5 “bông hồng thép” của ngành AI thế giới

Chia sẻ

Trí thông minh nhân tạo (AI) là một ngành khoa học mới và phát triển như vũ bão trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Năm “bông hồng” dưới đây không những thành công trong lĩnh vực mới đầy tiềm năng mà đầy thách thức , họ còn đóng vai trò truyền cảm hứng và bảo vệ nữ quyền trong ngành công nghiệp AI toàn cầu.

Mia Shah Dand, mẹ đẻ của “Sáng kiến Đạo đức Phụ nữ”.Mia Shah Dand, mẹ đẻ của “Sáng kiến Đạo đức Phụ nữ”.

Mẹ đẻ của “Sáng kiến ​​Đạo đức Phụ nữ”

Từ một người phụ nữ nhập cư nghèo gốc Ấn Độ, Mia Shah-Dand đã trở thành giám đốc điều hành của Lighthouse3 – công ty lớn chuyên về lĩnh vực AI có trụ sở tại Oakland, California (Mỹ). Mia kể, ngày còn nhỏ, nhà nghèo tới mức việc sở hữu một bộ máy vi tính cũ hoàn toàn là một điều ước xa xỉ. Bố mẹ không thể chi trả các khoản phí khi cô vào đại học và Mia có nguy cơ phải đối diện với nạn tảo hôn vốn là vấn đề nhức nhối ở quốc gia Nam Á này. Cuối cùng, bằng những nỗ lực của bản thân, Mia dành được học bổng sang Mỹ. Những cố gắng không ngừng nghỉ đã giúp cô hoàn thành khoá học và được làm việc tại nhiều công ty công nghệ lớn ở Mỹ.

Bước chân vào “thung lũng Silicon”, Mia mới thực sự cảm nhận được sự khắc nghiệt của ngành công nghệ và sự phân biệt đối xử với nữ giới trong ngành này. Bước ngoặt đến với cô khi chứng kiến một người đồng nghiệp của mình mất con do phải làm việc quá căng thẳng và gần như không có thời gian nghỉ ngơi, các công ty công nghệ cũng không có những chính sách riêng biệt nhằm hỗ trợ phụ nữ mang thai.

Trăn trở với điều này, Mia đã thành lập Lighthouse3, không chỉ tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công ty của cô còn tư vấn chính sách đổi mới cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nói chung và AI nói riêng. Một trong những thành công lớn nhất phải kể đến của nữ giám đốc này là tập hợp thành công hàng trăm tổ chức cũng như các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để xây dựng nên các chương trình điều phối lấy con người làm trung tâm. Mia đồng thời là người sáng lập “Sáng kiến ​​Đạo đức Phụ nữ” trong ngành AI. Sáng kiến này công nhận, tuyển dụng và trao quyền cho những phụ nữ tài năng đã và sẽ làm việc trong lĩnh vực này. Cô cũng cho xuất bản cuốn sách viết về 100 phụ nữ xuất sắc trong ngành AI năm 2018, cuốn sách này được bổ sung và tái bản hàng năm. Đây được coi là cơ sở giúp các nhà tuyển dụng tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực công nghệ. 

Chuyên gia AI Timnit Gebru.Chuyên gia AI Timnit Gebru.

Black in AI và cuộc chiến chống lại Google

Từng là một nhân viên AI kỳ cựu của Google, Timnit Gebru bị công ty sa thải với lý do dám bày tỏ lo ngại về vấn đề đa dạng giới, đặc biệt là quyền lợi đối với người da màu và những người yếu thế khi công nghệ AI phát triển.

Dẫn đầu một nhóm gồm 12 nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực đạo đức AI, Timnit Gebru đã gửi cho cấp trên một bài viết với nội dung cảnh báo công nghệ AI có thể làm trầm trọng thêm các thành kiến về giới tính và chủng tộc, kèm theo những bằng chứng nghiên cứu xác đáng của mình. Tuy nhiên, phía Google đã không làm đúng quy trình mà sa thải cô trước khi có phản hồi về sự việc.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ da màu trong ngành, cô đã sáng lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Black in AI” - cộng đồng các nhà nghiên cứu da màu làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. “Black in AI” hoạt động với mục đích tăng cường tính đa dạng giới trong lĩnh vực này và giảm thiểu tác động tiêu cực của những thành kiến ​​chủng tộc. Hàng trăm nhân viên của Google đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Gebru và tin tưởng rằng, bằng chứng khoa học của cô đã vạch trần sự thiên vị trong các hệ thống phân tích khuôn mặt của Google, cũng như một số AI có khả năng bắt chước ngôn ngữ có thể sử dụng những ngôn từ làm tổn thương đến các nhóm dân cư yếu thế trong xã hội.

Họ đồng thời yêu cầu công ty phải giữ đúng cam kết của mình đối với tự do học thuật và tôn trọng quyền lợi của những nhân viên da màu hay nhập cư. Sherrilyn Ifill, chủ tịch của Quỹ giáo dục và phòng vệ hợp pháp trực thuộc Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của Người da màu đã viết trên Twitter rằng, vụ sa thải Gebru đã gây "phẫn nộ lớn" và là "một thảm họa". Nhà khoa học đã lên tiếng mạnh mẽ về việc công ty sa thải mình: "Không điều gì tồi tệ bằng một nhóm người da trắng có đặc quyền bóp chết nghiên cứu do những người bị thiệt thòi muốn đóng góp cho các cộng đồng bị thiệt thòi của họ bằng cách ra lệnh cho họ dừng lại mà không hề bàn bạc trước. Đây là hành động thiếu tôn trọng một cách quá đáng".

Nhà khoa học Amy Daali (trái).Nhà khoa học Amy Daali (trái).

Bác sĩ trí tuệ nhân tạo của nữ giới

Tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện, Amy Daali đã trải qua nhiều vị trí nghiên cứu và kỹ thuật trước khi chuyển sang vai trò là nhà khoa học dữ liệu tại Hiệp hội dịch vụ ôtô Mỹ (USAA) năm 2017. Cô trở thành người sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức “Phụ nữ trong Học máy và Khoa học Dữ liệu” ở San Antonio, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Y học và Sinh học Kỹ thuật.

Mặc dù là một nhà khoa học làm việc trong ngành công nghệ kỹ thuật nhưng Amy Daali luôn bị ám ảnh với suy nghĩ biến công nghệ trở thành “bác sĩ” chăm sóc sức khoẻ cho con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Cô hiện đang điều hành Lucea AI – công ty công nghệ khởi nghiệp đang phát triển một giải pháp mới để phát hiện ung thư vú giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, Amy Daali còn dẫn dắt nhiều dự án sáng tạo trong các lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe và Giao thông vận tải.

Bằng những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong quá trình làm việc tại các chuyên ngành phân tích dự đoán toán ứng dụng, máy học và kỹ thuật, Amy luôn nỗ lực nhằm giúp cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên nhân văn hơn. Cô hướng tới mục tiêu trao quyền cho các tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm đưa ra các quyết định thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua AI. Nhà khoa học tin tưởng nếu có thể phát triển AI để chữa bệnh cho con người thì việc tiếp cận y tế đối với những vùng khó khăn hẻo lánh sẽ dễ dàng hơn cũng như việc sử dụng AI trong chẩn đoán, điều trị bệnh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn, sai sót dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Nhà khoa học mong ước mọi phụ nữ trên thế giới đều được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, cho dù ở những nơi còn gặp nhiều khó khăn về y tế hay thiếu bác sĩ. Cô cho rằng “bác sĩ AI” chính là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Rana el Kaliouby - người phụ nữ dậy AI cách yêu thương.Rana el Kaliouby - người phụ nữ dậy AI cách yêu thương.

Người dậy AI biết yêu thương

Trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, khi AI đạt tới trình độ có thể tự nhận thức cao, nó sẽ trở nên độc ác và huỷ diệt loài người. Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Affectiva - công ty xây dựng trí thông minh nhân tạo có thể hiểu được cảm xúc, nhận thức và hoạt động của con người, Rana el Kaliouby không nghĩ như vậy.

Cô tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu giúp trí tuệ nhân tạo có được cảm xúc thông qua thị giác nhân tạo, xử lý lời nói và nạp vào bộ nhớ của chúng một lượng lớn dữ liệu về khuôn mặt. Từ đây, máy tính sẽ hiểu được lời nói của người đối diện và trả lại những cảm xúc tương ứng một cách thông minh và thật như con người. Nhà khoa học chia sẻ về ước mơ của mình rằng Trái đất sẽ là nơi mà con người và robot cùng nhau làm việc hòa thuận, chứ không phải là hai thế lực đối đầu nhau. “Nói ra thì có vẻ xa vời, nhưng tôi luôn nhìn thấy hình ảnh AI hợp tác vui vẻ với con người, chúng hiểu chúng ta nên việc cùng phối hợp sẽ trở nên thật ăn ý, từ đó giúp nâng cao năng suất công việc và cải thiện chất lượng sống tốt hơn”, cô nói.

Rana đã dành trọn sự nghiệp của mình cho các công trình phát triển cảm xúc của trí tuệ nhân tạo. Cô được thế giới công nhận là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển cảm xúc cho AI. Công ty Affectiva trực thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), có nhiệm vụ phát triển các hệ thống máy học có khả năng hiểu được cảm xúc của con người. Những công nghệ do Rana cùng đồng nghiệp phát triển đã được sử dụng rộng rãi trong trong phân tích thái độ của mọi người khi tiếp xúc với các sản phẩm truyền thông, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng và hành vi con người khi lái xe. Rana khẳng định mơ ước lớn lao của đời mình khi chia sẻ với Forbes: “Cuộc đời tôi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là dậy AI biết cách yêu thương trước khi nó “tẩy” nhân tính của chúng ta”.

Joy Buolamwini – nhà khoa học đấu tranh chống định kiến giới trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt.Joy Buolamwini – nhà khoa học đấu tranh chống định kiến giới trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Trí tuệ nhân tạo và định kiến giới

Đó là trăn trở của nhà khoa học Joy Buolamwini, nhà sáng lập Algorithmic Justice League - tổ chức nghiên cứu về những tác hại và ý nghĩa xã hội của trí tuệ nhân tạo. Cô được ví như một “nhà thơ về mật mã”. Nhà khoa học sử dụng nghệ thuật kết hợp nghiên cứu nhằm giải thích những tác động xã hội của trí thông minh nhân tạo.

Là một trong những người phụ nữ đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về sự thiếu công bằng trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt kể từ khi còn là sinh viên tại Học viện MIT (Mỹ), những nghiên cứu của Buolamwini đã tiết lộ sự thiên vị về chủng tộc và giới tính trong các công cụ phân tích khuôn mặt, đặc biệt là với phụ nữ da sẫm màu được bán bởi các “ông lớn” trong làng công nghệ như Amazon, Microsoft, IBM khiến các công ty này phải đình chỉ việc mua bán.

Bằng những lập luận đanh thép của mình, Buolamwini khẳng định sự thiên vị này có thể củng cố định kiến “trọng nam khinh nữ” trong xã hội, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và người dân tộc thiểu số, thậm chí là loại họ ra khỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của thế giới. Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, Buolamwini đã trở thành người phụ nữ đi đầu trong lĩnh vực xác định và giải quyết các vấn đề hậu quả của trí tuệ nhân tạo đối với xã hội mà nhức nhối nhất là định kiến chủng tộc và giới tính được tích hợp trong hệ thống nhận dạng khuôn mặt.

Năm 2016, bà thành lập Liên minh Công lý Thuật toán, cam kết giáo dục các cộng đồng kém may mắn trong việc sử dụng công nghệ và chống lại sự thiên vị về sắc tộc và giới tính. Joy Buolamwini là một hình mẫu nổi bật trong việc chống lại những định kiến chủng tộc và giới trong ngành AI, cô không mong muốn trí tuệ nhân tạo chỉ là một sản phẩm của sự bất công, mà nó phải được xem như là một người cộng sự đích thực của con người.

Những "bông hồng thép" bằng tài năng và tình yêu thương con người của mình đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, họ còn góp sức cho một xã hội thông minh công bằng hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ, những người yếu thế, các dân tộc da màu và thiểu số.

PHÚ ĐỖ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.