Quyền mưu cầu hạnh phúc
(Ảnh: minh họa)
Năm 2014 là năm đầu tiên, Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Thế nhưng mục tiêu hạnh phúc đã được Đảng ta, Nhà nước ta đặt làm mục tiêu xuyên suốt kể từ khi thành lập Nước (năm 1945), đúng với tiêu ngữ đi kèm Quốc hiệu Việt Nam: "Độc lập -Tự do- Hạnh phúc".
Sáng ngày 2/9/1945, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh và tuyên bố với đồng bào cả nước cũng như toàn thế giới rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Như vậy, quyền mưu cầu hạnh phúc không chỉ riêng của một cá nhân nào mà là quyền chính đáng của tất cả mọi người khi được sinh ra trên đời. Và, không ai có thể xâm phạm hay tước đoạt quyền mưu cầu hạnh phúc đó. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, hạnh phúc của nhân dân là có đời sống ấm no, được bảo đảm về y tế, nhà ở, giáo dục. Từ mục tiêu cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã để ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách với những mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước. Phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon chính thức công bố lấy ngày 20/3 hàng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên vào năm 2012 và được các nước ủng hộ, tổ chức các hoạt động kỷ niệm từ năm 2013. Đến nay đã có 193 quốc gia thành viên cam kết ủng hộ và hành động để xây dựng một thế giới công bằng, phát triển mang lại niềm hạnh phúc cho toàn nhân loại. Ngày Quốc tế Hạnh phúc ra đời theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Tây Nam Á nhưng lại có chỉ số hạnh phúc quốc gia cao nhất hành tinh.
Tiêu chí Hạnh phúc theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới (là thước đo hạnh phúc) được xuất bản bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của LHQ đo đạc mức độ hạnh phúc của các quốc gia dựa trên 8 tiêu chí gồm: GDP bình quân đầu người; Số năm sống khỏe mạnh; Hỗ trợ xã hội; Tự do lựa chọn cuộc sống; Sự rộng lượng; Nhận thức về tham nhũng; Phản ứng tích cực và Phản ứng tiêu cực. Đại lượng cơ bản để đánh giá chỉ số hạnh phúc là căn cứ mức độ hài lòng đối với đời sống của người dân. Song độ hài lòng của người dân mỗi quốc gia lại được xem xét dựa trên tiêu chí đánh giá của mỗi cá nhân về cuộc sống của chính họ.
Là một thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tích cực, có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ ngày Quốc tế Hạnh phúc. Năm 2014, Việt Nam đã lấy chủ đề “Yêu thương và Chia sẻ” cho ngày Quốc tế Hạnh phúc, với thông điệp mọi người hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng, giữa những người bạn, người đồng chí, trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Trong những năm qua, với những nỗ lực của Đảng và Chính phủ, cùng với nỗ lực xây dựng cuộc sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam đã từng bước được nâng lên.
Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2018 cho thấy Việt Nam xếp thứ 95 trong bảng xếp hạng 156 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao. Năm 2019, Việt Nam giữ hạng thứ 95 và đến năm 2020 tăng 12 bậc xếp ở vị trí 83. Không chỉ có vậy, Việt Nam còn được nhiều tổ chức khác trên thế giới xếp hạng cao về chỉ số hạnh phúc. Năm 2012, Quỹ Kinh tế mới xếp Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc. Năm 2018, tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh công bố Việt Nam xếp hạng 5 trong số những quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới”, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dù có tiêu chí chung, nhưng thực tế, mỗi một cá nhân, mỗi một gia đình, mỗi nền văn hóa cảm nhận hạnh phúc theo mức độ và sự đánh giá khác nhau. Trong nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Văn đã sơ đồ hóa khái niệm hạnh phúc của người Việt theo 3 yếu tố dựa trên phương pháp khảo sát xã hội học. 3 yếu tố đó là: Sự hài lòng về đời sống kinh tế vật chất, môi trường tự nhiên; Sự hài lòng về quan hệ xã hội và sự hài lòng về đời sống cá nhân. Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam đang ở mức khá cao. Nam giới hạnh phúc hơn phụ nữ, thanh niên hạnh phúc hơn trung niên và người cao tuổi. Người có trình độ học vấn THCS và THPT hạnh phúc hơn người có bằng đại học/cao đẳng/trung cấp nghề. Người sống ở nông thôn, đồng bằng hạnh phúc hơn so với miền núi. Người nội trợ, nghỉ hưu hạnh phúc hơn người lao động (các lĩnh vực)…
Chúng ta đã có quyền mưu cầu hạnh phúc. Vậy làm thế nào để được sống hạnh phúc không chỉ phụ thuộc vào các chính sách của đất nước mà còn tùy thuộc vào sự đóng góp của mỗi cá nhân để làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn. Bởi chỉ khi cá nhân hạnh phúc thì mới có thể làm cho gia đình và xã hội hạnh phúc.
Hạ Thi