Người chiến sỹ an ninh đào địa đạo Vĩnh Mốc năm xưa…
PNTĐ-Trong những năm chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, có một đội quân tuy không hùng hậu, không có vũ khí, khí tài tối tân, nhưng đã lặng thầm chiến đấu trong lòng địch...
Đội quân ấy đã lặng thầm chiến đấu trong lòng địch, giáng nhiều đòn chí mạng vào những cơ quan đầu não của địch và bọn tay sai. Đó là những chiến sĩ An ninh miền Nam – lực lượng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của giặc, mãi là niềm mến thương của nhân dân.
![]() |
Đại tá Nguyễn Văn Chức (giữa) cùng đồng đội thăm lại cầu Hiền Lương lịch sử |
Đại tá Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Cục Trinh sát Biên phòng là một tấm gương chiến sĩ An ninh vũ trang oanh liệt ấy. Ông vào bộ đội năm 1949, sang Lào, tham gia quân tình nguyện, làm chính trị viên đại đội và đã từng được dự Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào.
Năm 1958, khi lực lượng CAND vũ trang thành lập, ông được giao cùng với đồng đội xây dựng lực lượng CAND vũ trang khu V, làm công tác an ninh diệt ác, phá kìm, phá các ấp chiến lược của giặc Mỹ. Gần 10 năm đằng đẵng, Đại tá Nguyễn Văn Chức đã đi khắp các miền đất khói lửa Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên… âm thầm, tâm huyết gây dựng lực lượng CAND vũ trang tại chỗ với quyết tâm đủ sức mạnh để chiến thắng giặc Mỹ.
Trong tâm thức của Đại tá Nguyễn Văn Chức, 2.000 ngày sống, chiến đấu cùng đồng chí đồng bào trong lòng sâu địa đạo Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) là những tháng ngày không thể nào quên. Ngày 16/9/1965, lần đầu tiên không quân Mỹ ném bom đánh phá cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa và là địa bàn tập trung các cuộc oanh kích ác liệt nhất của máy bay, tàu chiến Mỹ, hòng tạo ra “Vùng trắng” để ngăn chặn mọi hoạt động chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. “Nhiệm vụ của CAND vũ trang càng nặng nề. Vừa đánh trả máy bay địch, vừa đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, chống khủng bố từ bờ Nam ra đồng thời tổ chức đưa đón hàng vạn đồng bào chạy ra vùng tự do.
Để bảo vệ dân và chuẩn bị chiến đấu lâu dài, Trung ương quyết định cho Vĩnh Linh chuyển học sinh, cụ già và trẻ em sơ tán ra phía Bắc. Những người ở lại tình nguyện bám trụ chiến đấu với quyết tâm sắt đá “Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết định chuyển hệ thống công sự chiến đấu hiện có thành địa đạo để chiến đấu. Khi ấy không có phương tiện đo đạc, chỉ có cuốc xẻng, nhưng với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cán bộ chiến sỹ chúng tôi sau 3 tháng kiên trì đã tạo được 400m địa đạo hoàn chỉnh gồm 2 tầng: tầng một sâu 8 – 10m, tầng hai sâu 18 – 20m, với 8 lỗ thông hơi, có giếng nước đủ để ăn uống, tắm giặt, có kho chứa vũ khí, lương thực, có chỗ chăm sóc thương binh và hàng trăm cán bộ, dân quân tự vệ xã Vĩnh Thạch bám trụ chiến đấu. Hào khí Vĩnh Mốc lan dần ra khắp huyện Vĩnh Linh. Từ 1965-1968, ta đã tạo được trên 2.500m địa đạo, 50 hầm các loại và 16 trận địa bắn máy bay”.
Với Đại tá Nguyễn Văn Chức, Vĩnh Linh là một phần ruột thịt. “Ở nơi ấy, tôi đã chiến đấu cùng những người chỉ huy từng trải, quyết đoán như Đoàn Văn Hùng, Tăng Liễu… đến những cán bộ, chiến sĩ bền bỉ sáng tạo, được nhân dân yêu mến khen tặng là “Kỹ sư địa đạo” như Lê Xuân Vị, “Kiện tướng địa đạo” như Kiều Văn Nhi, Dương Xuân Bĩ…Từ những cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, mưu trí, xông pha diệt ác, phá kìm ở bờ Nam đến những đồng chí quên mình chống sập cứu dân, có những người đã mãi mãi ra đi để đất nước độc lập, thống nhất…”.
Để có được ý chí kiên cường, tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc của những người lính, không thể không kể đến điểm tựa vững chắc của họ ở hậu phương, chính là người vợ tảo tần, gánh vác chuyện gia đình để chồng vững tâm chắc tay súng. Khi nhắc đến người bạn đời của mình, ánh mắt Đại tá Nguyễn Văn Chức trở nên ấm áp và tràn đầy niềm yêu thương. “Tôi vô cùng trân trọng sự hy sinh cho gia đình của bà ấy. Từ một thiếu nữ Hà Nội gốc, bà ấy làm vợ lính, chồng đi biền biệt không biết sống chết lúc nào, một nách hai con, khó khăn đủ thứ mà vẫn cam chịu, cố gắng chu toàn mọi việc để tôi yên tâm chiến đấu”.
Đại tá Chức xúc động lấy ra một xấp giấy đã ngả vàng, nhưng vẫn được giữ gìn cẩn thận như một kỷ vật. Đó là lá thư ông viết cho vợ - bà Đỗ Thị Thu trước ngày lên đường chiến đấu, vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, khi chiến trường miền Nam đỏ lửa, lúc đó vợ ông đang mang thai con thứ hai. Thư ông như gom hết tình yêu thương dành cho vợ: “… Lấy nhau gần chín năm dường như chưa được ngày vui trọn vẹn. Nhưng Tổ quốc đang cần anh. Mong em cùng con cũng đồng cảm để động viên nhau vượt qua thử thách, biến nhớ thương thành sức mạnh, đem hết sức mình để bảo vệ hạnh phúc của gia đình chúng ta, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…
Giờ đây ra đi chiến đấu, anh không phải chịu cảnh lẻ loi như ngày nào. Sau lưng, trong lòng anh đã có em, có con. Mong sao em thay anh dìu dắt con nên người, có ích cho đời…”. Giờ đây, ông đã ở tuổi 90, bà đã 80, có hai người con trai đều thành đạt, một người con tiếp bước ông trở thành chiến sĩ Biên phòng, ông bà vẫn luôn yêu thương nhau, vui vầy bên con cháu.
Đỗ Ngọc Quỳnh