Nhọc nhằn con đường mưu sinh của những nữ thợ lặn Ấn Độ

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở vùng biển Tamil Nadu của Ấn Độ, hàng ngày vẫn có khoảng 5.000 phụ nữ mưu sinh bằng nghề lặn biển tìm rong. Đây là một nghề vất vả và nguy hiểm, đặc biệt với phụ nữ.

Nghề "không dành cho người yếu tim"

Những người phụ nữ dành sáu giờ mỗi ngày trên biển, lặn ở độ sâu 4 mét để thu hoạch rong biển từ những tảng đá sắc nhọn. Rong biển thu được phải được sấy khô trước khi bán cho thương lái để sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm và làm đẹp. Trong điều kiện tốt nhất khi thủy triều xuống và thời tiết thuận lợi, số tiền cao nhất mà một nữ thợ lặn có thể kiếm được khoảng 3,6 triệu đồng mỗi tháng.

Vào mỗi buổi sáng tại bãi biển Akkal Madam trên đảo Pamban của Ấn Độ, người ta thấy có một nhóm phụ nữ trong độ tuổi 50-60 ngồi trên bờ cát, cẩn thận cuốn những mảnh vải dày lên các ngón tay của mình và cố định chúng bằng dây buộc. Họ mất 20 phút cho bước chuẩn bị này trước khi xuống nước.

Lý giải về điều này, bà Bhagavathy - nữ thợ lặn làm việc từ năm 7 tuổi nói: “Đây là cách chúng tôi chuẩn bị. Trước đây chúng tôi đã thử đeo găng tay nhưng chúng luôn bị tuột khi có dòng nước mạnh. Việc để tay trần khiến chúng tôi bị thương nghiêm trọng khi chạm phải các tảng đá sắc nhọn dưới đáy biển". Ngoài ra, các thợ lặn còn "bảo vệ" chân bằng một đôi dép cao su mỏng và đeo kính bảo hộ.

Với những phụ kiện bảo hộ thô sơ, các nữ thợ lặn luôn phải đối diện với rủi ro tiềm ẩn, trong đó có các loài cá và sứa độc. Nữ thợ lặn Seeniammal kể lại câu chuyện của mình. Vài năm trước, cô bị một con cá độc đâm gai vào người. "Nó ẩn mình trong các rạn san hô nên chúng tôi không thể phát hiện ra nó dưới nước. Nọc độc của nó khiến tôi đau đớn đến mức chỉ ước được chết đi. Tôi được đưa đến bệnh viện và điều trị bằng một mũi tiêm giải độc. Tuy nhiên tôi vẫn bị choáng váng trong suốt nhiều tuần sau đó"- Seeniammal cho biết.

Ngoài những mối đe doạ từ biển, còn có các mối đe doạ khác rình rập những phụ nữ này. Ba tháng trước, một người thu gom rong biển 50 tuổi ở ngôi làng gần đó đã bị cưỡng hiếp và giết chết trên một bãi biển vắng vẻ. Trước những nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào, các nữ thợ lặn thường lặn thành từng nhóm nhỏ để có thể trông chừng lẫn nhau.

Mặc dù là một nghề nguy hiểm nhưng những người phụ nữ miền biển của Ấn Độ vẫn cố gắng bám trụ. Bởi hầu hết họ là các lao động chính trong gia đình. Chồng của họ là ngư dân và nhiều người trong số đó nghiện rượu.

Theo Pandiammal, người đứng đầu chính quyền địa phương: “Cả đàn ông và phụ nữ đều phải vật lộn để kiếm sống. Tuy nhiên, đàn ông có xu hướng phung phí số tiền họ kiếm được vào rượu. Điều đó vô hình chung khiến gánh nặng cơm áo càng thêm đè nặng lên những đôi vai của người phụ nữ".

Cán bộ lâm nghiệp Mahendran cho biết: "Nghiện rượu là một vấn đề lớn mà chính quyền chưa tìm ra giải pháp. Tôi thực sự khâm phục lòng dũng cảm của những người phụ nữ này. Họ phải gánh chịu mọi chi phí do những người chồng phung phí vào rượu chè".

Nhọc nhằn con đường mưu sinh của những nữ thợ lặn Ấn Độ - ảnh 1
Nghề thu hoạch rong biển mang lại thu nhập nhưng cũng khiến phụ nữ phải đối diện mặt với nhiều rủi ro. 

Nỗ lực vì tương lai tươi sáng

Munishwari đã đi theo con đường của mẹ mình - trở thành nữ thợ lặn nhưng cô không muốn thấy thế hệ tiếp theo đi theo truyền thống này. “Tôi luôn sống trong sợ hãi với nghề này, mặc dù đó là nguồn duy nhất mang lại thu nhập cho gia đình. Tôi muốn các con tôi thoát ra khỏi vòng lặp này và lựa chọn giáo dục. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ dạy nghề cho con gái như một phương án dự phòng”, Munishwari chia sẻ. Đồng quan điểm, rất nhiều bà mẹ thợ lặn muốn con cái mình ưu tiên lựa chọn giáo dục để có tương lai tươi sáng hơn.

Một kế hoạch đã được đưa ra để giúp đỡ phụ nữ. Viện Nghiên cứu Hóa chất Biển và Muối Trung ương thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng về việc dạy phụ nữ trồng rong biển thay vì khai thác tự nhiên. Kế hoạch này bước đầu đã phát huy hiệu quả khi không chỉ giúp giảm thiểu nguy hiểm cho phụ nữ, đảm bảo sinh kế, mà còn khiến công việc của các nữ thợ lặn trở nên chuyên nghiệp, đảm bảo cân bằng đa dạng sinh học và sinh lợi nhiều hơn.

Ngoài ra, Đạo luật Công nhận Quyền Rừng của Ấn Độ cũng công nhận quyền của cộng đồng bản địa trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Một trong những mục tiêu của đạo luật này là "xóa bỏ sự bất công lịch sử đã xảy ra" đối với các cộng đồng bản địa và "trao quyền cho họ sử dụng tài nguyên theo cách mà họ vẫn quen thuộc theo truyền thống, đặc biệt là phụ nữ".

Tin cùng chuyên mục

Có gì hấp dẫn ở Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam?

Có gì hấp dẫn ở Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam?

(PNTĐ) - Tọa lạc tại số 18 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội và nằm khuất sâu bên trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mở cửa đón khách từ năm 2014. Đây không chỉ là điểm hẹn tham quan hấp dẫn, cùng những trải nghiệm thú vị đối với các em nhỏ, các bậc phụ huynh, du khách gần xa mà bảo tàng còn là nơi cung cấp các tư liệu quý để học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu học tập và tìm hiểu sâu về lĩnh vực này.
Kỳ cuối: Chốn về bình yên cho các nạn nhân

Kỳ cuối: Chốn về bình yên cho các nạn nhân

(PNTĐ) - Thời gian qua, với sự trợ giúp tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có các cấp Hội LHPN Hà Nội, nhiều nạn nhân bị mua bán người trở về quê hương đã tìm lại được cuộc sống bình yên. Những thương tích do tội phạm mua bán người gây ra trên thể xác, tinh thần vẫn còn đó, nhưng giờ đây, họ đã có thể tự tin gác lại quá khứ, tái hòa nhập cộng đồng và hướng về một tương lai tốt đẹp phía trước.
Kỳ 4: Nhiều lỗ hổng pháp lý trong phòng, chống mua bán người

Kỳ 4: Nhiều lỗ hổng pháp lý trong phòng, chống mua bán người

(PNTĐ) - Tình trạng mua bán người còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ một số khó khăn vướng mắc khi áp dụng các quy định của pháp luật như Bộ luật Hình sự (BLHS) và Luật Phòng, chống mua bán người vào thực tiễn. Từ đó, dẫn tới hậu quả tội phạm mua bán người chưa bị trừng trị nghiêm minh hoặc để lọt tội phạm.