Người phụ nữ mang tình yêu thiên văn đến với trẻ em

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà thiên văn học Susan Murabana ở Kenya đang nỗ lực truyền tình yêu thiên văn cho trẻ em nghèo tại quê hương thông qua chương trình ngắm sao đêm mang tên “Du lịch qua kính viễn vọng” (Travelling Telescope). Không chỉ có mong muốn mang niềm yêu thích thiên văn học cho nhiều trẻ em và người dân, Susan còn mong ước sẽ sớm được nhìn thấy người phụ nữ châu Phi đầu tiên bay vào vũ trụ.

Tình yêu thiên văn học đến với Susan vào năm 22 tuổi -  khi cô có may mắn được tham dự một buổi sinh hoạt về thiên văn học do Quỹ từ thiện Cosmos Education (tổ chức phi Chính phủ chuyên thúc đẩy giáo dục khoa học và công nghệ cho các nước đang phát triển ở châu Phi) tổ chức tại thị trấn Mumias - nơi cô sinh sống. Đó là lần đầu tiên cô được nhìn thấy và chạm vào chiếc kính viễn vọng. Việc nhìn lên bầu trời đêm và thấy sao Thổ vô cùng sống động cùng nhiều hành tinh khác đã để lại trong cô một ấn tượng rất mạnh mẽ.

Người phụ nữ mang tình yêu thiên văn đến với trẻ em  - ảnh 1
Cô Susan Murabana. Ảnh: Africa News

Ngay sau đó, cô đã đăng ký trở thành tình nguyện viên của Cosmos Education. Việc được cùng các thành viên trong tổ chức đến các trường học và làng quê nghèo ở Kenya để giảng dạy trẻ nhỏ về thiên văn học đã khiến tình yêu thiên văn của cô càng trở nên mãnh liệt hơn. Susan biết rằng mình cần phải làm được nhiều hơn thế.

Năm 2006, cô tham gia và dẫn đầu một dự án của Global Hands-On Universe - chương trình huấn luyện giáo viên do Liên minh Thiên văn Quốc tế thành lập, nhằm giúp học sinh khám phá vũ trụ trong khi áp dụng các công cụ và khái niệm từ khoa học, toán học và công nghệ.

Bốn năm sau đó, cô tốt nghiệp thạc sĩ thiên văn học tại Ðại học James Cook (Úc), rồi được mời đến Ðại học California (Mỹ) làm học giả ngắn hạn. Tại đây, Susan nhận ra rằng trẻ em châu Phi cũng cần được có cơ hội học tập như trẻ em ở Mỹ.

Khi về nước vào năm 2014, cô quyết định cùng chồng là nhiếp ảnh gia Daniel Chu Owen thành lập doanh nghiệp xã hội mang tên "Travelling Telescope". Doanh nghiệp của cô chủ yếu tập trung vào các chương trình giáo dục dành cho trẻ nhỏ ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa.

Kết hợp kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực giáo dục và tiếp cận người có đam mê chụp ảnh thiên văn, cùng kiến thức về kính thiên văn của Owen, hai vợ chồng cô đều đặn cứ mỗi 2 tháng lại chất kính viễn vọng và một cung thiên văn bơm hơi lên xe, sau đó khởi hành đến các miền nông thôn nghèo và giúp hàng trăm trẻ em có cơ hội ngắm nhìn và tìm hiểu về các hành tinh, chòm sao cũng như những kiến thức cơ bản về vật lý thiên văn. Susan chia sẻ mong ước của mình là “mọi đứa trẻ, ít nhất một lần trong đời, đều có cơ hội học hỏi về thiên văn thực tế dưới bầu trời đêm”.

Người phụ nữ mang tình yêu thiên văn đến với trẻ em  - ảnh 2
Susan Murabana mang đến cơ hội mở rộng hiểu biết về thiên văn học cho trẻ em Kenya.
Ảnh: Africa News

Không chỉ truyền tình yêu thiên văn học cho trẻ em, Susan còn mong muốn nhiều người dân Kenya có thể tiếp cận được lĩnh vực không gian. Cô tin rằng thiên văn học, hay chỉ đơn giản là hoạt động ngắm bầu trời, sẽ thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ hành tinh, từ đó có thể tạo ra “một thế hệ các nhà lãnh đạo sáng suốt hơn”.

Hiện tại, các hoạt động của Travelling Telescope được tài trợ bằng nguồn thu từ việc kinh doanh các dịch vụ du lịch thiên văn, bao gồm tổ chức các chuyến cắm trại ngắm sao (Star Safaris) cho khách du lịch. Ðến nay, công ty của cô đã phục vụ hơn 400.000 lượt khách tham gia ngắm bầu trời đêm.

Tác động của Travelling Telescope đã vượt xa việc giáo dục cộng đồng. Năm 2021, Susan được chọn làm cố vấn Space4Women - một chương trình của Liên hợp quốc nhằm kết nối phụ nữ trong lĩnh vực vũ trụ với những cô gái trẻ có khát vọng theo đuổi sự nghiệp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

“Tôi hy vọng một ngày nào đó, thông qua công việc này, tôi sẽ khơi dậy một phản ứng dây chuyền dẫn đến việc châu Phi sẽ có người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ”, cô cho hay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.