Cảnh giác bẫy “việc nhẹ, lương cao” khi xuất khẩu lao động sang châu Phi

THANH HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trước các vụ việc người dân bị lừa bán ra nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động gây bức xúc dư luận thời gian gần đây, Bộ Ngoại giao vừa đưa ra cảnh báo về các "điểm nóng", cùng những đường dây đưa lao động trái phép sang một số nước khu vực châu Phi.

Cảnh giác bẫy “việc nhẹ, lương cao” khi xuất khẩu lao động sang châu Phi - ảnh 1
Lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định
Ảnh: CAND

Sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Đại sứ quán Việt Nam tại Angola mới đây nhận được hàng loạt lời cầu cứu từ các công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại một số quốc gia thuộc khu vực châu Phi. Theo đó, những công dân này đều có hoàn cảnh khó khăn và hiện đang mắc kẹt do nhẹ dạ nghe theo lời dụ dỗ của những người "môi giới lao động" (trong đó có cả người Việt Nam và người nước ngoài) lôi kéo sang các nước Cộng hoà dân chủ Congo và Zambia.

Các lao động này được môi giới đưa sang làm công nhân xây dựng, lái xe với mức lương từ 1.500-3.000 USD/tháng. Mỗi lao động cần tạm ứng khoảng 1.000 USD chi phí để có thể xuất cảnh. Đặc biệt, họ còn được hứa hẹn có thể quay về nước bất cứ lúc nào, chỉ cần trả tiền vé máy bay nếu không làm được việc hoặc có nhu cầu quay về Việt Nam.

Riêng với lao động nữ còn được môi giới giới thiệu các công việc theo quảng cáo là có điều kiện ăn ở tiện nghi và nhận mức lương có thể lên tới 90 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên "công việc lương cao" mà những lao động nữ này phải làm là ở các cơ sở karaoke trá hình hoặc sòng bài. Họ thường bị chủ sử dụng lao động thu giữ hộ chiếu và chịu nhiều hành vi chèn ép, cưỡng bức lao động.

Các nạn nhân nếu muốn quay trở về Việt Nam sẽ bị gây khó dễ bằng nhiều hình thức như phải nộp tiền đền bù nếu không sẽ bị chủ sử dụng lao động báo cảnh sát sở tại bắt giữ do cư trú trái phép hoặc bị giam giữ. Bên cạnh đó, nếu có ý định bỏ trốn, họ có thể bị đánh đập, nhiều người không biết ngoại ngữ khiến việc liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để bảo vệ bản thân trở nên khó khăn.

Công dân Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thông tin khi xuất khẩu lao động
Trước tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã đưa ra khuyến cáo người lao động Việt Nam tại Angola và trong nước cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi đưa ra quyết định đi lao động tại các nước châu Phi này. Về phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin, Bộ Ngoại giao đã có sự trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Congo và được biết trong thời gian gần đây, Đại sứ quán đã tiếp nhận nhiều đơn đề nghị giúp đỡ, đưa về nước từ công dân Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Congo do có những vướng mắc với chủ sử dụng lao động trong vấn đề bố trí việc làm, sinh hoạt, nợ lương, giảm lương.

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của Cộng hòa Dân chủ Congo để cung cấp thông tin, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của nước sở tại thực hiện những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo sự an toàn cũng như đời sống sinh hoạt cho người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại sứ quán còn kết nối với cộng đồng người Việt sở tại để tuyên truyền, kêu gọi sự giúp đỡ, tạo điều kiện về nơi lưu trú tạm thời cho công dân trong thời gian chờ giải quyết các vướng mắc. Đến thời điểm hiện tại, tình hình đã ổn định và được cải thiện.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, trước tính chất phức tạp của vụ việc, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để cùng làm việc với các chủ sở hữu lao động xử lý những vấn đề phát sinh. Đồng thời, khuyến cáo người lao động cần phải chủ động tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định nhận hợp đồng lao động tại Cộng hòa Dân chủ Congo. 

"Một lần nữa chúng tôi khuyến cáo công dân Việt Nam, người lao động cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài tránh để bị rơi vào bẫy lừa đảo hoặc môi giới lao động bất hợp pháp" - bà Hằng cho hay. 

Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam để kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi có vấn đề phát sinh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.