Người soạn thảo Quân lệnh số I cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc
PNTĐ-Trong cuộc trường chinh của dân tộc đánh đuổi đế quốc và thực dân, đồng chí Trần Huy Liệu đã vinh dự được giao soạn thảo bản Quân lệnh số I cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc...
Trong cuộc trường chinh của dân tộc đánh đuổi đế quốc và thực dân, hiếm ai có được may mắn như người chiến sỹ cách mạng yêu nước Trần Huy Liệu, khi được chứng kiến và tham gia các sự kiện trọng đại của dân tộc trong thế kỷ 20. Đặc biệt, ông vinh dự được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao soạn thảo bản Quân lệnh số I cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc và thay mặt Chính phủ lâm thời làm Trưởng đoàn vào Huế tước ấn kiếm của hoàng đế Bảo Đại.
![]() |
Người dân Hà Nội tham gia mít tinh Tổng khởi nghĩa tháng Tám tại Quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19/8/1945 (ảnh tư liệu) |
“Mỗi ngày bằng hai mươi năm”
Năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Ở nơi được gọi là địa ngục trần gian ấy, bị giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man nhưng ý chí kiên cường của Trần Huy Liệu không bị quật ngã. Trái lại, địa ngục trần gian đã trở thành trường học lớn, trau dồi trong Trần Huy Liệu bản lĩnh phi thường, đương đầu với những khó khăn, thử thách. Đặc biệt, được gặp gỡ, thảo luận chính trị với những đảng viên cộng sản yêu nước cùng bị giam cầm, ông đã giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Nhân sinh quan thay đổi, sau khi ra tù, Trần Huy Liệu đã ly khai Quốc dân đảng – tổ chức mà ông đã tham gia hoạt động trước đó, tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người cộng sản của Đảng cộng sản Đông Dương.
Được phân công hoạt động trên lĩnh vực báo chí, Trần Huy Liệu cùng các đồng chí của mình đã dùng ngòi bút của mình tham gia hoạt động rất tích cực trong việc lên án chế độ tàn bạc của thực dân, truyền bá tư tưởng cộng sạn và cổ vũ tinh thần yêu nước.
Giữa tháng 3 năm 1945, khí thế cách mạng đã sôi nổi trong cả nước, Trần Huy Liệu khi đó đang bị giam giữ trong nhà lao Nghĩa Lộ đã cùng với hơn một trăm tù chính trị tìm cách vượt ngục để hòa vào dòng chảy cách mạng, tham gia vào các hoạt động của Đảng và các tổ chức yêu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Trong những ngày tháng 8 của mùa Thu lịch sử cách đây 71 năm, Trần Huy Liệu có mặt tại Tân Trào dự Đại hội Quốc dân và trải qua những giờ phút trọng đại của đất nước và trọng đại trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của ông. Ông là người được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao soạn thảo bản Quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa và là người thay mặt Chính phủ lâm thời làm trưởng đoàn vào Huế tước ấn kiếm của hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng triều Nguyễn khi cách mạng thành công.
Về việc thảo Quân lệnh số I phát lệnh Tổng khởi nghĩa, trong hồi ký của mình, Trần Huy Liệu đã viết:
“Tin Nhật đầu hàng đã thúc dục Ủy ban khởi nghĩa phải làm việc gấp rút, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban lâm thời khu Giải phóng đã được truyền đi, các công văn, chỉ thị đều được đóng dấu ngoài, nghĩa là phải truyền theo các trạm đi luôn ngày đêm không nghỉ.
Đêm 13/8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp - PV) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số I của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương… Bản Quân lệnh số I lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động”.
“Giờ phút lịch sử cách mạng ban cho”
Những ngày đầu khi cách mạng mới thành công, theo chỉ định của Trung ương Đảng và Chính phủ Lâm thời, phái đoàn do ông làm trưởng đoàn cùng với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận được cử vào Huế để nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ông thay mặt cho Chính phủ Lâm thời, còn đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Mặt trận Việt Minh.
Ngày 25/8/1945, phái đoàn lên đường. Trên suốt chặng đường, nhất là từ Thanh Hóa trở vào, tới Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, nhân dân biết có phái đoàn đi qua đều ra đứng ở hai bên đường chào đón rất đông. “Tôi tưởng tượng những ngày ấy, nhân dân không còn ai ở nhà mà ra cả đường để đón phái đoàn Chính phủ Lâm thời… Những vật từ trước vẫn được coi là thiêng liêng như kiệu ngũ hành, kiệu long bình, kiệu bát cống, hương án, đầu ngũ sự, cờ đại, cờ vía, cờ đuôi nheo tại các dinh, phủ, đền, miếu đều được khuân hết cả ra ngoài đường, ngoài đồng để đón rước phái đoàn Chính phủ”. Đáp lại sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân, phái đoàn liên tiếp phải dừng lại nói chuyện. Việc nói chuyện với nhân dân do mình ông đảm trách.
Ngày 30/8/1945, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Huế và được Trần Huy Liệu viết lại trong hồi ký của mình: “… 5 vạn dân nội thành Huế đã tập trung trước cửa Ngọ môn, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên bờ sông Hương… Xe của phái đoàn từ từ tiến vào cửa chính Ngọ môn giữa tiếng hoan hô vang dậy của quần chúng… Bảo Đại chít khăn vàng, mặc hoàng bào, đứng chực sẵn ở cửa. Phái đoàn bước lên Ngọ môn, dân chúng hoan hô sôi nổi. Đến lượt Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Đọc xong Bảo Đại giơ hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng cho chế độ”. Sau khi nhận ấn, kiếm, Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ đọc diễn văn tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ, chấm dứt ngôi vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Ông chia sẻ về những cảm xúc của mình trong những thời khắc lịch sử ấy bằng sự xúc động và niềm tự hào: “Sau cuộc lễ, một nhà báo đến phỏng vấn tôi về cảm tưởng khi nhận ấn kiếm của Bảo Đại, tôi nói: trong cuộc đời tham gia cách mạng chống thực dân, phong kiến, tôi đã hai lần được sống những giờ phút sung sướng nhất là lúc thảo Quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám và hôm nay được nhận ấn kiếm từ vị vua cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng và gian khổ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân. Trong những ngày vinh quang của dân tộc, riêng về phần tôi, tôi đã được vinh dự là sống những giờ phút lịch sử mà cách mạng đã ban cho tôi”. (trích hồi ký Trần Huy Liệu).
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Trần Huy Liệu cũng báo cáo về việc phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch, hoàn thành nhiệm quan trọng và cũng đầy vinh dự của mình. Sau này, trong cuốn “Trần Huy Liệu – Cõi người” do người con trai của ông, nhà báo Trần Chiến thực hiện cũng đã ghi lại những cảm xúc đặc biệt của ông trong những tháng lịch sử của dân tộc: “Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ, nếu đời người ta, tình yêu đầu tiên vẫn là tình yêu ngây thơ nhất, thắm thiết nhất, say mê nhất, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, theo chủ quan của tôi, cái phong vị của những ngày đầu sau cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi vẫn đậm đà và nhớ lâu nhất”.
Huy Hoàng