Câu lạc bộ Dáng xưa:

Vòng tay kết nối của những người phụ nữ từng tham gia kháng chiến, bị tù đày trong các nhà tù đế quốc

THU HOÀN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Câu lạc bộ Dáng Xưa ra đời vào ngày 17/9/2004. Ý tưởng thành lập câu lạc bộ khởi nguồn từ nỗi nhớ và ước nguyện của những người bạn, đồng đội của bà Lê Mỹ Lệ (Năm Trang), người mà trong kháng chiến đã trải qua nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ba lần vượt ngục và sau này nguyên là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn CoopMart

Khởi nguồn từ nỗi nhớ bà Năm Trang trong ngày giỗ đầu đã thôi thúc những người bạn thân thiết quyết định thành lập một nhóm để gắn kết, chia sẻ yêu thương và thực hiện những ý nguyện mà bà Năm Trang từng ấp ủ.

Về tên gọi của câu lạc bộ, bà Tư Mến cho biết: "Lúc đầu chị Chín Trung nghĩ ra cái tên “Hương Xưa”, tôi buột miệng nói tiếp “Dáng Xưa” và được mọi người người đồng lòng đón nhận bởi cái tên hay hay đầy nữ tính nhắc lại thời con gái xa xưa, về những năm tháng, kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ".

Hành trình gắn kết và chia sẻ

Với 11 thành viên ban đầu, đến nay Câu lạc bộ Dáng Xưa đã có 44 thành viên. Điểm chung của các thành viên trong câu lạc bộ đều từng tham gia kháng chiến và từng bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc nên vẫn gọi đùa với nhau bằng cái tên dí dỏm: Câu lạc bộ “Tà ru” (tù ra). Phần lớn các thành viên đều đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn nhiệt tình hăng hái tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.

Điều hành câu lạc bộ là bà Lê Thị Sáu (Tư Sương), Nguyễn Thị Quế Lan (Ba Đào), Trần Thị Huệ (Tám Hoa). Câu lạc bộ không gây quỹ, mọi chi phí hoạt động đều được đóng góp một cách tự nguyện bởi các thành viên trong mỗi lần họp mặt. Mỗi quý, câu lạc bộ họp mặt một lần, kết hợp tổ chức sinh nhật cho các thành viên có ngày sinh trong quý đó. Mọi hoạt động đều được tổ chức một cách giản dị, tiết kiệm nhưng rất thân tình, ý nghĩa. Địa điểm họp mặt của câu lạc bộ cũng rất đa dạng và linh hoạt.

Phần lớn các buổi họp mặt được tổ chức tại nhà của các chị có không gian rộng rãi, ấm cúng. Đôi khi, câu lạc bộ cũng tổ chức họp mặt tại nhà hàng hoặc các khu du lịch để thay đổi không khí và tạo thêm sự mới mẻ.

Chia sẻ về lý do để câu lạc bộ duy trì hoạt động được hơn 20 năm qua, bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) cho rằng: Sự tồn tại và phát triển bền bỉ của câu lạc bộ chính là ở sự chân thành, tinh thần tự nguyện của các thành viên và tình yêu thương nhau như ruột thịt trong một gia đình.

 Vòng tay kết nối của những người phụ nữ từng tham gia kháng chiến, bị tù đày trong các nhà tù đế quốc - ảnh 1
 
Các thành viên câu lạc bộ Dáng Xưa trong một cuộc họp mặt ngày 10/12/2022.

Tinh thần lạc quan và nghị lực vượt khó, giữ vững đạo đức cách mạng

Điều đáng quý ở các thành viên của câu lạc bộ Dáng Xưa chính là tinh thần lạc quan và nghị lực vượt khó. Nhiều người từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, bị tù đày, tra tấn, chịu nhiều nỗi đau, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Có người bệnh nặng vì bị nhiễm chất độc hóa học tưởng chừng không vượt qua được. Có người phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau chiến tranh.

Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực, bản lĩnh đã được trui rèn trong chiến đấu, họ đã kiên cường nỗ lực vượt qua mọi gian khó, sống lạc quan và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.

Bà Trần Thị Huệ, thành viên câu lạc bộ chia sẻ về các đồng đội của mình: Chị Tư Sương dù tuổi đã cao, ngoài tham gia điều hành câu lạc bộ còn đảm đương quản lý và trực tiếp làm hướng dẫn viên di tích mộ cụ Phan Châu Trinh. Chị Tư Vinh mang trong mình nỗi đau thương, mất mát to lớn khi chồng chị-liệt sĩ Lê Quang Lộc đã hy sinh trên đường về giải phóng Sài Gòn nhưng chị đã kiên cường vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống, làm việc, nuôi dạy hai con trưởng thành…

Ở một khía cạnh khác, bà Huỳnh Quan Thư cho rằng: Điều khiến bà càng thêm quý mến, tự hào về các đồng đội của mình đó là sau khi đất nước thống nhất, nhiều chị em được giao giữ vị trí lãnh đạo nhưng luôn giữ vững đạo đức cách mạng, không tham ô, tham nhũng, sống trong sạch, liêm khiết ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.

Nơi hội tụ của tài năng và những tấm lòng nhân ái

Các thành viên Câu lạc bộ Dáng Xưa  sở hữu nhiều tài năng đặc biệt. Các chị có thể ca hát, đóng kịch, làm thơ… Trong các buổi họp mặt, các chị thường trổ tài ca hát, diễn những vở kịch vui nhộn, đọc những bài thơ do chính mình sáng tác...  Một số người còn rất giỏi nấu ăn, thường tự tay chuẩn bị những món ăn ngon, độc đáo để đãi người thân, bạn bè.

 Vòng tay kết nối của những người phụ nữ từng tham gia kháng chiến, bị tù đày trong các nhà tù đế quốc - ảnh 2
Các thành viên Câu lạc bộ Dáng Xưa được nhận quà sinh nhật trong buổi sinh hoạt được tổ chức vào tháng 9/2024.

Câu lạc bộ Dáng Xưa không chỉ là nơi để vui chơi, giải trí mà còn là nơi để các thành viên thể hiện tấm lòng nhân ái và đóng góp cho cộng đồng.

Bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) cho hay: Nhiều chị em trong câu lạc bộ tận tụy hi sinh, yêu thương chăm sóc bạn đời, hay bạn bè bị bệnh nặng lâu dài là nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc, tiếp thêm động lực cho người thân, đồng đội chiến đấu và chiến thắng những cơn bạo bệnh như Xuân Hồng, Thu Hồng, Tư Sương, Trần Lan, Trần Huệ, Ba Thảo, Tư Tín, Tư Mến, Cúc (Hai Ngọc), Cúc (Hậu Giang)…

Một số chị em khác vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa, quy tập hài cốt đồng đội, tham gia  đóng góp vào các quỹ học bổng khuyến học, hỗ trợ sinh viên nghèo… Các  chị Chín Trung, Hậu Giang, Tư Sương, Tư Vinh…đã có nhiều lần về thăm, tri ân những căn cứ cách mạng năm xưa.

Hành trình khám phá những vùng đất mới

Một trong những hoạt động nổi bật và được yêu thích nhất của Câu lạc bộ Dáng Xưa chính là các chuyến “về nguồn”, đi du lịch trong và ngoài nước khám phá những vùng đất mới. Hễ còn sức khỏe là các chị lại cùng nhau lên đường. Không chỉ  khám phá vẻ đẹp của đất nước, thông qua những chuyến hành trình, câu lạc bộ Dáng Xưa còn hướng đến những hoạt động ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, trong đó có chuyến thăm Côn Đảo tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Với bà Tư Sương, chuyến đi Nga và trải nghiệm du thuyền trên sông Volga để lại những ấn tượng sâu sắc khi chị em trong câu lạc bộ tự tay quàng chiếc khăn rằn truyền thống cho thuyền trưởng và các thuyền viên.

Câu lạc bộ Dáng Xưa không chỉ mang đến niềm vui trong cuộc sống tuổi xế chiều của những người phụ nữ mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Những người phụ nữ trong Câu lạc bộ Dáng Xưa-những “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng, nhiệt huyết, quả cảm của Thành đoàn năm xưa đã trải qua bom đạn của chiến tranh và bao thăng trầm của cuộc sống càng trở nên đằm thắm, từng trải và sâu sắc.

Đặc biệt, dẫu đã ở tuổi tóc bạc, da mồi nhưng họ vẫn giữ được vẻ đẹp thanh xuân của trái tim. Họ là những tấm gương sáng về sự đảm đang, nhân hậu, kiên cường, bản lĩnh của những người phụ nữ Việt Nam. Họ là minh chứng cho thấy tuổi tác không phải là rào cản để chúng ta tận hưởng cuộc sống và trao đi yêu thương.

Ở bất kỳ độ tuổi nào, chúng ta cũng có thể sống một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc, miễn là chúng ta có những người bạn chân thành, có một trái tim ấm áp, nghĩa tình, có tinh thần lạc quan và thái độ sống tích cực, trân quý từng giây phút, khoảnh khắc của cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
Từ người mẫu gây tranh cãi đến biểu tượng hoàng gia

Từ người mẫu gây tranh cãi đến biểu tượng hoàng gia

(PNTĐ) - Công nương Sofia, Nữ Công tước xứ Värmland, là vợ của Hoàng tử Carl Philip – con trai thứ hai của Quốc vương Carl XVI Gustaf của Thụy Điển. Không xuất thân từ tầng lớp quý tộc hay danh gia vọng tộc, Sofia từng gây tranh cãi dữ dội vì quá khứ làm người mẫu với những hình ảnh gợi cảm. Tuy nhiên, điều khiến người ta nể phục là cách cô vượt qua định kiến, chứng minh rằng xuất thân không thể định đoạt tương lai.