Phát huy vai trò của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường

HÀ LAN - HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 28/6, tại Hà Nội, Hội thảo “Các giải pháp nhằm huy động sự tham gia và đóng góp của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Nữ Trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức.

Trong những năm qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các Hội thành viên đã làm tốt công tác tập hợp và đoàn kết trí thức thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tích cực tham gia phổ biến kiến thức như: kiến thức và chuyển giao tiến bộ KH&KT trong sản xuất, đời sống, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với trí thức; tích cực phát triển các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, mô hình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gắn với phát triển bền vững; trong hoạt động phát triển cộng đồng, các tổ chức đã phối hợp thăm khám, hỗ trợ bệnh nhân...

Phát huy vai trò của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường - ảnh 1
Các đại biểu chủ trì hội thảo

Phát biểu tại chương trình, ông Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh những kết quả đạt được của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên trong thời gian qua có đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức trong hệ thống. Nhiều người trong số họ là lãnh đạo các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Các chị em vừa đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ, vừa gánh vác công việc xã hội. Với trọng trách lớn lao đó nhưng các nữ trí thức luôn tích cực và đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển đất nước.

Phát huy vai trò của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường - ảnh 2
Ông Cao Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trường ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã cùng phát biểu, thảo luận về các vấn đề liên quan đến “Các giải pháp nhằm huy động sự tham gia và đóng góp của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường”.

Ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Ô nhiễm biểu hiện ở các dạng ô nhiễm trong không khí, nguồn nước, đất. Theo PGS.TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, trẻ em và phụ nữ (nhất là phụ nữ có thai) là những đối tượng dễ bị tổn thương do phơi nhiễm với các chất ô nhiễm trong không khí.

Phát huy vai trò của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường - ảnh 3
Ảnh: PGS. TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Trong 2 thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã báo cáo mối liên hệ giữa việc phụ nữ mang thai tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí dẫn đến các biến chứng có thể gặp phải khi mang thai như: tiền sản giật, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, sinh non, sinh nhẹ cân.

PGS.TS Lương Mai Anh cũng cho biết thêm những thách thức và giải pháp của vấn đề ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Trong đó thách thức chuyên gia cho rằng đáng quan tâm nhất hiện nay là nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng về bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường chưa cao. Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đề xuất giải pháp cho vấn đề này đó là phải tăng cường truyền thông vận động chính sách, nâng cao nhận thức cho chính quyền, các bộ ngành đoàn thể, cộng đồng về bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm môi trường.

Phát huy vai trò của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường - ảnh 4
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Về vấn đề vai trò của nữ trí thức trong ứng dụng KHCN đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng thuộc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam tham gia hội thảo cho biết, người trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng là người có kiến thức chuyên sâu nên có thể tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống.

Nữ trí thức làm khoa học nông nghiệp đã và đang đóng góp tích cực trong quá trình nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống, đưa các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt góp phần thúc đẩy sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho dù đất sản xuất lúc bị thu hẹp, biến đổi khí hậu bất thường gây lũ lụt, hạn mặn nặng nề.

Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lương thực, Nhà nước cần đầu tư tài chính thỏa đáng cho việc đào tạo và xây dựng đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp, đồng thời khuyến khích họ đề xuất, thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào sản xuất và đời sống - bà Nguyễn Thị Trâm nhấn mạnh.

Bàn luận về thực trạng và giải pháp của nữ trí thức Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh, đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Nữ trí thức Hà Nội chỉ ra số liệu xu hướng trẻ hóa của nữ trí thức. Nếu 15 năm trước, tuổi trung bình của nữ giáo sư là 62,2 tuổi, phó giáo sư là 56,4 tuổi thì theo số liệu của Hội đồng chức danh giáo sư năm 2017, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư từ 50 tuổi trở xuống chiếm gần 62%, từ 40 tuổi trở xuống chiếm hơn 23%.

Mặc dù thực trạng số lượng, chất lượng nữ trí thức có nhiều chuyển biến song cơ cấu phân bố vẫn chưa đều ở các lĩnh vực và khu vực. Lĩnh vực công tác chủ yếu vẫn  tập trung nhiều ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học xã hội. Địa bàn công tác chủ yếu vẫn tập trung ở thành phố.

Bàn về giải pháp, bà Nguyễn Thị Việt Thanh cho rằng, cần tạo được sự công bằng trong tuyển dụng, đảm bảo sự cân bằng giới mang tính tương đối giữa nam và nữ trong các cơ quan, doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, cần cân nhắc các điều kiện ưu tiên đối với phụ nữ khi tham gia các lĩnh vực không phải thế mạnh như an ninh, quốc phòng, xây dựng, giao thông vận tải...

Tham gia trình bày tại hội thảo còn có các nội dung ý nghĩa khác như: nâng cao năng lực các tổ chức cộng đồng trong ứng phó dịch bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống các nhóm dễ bị tổn thương; thực trạng và giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc Việt; giới - Covid-19 và An ninh xã hội; chung tay vì không khí sạch.

Qua hội thảo thiết thực và ý nghĩa này, với các ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi, hy vọng thời gian tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ phối hợp có hiệu quả hơn nữa để sự tham gia và đóng góp của nữ trí thức trong phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường được phát huy mạnh mẽ, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh.

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.