Báo động tỷ lệ trẻ béo phì trong đại dịch
Covid-19 gây nhiều hệ luỵ đối với trẻ em, không chỉ là những nguy cơ về nhiễm bệnh, những tác động tới khả năng tiếp cận giáo dục. Nghiên cứu mới đây chỉ ra một tác động nữa của dịch bệnh tới trẻ em đó là tình trạng béo phì.
Tỉ lệ trẻ em béo phì gia tăng nhanh chóng
Mạng lưới Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ (JAMA) mới đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ em tăng cân cao hơn rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Nhóm tuổi chịu tác động lớn nhấy là trẻ từ 5 đến 11 tuổi với chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 1,57 và tỷ lệ béo phì tăng từ 36,2% lên 45,7%.
Các chuyên gia về dinh dưỡng và sức khoẻ lo ngại trẻ ở nhà quá lâu cùng với việc học trực tuyến sẽ khiến chúng ngày càng phụ thuộc hơn vào các thiết bị công nghệ điện tử, trở nên lười vận động. Từ đó làm gia tăng tình trạng béo phì. Một nguyên nhân khác là chế độ ăn trong gia đình và nhà trường khác nhau, khi ở nhà, trẻ có xu hướng tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt, đồ chiên dầu mỡ hơn. Thậm chí, các bác sĩ chuyên khoa nhi còn cho rằng trẻ sẽ khó có thể giảm cân trong tương lai.
Trước đó hồi tháng 5, một nghiên cứu khác được các nhà khoa học thực hiện với trên 300.000 trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 17 cũng cho chỉ số kết quả BMI tương tự. Dựa vào đó có thể kết luận rằng, tỷ lệ trẻ giữ được mức cân trung bình là rất thấp trong khi số trẻ tăng cân từ vừa đến vượt mức lại chiếm số đông. Trong đó, 10,4% trẻ tăng cân ở mức “đáng báo động” thuộc nhóm đến từ châu Á và đảo Thái Bình Dương, 50,4% trẻ gốc Tây Ban Nha, 7% da màu không phải gốc Tây Ban Nha và 25,3% người da trắng. Brian Jessen, bác sĩ nhi khoa - tác giả chính của nghiên cứu nhận định: “Tình trạng trẻ béo phì sẽ còn tồi tệ hơn trong đại dịch do các yêu cầu ở nhà và trẻ không thể tới trường”.
Tỷ lệ béo phì trong độ tuổi từ 5 đến 11 đã tăng mức báo động. (Ảnh: minh hoạ)
Béo phì và các nguy cơ về sức khoẻ
Giới chuyên gia y học Mỹ nhận định, thế hệ trẻ của nước này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe kém hơn khi trưởng thành sau bùng nổ đại dịch. Nghiên cứu được công bố ngày 18/9, tại Mỹ chỉ ra hàng loạt trẻ em trước đây vốn có cân nặng bình thường, hoặc chỉ thừa cân nhẹ thì nay đã có trọng lượng cơ thể tăng gần gấp đôi. Đáng chú ý là hầu hết trẻ đều ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học.
Các bác sĩ sau hơn một năm phải “vật lộn” với sự bùng phát đại dịch toàn cầu, giờ đây lại tiếp tục phải nỗ lực giải quyết với một căn bệnh nguy hiểm khác đó là “đại dịch” béo phì.
Từ Bệnh viện Northwell Health-Huntington, tiến sĩ David Buchin cảnh báo: “Số trẻ vị thành niên mắc chứng bệnh béo phì thậm chí còn cao hơn con số được thống kê. Béo phì không được kiểm soát từ thuở nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành như bệnh tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, cholesterol cao, ngưng thở khi ngủ và bệnh tim. Đồng thời cũng có nguy cơ cao mắc Covid-19”. Tiến sĩ David Buchin cũng cho biết, năm 2021 là một trong những năm “bận rộn nhất” của các bác sĩ nhi khi phải thực hiện hàng ngàn ca điều trị bệnh về đường tiêu hoá cho trẻ em.
Bác sĩ phẫu thuật nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld tại NYU Langone, tiến sĩ Jun Tashiro, cũng đặc biệt quan tâm đến cân nặng và sức khỏe ở trẻ vị thành niên. “Đại dịch này đã thực sự khiến cho nhiều trẻ em trở nên “nặng nề hơn” và khó đạt được mục tiêu giảm cân. Tôi thậm chí còn thấy được điều đó ngay ở chính những đứa con của mình”, ông nói.
Cơ sở dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thu thập từ hồ sơ y tế của hơn 430.000 trẻ em trên khắp nước Mỹ từ 2 đến 19 tuổi cho thấy, tỷ lệ trẻ béo phì cao hơn tới 5,3 lần trong đại dịch. Trung bình, những đứa trẻ này tăng từ 2,8-3,5kg, so với khoảng 1kg cần thiết để một đứa trẻ có cân nặng khỏe mạnh trong thời gian hơn một năm.
Nhằm hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đưa ra một số lời khuyên về dinh dưỡng lành mạnh trong mùa dịch như đảm bảo thật nhiều hoa quả và rau trong chế độ ăn của trẻ, cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, ngũ cốc, các loại hạt và thịt khác nhau.
Trẻ em thường hay ăn đồ ăn vặt vào một thời điểm nào đó trong ngày, do đó, không nên cho trẻ ăn đồ ngọt hay có muối mà các bậc cha mẹ có thể cho trẻ ăn những đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe như các loạt hạt, pho-mát, sữa chua (tốt nhất là loại không đường), hoa quả hoặc hoa quả sấy khô. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn bởi chúng chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối, đồng thời, uống nhiều nước lọc thay vì chỉ uống nước ngọt.
ĐỖ HỮU