"Biến thể kép" của virus SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân gây thảm hoạ ở Ấn Độ

Chia sẻ

Chủng virus này vừa có đặc tính lây lan nhanh của chủng biến thể Anh, vừa có đặc tính hạn chế vai trò vaccine của chủng biến thể Nam Phi, nên được coi là chủng "biến thể kép".

Đại dịch lần này ập tới Ấn Độ khoảng từ giữa tháng 3 với sự gia tăng đột biến các ca nhiễm và phải nhập viện điều trị. Trong đó, bang Maharashtra ở miền Trung Ấn Độ ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất các ca nhiễm mới, con số tử vong tăng hơn 200%. Đây chính là bang mà loại biến thể kép B1.617 lần đầu tiên được phát hiện vào khoảng tháng 10/2020.

Bác sĩ Jitendra Oswal, Phó Giám đốc bệnh viện Bharati, bang Maharashtra, cho biết: "Đột nhiên chúng tôi phải tiếp nhận sự gia tăng đột biến các ca nhiễm có triệu chứng nặng. Trong đó, có nhiều người trẻ. 25% số bệnh nhân cần điều trị tích cực tại bệnh viện chúng tôi là nhóm người từ 30-50 tuổi. Ngoài ra, số lượng trẻ em bị lây nhiễm cũng tăng đáng kể. Khoảng 60.000-70.000 trẻ em đã bị nhiễm COVID trong đợt dịch lần này chỉ riêng tại bang Maharashtra, trong đó 50% là ở độ tuổi thiếu niên".

(Ảnh: minh hoạ)

Theo ông Rakesh Mishra, Giám đốc Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ- một trong những nhà khoa học hiện đang phân tích biến thể B1.617- biến thể này "có mức độ lan truyền cao hơn so với các biến thể khác. Dần dần nó sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ thay thế các biến thể khác''.

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết liệu làn sóng đại dịch hiện tại của Ấn Độ có liên quan đến biến thể này hay không và còn quá sớm để có thể kết luận, biến thể kép B1.617 là nguyên nhân khiến đợt dịch tại Ấn Độ hoành hành đến như vậy. Đặc biệt, nếu biến thể có sức lây lan mạnh mẽ, vì sao nó được phát hiện từ tháng 10/2020 nhưng đến giữa tháng 3/2021 mới bùng phát?

Việc phát hiện các biến thể mang đột biến kép từ 6 tháng trước khi đợt dịch lần này bùng phát tại Ấn Độ khiến giới y tế cho rằng, ngay cả khi có mối liên hệ giữa loại đột biến này và sự gia tăng số ca nhiễm, cũng không thể phủ nhận một thực tế chính tâm lý thờ ơ của nhiều người với đại dịch phải chịu trách nhiệm cho làn sóng dịch đang hoành hành hiện nay.

Cùng với các biến thể khác được phát hiện ở Brazil, Nam Phi, Vương quốc Anh, biến thể B1.617 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "biến thể cần quan tâm" và đang trong quá trình theo dõi. Theo dữ liệu toàn cầu GISAID, tính đến tháng 4, biến thể này cũng đã được phát hiện ở 18 quốc gia khác.

Giới chuyên gia tin rằng thảm kịch "sóng thần" COVID-19 ở Ấn Độ hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu vẫn là sự chủ quan, lơ là khi tổ chức hàng hoạt sự kiện tập trung đông người như các cuộc vận động bầu cử, tổ chức các trận đấu cricket, tổ chức sự kiện Kumbh Mela - một trong những cuộc tụ họp lớn nhất trên thế giới, thu hút hàng triệu người hành hương đến sông Hằng trong vài tuần.

NAM HÀ

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.