Phụ nữ trao đi yêu thương!
(PNTĐ) - Không chỉ có những lời chúc, bó hoa tươi thắm, những món quà thể hiện sự quan tâm, với nhiều người phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 đơn giản là được ăn cùng gia đình một bữa cơm sum vầy, được nhìn thấy người mình yêu thương mỗi ngày khoẻ mạnh, được có sức khoẻ chống chọi với bệnh tật, hay được trao đi yêu thương để nhận lại hạnh phúc...
Hãy cùng Báo Phụ nữ Thủ đô ghi lại những tâm sự cảm động về ngày 20/10, để thấy yêu hơn những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, giàu cảm xúc, chịu thương chịu khó...
Chị Hồ Thị Hoa (TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá):
“Món quà 20/10 đẹp nhất là chồng tôi có thể đi lại được...”
Năm 2021, trong lúc sửa chữa mái nhà cho người dân trong phố, chồng tôi không may bị trượt chân ngã xuống đất, dẫn đến chấn thương sọ não, bị liệt tứ chi, không còn khả năng lao động. Mọi gánh nặng gia đình đều do tôi cáng đáng. Cũng từ ngày chồng tôi bị tai nạn, tôi nghỉ làm để ở nhà toàn tâm chăm sóc chồng. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, chu đáo của vợ, chồng tôi từ chỗ là người thực vật nằm một chỗ, đến nay có thể ngồi dậy, tập nói và bắt đầu giao tiếp được.

Ngày 20/10 với tôi suốt 3 năm qua đều là những ngày đáng nhớ, bởi nó gắn với những mốc thời gian đánh dấu sự tiến bộ về sức khoẻ, nhận thức của chồng tôi. Tôi nhớ như in ngày 20/10/ 2021, suốt hơn 1 tháng túc trực chăm anh ở bệnh viện, mỗi ngày, tôi chỉ nguyện cầu một điều duy nhất là anh có thể tỉnh lại. Trước 20/10, 1-2 ngày, chồng tôi đã tỉnh nhưng chưa có ý thức gì, chưa nhận ra ai. Dù thế, tôi vẫn vỡ oà hạnh phúc. Người ta khoe hoa, khoe quà trên mạng xã hội vào ngày Phụ nữ Việt Nam, còn tôi lúc đó “khoe” chồng tôi có cơ hội được sống tiếp!
Năm 2022, vợ chồng tôi được ra viện. Hàng ngày, tôi tập trị liệu cho anh, nấu nướng, chăm sóc anh như một đứa trẻ 3 tháng tuổi. Dù vất vả, mệt nhọc, lại phải bán hàng online có thêm thu nhập nhưng thấy chồng tiến triển mỗi ngày, tôi cũng có thêm động lực cố gắng. 20/10 năm đó, tròn 1 năm tỉnh lại, anh đã bắt đầu bập bẹ tập nói. Tôi vui vẻ hỏi: Anh có biết ngày này là ngày gì không? Anh trả lời: “Là ngày 20/10”. Tôi đùa: “Thế chồng tặng vợ gì không?”. Anh lắc đầu, rơm rớm nước mắt. Tôi biết, anh rất đau lòng bởi trước đây, dù ít khi tặng hoa, quà cho vợ, nhưng ngày lễ nào, anh cũng đưa cả nhà đi ăn, đi chơi. Tôi động viên: “Chỉ cần chồng khoẻ mạnh vui vẻ là món quà lớn nhất của vợ rồi”!
Năm nay, lại sắp 20/10, có những lúc tôi cảm thấy kiệt sức, suy sụp nhưng sau đó lại gồng lên đứng dậy chiến đấu tiếp. Món quà 20/20 năm nay với tôi là chồng tôi đã bắt đầu giao tiếp được câu ngắn, dù trí nhớ vẫn còn đứt quãng. Anh đã biết hỏi thăm con, quan tâm vợ, biết vuốt tóc khi vợ ngồi cạnh, thường xuyên nói lời cảm ơn vợ… Và vui hơn, chồng tôi đã bắt đầu có thể đi lại được 1-2 bước.
Ngày 20/10, tôi không còn được chồng chiều chuộng, đưa đi ăn, đi chơi ngày lễ, nhưng bù lại, tôi nhận được sự quan tâm của anh chị em họ hàng nội ngoại. Các anh tổ chức mừng ngày lễ cho các chị đều gọi mấy mẹ con tôi sang chung vui. Con trai, con gái có thiệp chúc mừng mẹ. Sức khoẻ chồng tôi đã tiến triển tốt mỗi ngày… Thời gian chăm sóc chồng, tôi có thời gian trồng cả một vườn hoa thơm ngát đủ sắc màu, để ngày nào với tôi cũng là ngày 20/10 được ngắm hoa và điểm trang cho căn nhà nhỏ ấm áp của mình.
Bà Trịnh Thị Phương (58 tuổi, Lao công, Bệnh viện E):
Muốn được quan tâm nhiều hơn trong những dịp lễ đặc biệt
Mỗi ngày, từ 4h sáng, từ thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), tôi cùng một số chị em lao công theo xe của công ty môi trường xuống Hà Nội làm việc tại Bệnh viện E.
Là người lao động, ngày nào tôi cũng cố gắng làm việc để môi trường sạch sẽ hơn. Đi làm xa nhà, cộng thêm công việc vất vả, tiếp xúc với nhiều rác thải nhưng tôi luôn mỉm cười tươi xua tan đi bao mệt nhọc. Thế nhưng, cũng có những lúc, tôi cũng tủi thân khi mình cũng là phụ nữ mà… chẳng bao giờ được nhận hoa, quà từ chồng!

Chồng tôi làm nông nghiệp, tính tình hiền lành, khô khan, ít nói. Anh ấy ít khi thể hiện tình cảm với vợ. Có dịp 20/10, tôi gợi ý anh về việc tặng hoa, quà, nhưng chồng tôi chỉ cười, bảo đó là phù phiếm. Thay vào đó, anh đều làm việc nhà, đó là cách mà anh ấy thể hiện tình yêu thương. Dần dần, tôi cũng quen ngày lễ cũng bình thường như bao ngày khác.
Không có quà từ chồng, nhưng con trai tôi năm ngoái ra trường, đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến mẹ. Con trai chỉ tặng một bông hoa thôi mà khiến tôi xúc động suốt nhiều ngày sau đó. Phụ nữ mà, ai chẳng thích được nhận hoa, quà. Tôi cũng hy vọng, công ty quan tâm đến nữ lao công hơn trong ngày này, có những lời chúc mừng họ ngày lễ, để chúng tôi không cảm thấy tủi thân. Bên cạnh đó, sau ngày lễ 20/10, nhiều người vứt hoa bừa bãi, khiến việc dọn dẹp vất vả hơn. Tôi cũng mong, mọi người có ý thức hơn trong việc vứt hoa đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và để ngày lễ luôn là ngày vui đúng nghĩa.
Chị Nguyễn Thị Phượng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội):
Ngày 20/10 là dịp được đi làm việc tốt cho đời
Nếu nói về mong ước ngày 20/10, tôi chỉ mong khi mình còn trẻ, còn có sức khoẻ thì sẽ cố gắng để giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn mình.
Tôi tham gia công tác thiện nguyện xã hội đến nay đã được 11 năm. Năm đó, con gái đầu của tôi không may mắc u não, phải vào Bệnh viện E điều trị. Kinh tế khó khăn, con mắc bệnh hiểm nghèo rút kiệt sức lực và tâm trí của tôi. Suốt 4 tháng con nằm điều trị ở bệnh viện, tôi nhận được những suất cơm, cháo miễn phí của các tổ chức thiện nguyện. Cầm những suất cháo trên tay, không ít lần tôi đã rơi nước mắt vì xúc động xen lẫn biết ơn.

Cuối cùng, con tôi cũng rời bỏ vợ chồng tôi đến một thế giới khác không còn nỗi đau đớn. Sau khi ổn định tâm lý, tôi nung nấu ý định sẽ phát cháo miễn phí ở Bệnh viện E. May mắn là đồng hành cùng tôi còn có chồng tôi và các nhà hảo tâm. Đến nay, chúng tôi tổ chức nấu cháo và phát cháo miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện K (Thanh Trì, Hà Nội) vào thứ 7 và Bệnh viện E vào thứ 4 hàng tuần. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức các buổi từ thiện vùng cao, mang áo ấm đến trẻ em vùng cao, xây nhà tình nghĩa cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Yên Bái, phát chăn, đồ ăn cho người vô gia cư, phát đồ ăn miễn phí hỗ trợ lao động nghèo ảnh hưởng bởi Covid-19…
20/10 của gia đình tôi không có gì đặc biệt, bởi vợ chồng tôi không đặt nặng hình thức. Có năm, chồng tôi đưa vợ con đi ăn chút gì đó nhẹ nhàng bên ngoài rồi về. Nhưng tôi nhớ nhất là dịp 20/10 của năm 2018, lúc đó, đúng lịch phát cháo của nhóm thiện nguyện “Lời vàng Phật dạy” tại Bệnh viện E. Chồng tôi cùng các bạn nam tình nguyện viên đã chuẩn bị sẵn mấy chục bông hồng nhung đỏ thắm, để tặng các nữ bệnh nhân đến lấy cháo. Lúc đó, các chị, các mẹ ai cũng bất ngờ, hạnh phúc, có người còn bảo lần đầu tiên được nhận hoa vào ngày lễ; có người còn xúc động ôm lấy tôi khóc. Nhìn thấy mọi người vui vẻ, hạnh phúc, trong tôi trào dâng cảm xúc nghẹn ngào, đồng thời tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để mang những điều tốt đẹp cho mọi người.
Chị Đỗ Ngọc Ánh (25 tuổi, Phóng viên):
Hạnh phúc khi trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương
Đi làm xa nhà, mỗi dịp lễ Tết, tôi đều cố gắng về quê để quây quần bên gia đình thân yêu. Nhất là dịp 8/3 hay 20/10, tôi sẽ mua tặng mẹ món quà mẹ thích và thêm cả một bó hoa tạo bất ngờ cho mẹ. Tôi không chờ đến ngày lễ mới tặng mẹ quà mà kể cả ngày thường, khi mình có điều kiện cũng hay mua đồ tặng mẹ. Không cần phải là những thứ đắt tiền, đôi khi chỉ là chiếc khăn hay cái cặp tóc… cũng khiến mẹ rất vui rồi. Quan trọng là cách thể hiện tình cảm chân thành của mỗi người dành cho mẹ, những gì xuất phát từ trái tim sẽ ở lại lâu bền nhất. Đặc biệt hơn, dịp 20/10 này là lúc tôi mong chờ nhất vì là ngày “chính thức” để bày tỏ tình yêu thương và biết ơn mẹ. Niềm vui sẽ nhân đôi khi con gái xa nhà trở về và dành sự quan tâm đến mẹ trong ngày lễ, mẹ càng vui và hạnh phúc hơn.

Ngày 20/10 năm nào, tôi cũng trao đi yêu thương để nhận lại hạnh phúc từ người yêu thương mình. Biết tôi thích hoa, đặc biệt là hoa cúc họa mi, người yêu tôi đã “lục tung” khắp nơi để mua cho bằng được, dù loài hoa này chỉ nở rộ vào cuối tháng 11. Năm ngoái, anh ấy đã chấp nhận mua giá đắt hơn để tặng bạn gái.