Phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhiệm vai trò quản lý

Chia sẻ

Trong khi các doanh nghiệp phải đối mặt với sự thiếu hụt về kỹ năng và các thách thức về giữ chân nhân tài thì cộng đồng nhân tài nữ vẫn tiếp tục mở rộng, đang ngày càng gia tăng về số lượng.

Đây là nội dung trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần phải đạt được một tỷ lệ lãnh đạo nữ cao nhất định thì mới có thể tận dụng được các lợi ích từ sự đa dạng giới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Báo cáo nghiên cứu mang tên “Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam” nhấn mạnh rằng phụ nữ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Đa dạng giới là một chiến lược kinh doanh thông minh, giúp tăng lợi nhuận và năng suất, tăng khả năng giữ chân nhân tài và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Báo cáo nghiên cứu này của ILO đã được công bố vào ngày 17/11/2020, tại Hội thảo với chủ đề: “Bình đẳng giới tại nơi làm việc – kiến tạo giá trị vững bền”. Đây là sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Dự án Investing in Women (Australia) và ILO đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, thừa nhận rằng bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông cho biết, “ngay cả khi phụ nữ là lực lượng có nhiều đóng góp thiết yếu cho xã hội và nền kinh tế, họ vẫn chưa thực sự được đánh giá cao trong thị trường lao động và chưa được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới.”

Việt Nam đang thực hiện những thay đổi tích cực, hướng tới giảm bất bình đẳng giới về cơ hội giữa phụ nữ và nam giới trên thị trường lao động.

“Điều đáng mừng là phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong các doanh nghiệp. Cộng đồng nhân tài vẫn tiếp tục được mở rộng”, bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO, cho biết. “Trong số những phụ nữ đang tham gia thị trường lao động, 10% đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này của nam thanh niên chỉ là 5%. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) là 37% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên.”

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải đạt được một tỷ lệ lãnh đạo nữ cao nhất định thì mới có thể tận dụng được các lợi ích từ môi trường đa dạng giới. Báo cáo cho thấy sự phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý còn thấp và tỷ lệ này càng ít hơn ở các cấp quản lý cao nhất. Chúng ta thường gọi đây là hiện tượng “rò rỉ đường ống” (leaky pipeline).

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam, 63% trả lời rằng công ty có phụ nữ tham gia cấp quản lý giám sát, 73% xác nhận rằng họ có phụ nữ tham gia quản lý cấp trung nhưng chỉ có 15% trả lời rằng có phụ nữ tham gia cấp quản lý, điều hành cao nhất. “Những định kiến giới trong tư duy của các nhà quản lý có thể là rào cản đối với phụ nữ khi họ phấn đấu nắm giữ các vị trí lãnh đạo", bà Valentina Barcucci giải thích.

“Kết quả nghiên cứu cho thấy có những định kiến nhất định. 54% số người trả lời phỏng vấn đồng tình với quan điểm rằng phụ nữ với kỹ năng và trình độ tương đương với nam giới khó được đề bạt hay bổ nhiệm lên cấp quản lý cao nhất hơn so với nam giới,” bà Barcucci nhận định. “Những định kiến giới trong tư duy của các nhà quản lý có thể là rào cản đối với phụ nữ khi họ phấn đấu nắm giữ các vị trí lãnh đạo.”

Thêm vào đó, thực tế là phụ nữ trung bình dành nhiều thời gian gấp đôi so với nam giới để làm những công việc gia đình không được trả lương trong khi thời gian làm việc ngoài xã hội cũng tương đương với nam giới cũng khiến cho họ khó có thể theo đuổi được sự nghiệp của mình.

Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Dự thảo Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cũng kêu gọi thu hẹp khoảng cách giới trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của người dân.

CHI ANH

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.