“Nguyên xe tăng” và những giờ phút không quên của ngày 30/4/1975
PNTĐ-Khoảnh khắc cánh cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng 390 húc đổ, kết liễu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 vẫn tươi nguyên trong kí ức của trung úy Ngô Sỹ Nguyên.
40 năm đã trôi qua, khoảnh khắc cánh cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng 390 của ông và đồng đội húc đổ, kết liễu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 vẫn tươi nguyên trong kí ức của trung úy Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ số 1 trên xe tăng 390 - chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Vượt qua bao làn đạn nguy hiểm, cận kề với cái chết, kíp lái trên chiếc tăng 390 ngày ấy là những người đầu tiên khẳng định sào huyệt cuối cùng của chính quyền Ngụy Sài Gòn sụp đổ, Tổ quốc đã hoàn toàn thống nhất, non song thu về một mối.
![]() |
Ông Ngô Sỹ Nguyên cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 390 tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 do nữ nhà báo Francoise chụp |
Trào nước mắt trong ngày thống nhất
Giây phút thiêng liêng húc đổ cổng Dinh Độc Lập tiến thẳng vào thủ phủ Tổng thống Ngụy, kết liễu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước luôn sống động và in hằn trong hồi ức của những người lính trên chiếc xe tăng 390 ấy. Đáng tiếc là lịch sử Việt Nam suốt 20 năm kể từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã có sự nhầm lẫn. Những trang sách lịch sử suốt 20 năm sau ngày giải phóng vẫn cho rằng xe tăng 843 là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Hồi ấy, cả xe tăng 843 và 390 đều thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Mãi đến năm 1995, khi nữ nhà báo người Pháp tên là Francoise De Mulder trở lại Việt Nam, tìm lại 4 người lính trên kíp xe tăng 390 năm xưa để trao tặng bức ảnh ông Nguyên cùng đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên, sự thật mới được trả lại. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 chính thức được lịch sử thừa nhận là chiếc xe đầu tiên húc tung cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập - đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. “Đó là chiến thắng của Quân đội, của nhân dân Việt Nam, chiến thắng đó có được nhờ bao nhiêu đồng đội đã dũng cảm ngã xuống” – ông Nguyên hồi tưởng.
Sinh ra ở Nghệ An, năm 1971, chàng trai Ngô Sỹ Nguyên vừa tròn 19 tuổi, nặng vỏn vẹn 40kg, viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân ngũ nhưng bị loại vì không đủ sức khỏe. Lận đận mãi, cuối cùng chàng trai xứ Nghệ ấy mới được nhập ngũ. Ngô Sỹ Nguyên được tuyển chọn vào lính Tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390.
Trên chiếc xe tăng 390 ngày ấy, ông Nguyên được sát cánh cùng trung úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên đại đội; trung sĩ Nguyễn Văn Tập là lái xe và thiếu úy Lê Văn Phượng - phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 (thay pháo thủ số 2 là anh Trường, lúc bấy giờ đang bị thương). “Sáng ngày 30/4, tiểu đoàn 1 của chúng tôi do đồng chí Ngô Văn Nhỡ - tiểu đoàn trưởng nhận nhiệm vụ mở đường vào đánh chiếm Sài Gòn, đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Bọn giặc đánh trả ác liệt. Đồng chí Nhỡ hi sinh ngay trên tháp pháo khi chỉ huy chiến đấu.
Sự hi sinh của đồng chí đã thúc đẩy tinh thần chiến đấu của chúng tôi. Đoàn xe tăng tiến nhanh vào Sài Gòn, đi đầu là xe tăng 866 của đồng chí Lê Tiến Hùng. Đến Sài Gòn, đồng chí Hùng bị thương, xe chúng tôi và một số xe khác tiếp tục lao lên. Chúng tôi tới khe Hàng Xanh thì bị lực lượng phản kích tinh nhuệ của địch chặn lại. Đồng chí Toàn và đồng chí Tập hô to: “Nguyên, Nguyên… mục tiêu!” nhưng tôi đã kịp thời nổ súng trước đó tiêu diệt địch rồi” - ông Nguyên minh mẫn kể lại. “Tiến đến cửa Dinh Độc Lập, chúng tôi đã thấy xe tăng 843 của trung úy Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng dừng ngay ở cổng phụ. Thấy vậy, đồng chí Tập lái xe hỏi có nên vào hay dừng lại, thì đồng chí Toàn khẳng khái: “Cứ tông vào đi”. Ngay lập tức, trưởng kíp Vũ Đăng Toàn đã cho chiếc xe “chồm” lên, dũng mãnh tiến lên húc đổ cánh cổng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chạy lên cắm cờ.
Từ xe tăng chuyển sang… xe buýt
Người dân ở xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì bây giờ gọi ông là “Nguyên xe tăng”. Rời quân ngũ tháng 1/1982, ông Nguyên là 1 trong 24 sĩ quan của đơn vị được nhận nhiệm vụ mới là làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại cảng Phà Đen (cảng Hà Nội ngày nay). Trở về thời bình, ông mới có nhiều thời gian để nghĩ tới tình cảm riêng tư cho mình, nghĩ tới cô gái Nguyễn Thị Bé (người Nam Định) với mái tóc tết đuôi sam, thùy mị, nết na mà ông đã thầm để ý khi còn làm pháo thủ của xe tăng 390. Ông quyết tâm tìm người con gái “trong mộng”, hai người nên duyên vợ chồng năm 1983 và đến năm 1985, 1986, hai người con của họ lần lượt ra đời.
Tháng 10/1992, ông thôi công tác tại cảng Phà Đen và mua xe ba bánh về chở hàng. Sau khi được lịch sử công nhận là một trong những chiến sỹ của xe tăng 390 dũng cảm húc đổ đinh lũy cuối cùng của ngụy quyền và cũng là nhân chứng đầu tiên chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, ông Nguyên được xí nghiệp Xe buýt 10/10 mời làm lái xe buýt vào năm 2002. Ông đã đảm nhận lái xe tuyến 28 và 37 cho tới khi nghỉ hưu năm 2012.
Minh Anh