, sợ tiếng ồn, sợ chỗ đông người, sợ cả những tiếng bước chân đi lại.
 
Kể từ ngày bà mất, ông cũng không còn nghĩ đến việc tìm kiếm một người phụ nữ khác thay thế vị trí của bà. Nhà thơ Hoàng Cầm mất sau bà Hoàng Yến hơn 20 năm, nhưng đến khi ông mất, bà vẫn là người vợ cuối cùng, là nàng thơ đẹp nhất trong đời thi sĩ đất Kinh Bắc hào hoa Hoàng Cầm.

Lạc Hồng

Tin cùng chuyên mục

Nữ đảng viên “giữ lửa” lặng thầm nơi mái nhà BSR

Nữ đảng viên “giữ lửa” lặng thầm nơi mái nhà BSR

(PNTĐ) - “Làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, phải làm tới khi có kết quả” – đó là châm ngôn của chị Trần Thị Lụa – người đảng viên tiêu biểu của Đảng bộ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khi gặp những khó khăn trong công việc suốt hành trình gần 1/4 thế kỷ gắn bó với công ty.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.