SOS: Ma túy “bọc đường” tấn công trẻ em

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mới đây, một bé trai 5 tuổi ăn bánh sôcola được hàng xóm cho và phải nhập viện do bánh có chứa chất ma tuý mới một lần nữa cảnh báo về việc giám sát các loại thực phẩm chứa ma tuý đang len lỏi trong các thực phẩm dành cho trẻ em.

SOS: Ma túy “bọc đường” tấn công trẻ em - ảnh 1
Ma túy núp bóng thực phẩm tấn công trẻ em. Ảnh minh họa 

Nhiều trẻ ngộ độc khi ăn phải bánh chứa ma túy
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận cấp cứu một trẻ 5 tuổi bị ngộ độc nặng do ăn phải bánh có chứa chất ma túy mới. Hai trẻ nhỏ khác cùng ăn bánh với cháu bé này cũng nhập viện nhưng tình trạng nhẹ hơn. ThS.BS Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu bé 5 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phụ thuộc máy thở, bóp bóng. Bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử giãn to. Các triệu chứng ngộ độc xảy ra đột ngột sau khi bé cùng 2 bạn nhỏ khác ăn một loại bánh. Theo các bác sĩ, trẻ nhiễm độc với chất ma túy có trong kẹo vừa ăn trước đó.

Đây không phải là lần đầu tiên trẻ em ăn phải thực phẩm có chứa ma túy và bị ngộ độc. Cuối tháng 5/2022, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận và điều trị 5 bệnh nhân trong độ tuổi học sinh có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Được biết, sau khi ăn viên kẹo socola 20 phút, các em xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh. Công an huyện Đông Anh đã đến tiếp nhận vụ việc và gửi mẫu sôcôla trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an thành phố Hà Nội) giám định chất ma túy trong các mẫu thu được và tìm thấy chất ADB-BUTINACA trong các viên kẹo. Đây là chất gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng với người sử dụng.

Cha mẹ cần kiểm soát các loại thực phẩm mà con sử dụng
Trong khi cơ quan chức năng siết chặt quản lý các loại thực phẩm gây hại cho trẻ, thì gia đình, cha mẹ cũng cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ con trước các thực phẩm “bẩn”. Cha mẹ cần có kiến thức, kỹ năng trở thành người tiêu dùng thông thái, chú ý kỹ những thực phẩm mà mình sử dụng, đọc kỹ thông tin, thành phần trên vỏ bao bì. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần chú ý không để trẻ ăn những loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giáo dục trẻ không nhận đồ ăn từ người lạ. Đối với trẻ vị thành niên, cần giáo dục trẻ tác hại của ma túy để trẻ có ý thức phòng tránh…
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam khuyến cáo
 

Tại Quảng Ninh, 10 học sinh trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long có triệu chứng đau đầu, tê bì chân tay sau khi ăn “kẹo lạ”. Khi được đưa đến bệnh viện kiểm tra, qua test nhanh, bác sĩ phát hiện tất cả các em đều dương tính với chất ma túy THC - cần sa. 

Tại cuộc giao ban báo chí vào đầu tháng 4/2023, Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội đã khuyến cáo: Trên thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, gây nghiện, hướng thần mới được giới trẻ ưa chuộng. Đáng báo động là ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống nhằm che giấu cơ quan chức năng. 

Tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên. Về thủ đoạn, ma túy (thuốc lắc) bị nghiền nhỏ rồi trộn với bột cà phê, hoặc pha vào nước ngọt, soda sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho khách. Đáng báo động hơn, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống. Tội phạm cũng chế biến cần sa thành… bánh với các thành phần khác như bơ, bột mỳ, socola, đường… rồi rao bán trên mạng.

Trong năm 2022, công an các quận Nam Từ Liêm và Tây Hồ (Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dưới dạng thực phẩm. Cơ quan chức năng thu giữ được nhiều hợp chất, bao gồm MDMA, Methamphetamine, Ketamin và cả Nimetazepam. Đầu tháng 2/2023, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng đã bắt giữ một đối tượng chuyên phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho các thanh niên trên địa bàn…

Cần siết chặt quản lý các loại thực phẩm gây hại cho trẻ 
Cơ quan công an cảnh báo, ma túy núp bóng dưới hai dạng trộn vào bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng; ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… Nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này, rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các loại ma túy này sẽ gây ra ảo giác, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. 
Việc “núp bóng” này, theo cơ quan công an, đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt thực phẩm chức năng chứa chất ma túy. 

SOS: Ma túy “bọc đường” tấn công trẻ em - ảnh 2
Ma túy núp bóng thực phẩm tấn công trẻ em. Ảnh minh họa 

Để ngăn chặn loại tội phạm này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tăng cường cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm... 

Bác sĩ, Đại tá Tạ Đức Ninh, nguyên Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia phòng chống ma túy (Bộ Công an), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) cho biết, theo thống kê đến năm 2021, trên thế giới ghi nhận gần 900 chất hướng thần mới. Tại Việt Nam, Nghị định 57/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm 17 chất ma túy và 3 tiền chất, nâng tổng số chất cần kiểm soát ở Việt Nam là 557 chất ma túy và 60 tiền chất. 

Việc nhận diện chất ma túy thế hệ mới không hề đơn giản. Nếu như trước đây, người sử dụng ma túy là người không có việc làm, chơi bời lêu lổng, với thân thể mệt mỏi, gầy gò, bệ rạc… thì nay, những người có học thức cao, cán bộ cơ quan Nhà nước hoặc lực lượng vũ trang hay những người làm ngành nghề đặc biệt như lái xe đường dài, tăng ni phật tử… cũng bắt đầu phát hiện có sử dụng ma túy.   

Đặc biệt thời gian gần đây, tội phạm còn trà trộn ma túy vào thức ăn, đồ uống khiến trẻ em dễ dàng tiếp cận. Với các trẻ nhỏ, hầu hết việc ăn, uống phải thực phẩm có chứa ma túy là do vô tình. Biểu hiện bệnh của nhóm này thường nặng hơn, ngộ độc xảy ra đột ngột, rầm rộ, có rối loạn ý thức từ nhẹ tới nặng như lơ mơ, hôn mê, hoặc có triệu chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp. Tình trạng hô hấp của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng, biểu hiện có thể gồm: Rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, ngừng thở, một số triệu chứng đường tiêu hóa khác đi kèm như nôn, đi ngoài, đau bụng… 

“Tội phạm trộn ma túy vào các thực phẩm nhằm che giấu thủ đoạn mua bán, sử dụng ma túy. Hơn nữa, đây là phương thức mở rộng thị trường của tội phạm ma túy, chúng lôi kéo các em học sinh từ chỗ vô tình sử dụng các đồ ăn có chứa ma túy, lâu dần sẽ thành thích và nghiện. Các loại thức phẩm chứa ma túy này có nhãn mác giống với hàng hóa thông thường bày bán ở cửa hàng tiện ích, nên rất dễ trà trộn khi cha mẹ khó phát hiện” - BS.TS Tạ Đức Ninh cho biết.

Theo BS.TS Ninh, ma túy thế hệ mới để lại rất nhiều hệ lụy. Các chất hướng thần tác động trực tiếp đến thần kinh trung ương, khiến người sử dụng bị rối loạn tâm thần, hủy hoại vĩnh viễn cấu trúc não, thay đổi chức năng não bộ. Ở góc độ tâm lý, ban đầu, người sử dụng có cảm giác hưng phấn, sau đó trầm cảm, thờ ơ với công việc; rối loạn cảm xúc, mất cảm giác với không gian và thời gian; thậm chí bị hoang tưởng, ảo giác, tâm thần phân liệt, dẫn đến không kiểm soát được bản thân, tự sát, giết người… Học sinh sinh viên sẽ bị tư duy không logic, trí nhớ suy giảm, học hành sa sút, bỏ học… - TS.Đại tá Tạ Đức Ninh nói. 

Bên cạnh khuyến nghị đưa thêm một số chất hướng thần vào danh mục các chất ma túy cần phải quản lý chặt chẽ, ông Ninh cho rằng, cha mẹ cần cảnh giác với việc sử dụng các “chất lạ” “thực phẩm lạ” của con. Theo đó, cha mẹ cần có kiến thức tự nâng cao nhận thức, hiểu biết về ma túy thế hệ mới, các thủ đoạn hành vi của tội phạm ma túy, để ý theo dõi các hành vi, cử chỉ, thái độ, mối quan hệ của con, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ hạn chế cho con ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc… Khi phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện cần tỏ rõ thái độ và đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Hầu hết trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý của con em mình để trẻ không sử dụng và tái sử dụng chất gây nghiện…

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, Luật Trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi tiếp xúc, dụ dỗ, lôi kéo hay mua bán, cung cấp những sản phẩm gây hại cho trẻ em, đặc biệt là các chất kích thích, chất gây nghiện. Do đó, bất kỳ sản phẩm nào được đánh giá là gây hại cho trẻ thì cần bổ sung kịp thời vào các sản phẩm cấm cho trẻ em và người chưa thành niên sử dụng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.