Chính phủ Hàn Quốc cam kết ổn định thị trường

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những diễn biến căng thẳng tại Hàn Quốc đêm 3/12 là giọt nước tràn ly, cho thấy mâu thuẫn giữa chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Tối 3/12, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp, nhiều người Hàn Quốc đã lo sợ một thời kỳ đen tối sẽ một lần nữa bao trùm xứ sở kim chi.

Tuy nhiên, chỉ 6 tiếng sau đó, đích thân ông Yoon đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật theo yêu cầu của Quốc hội mà Đảng Dân chủ đối lập đang kiểm soát quá bán số ghế. Trong số những người ngả về phe đối lập, có cả các nghị sĩ thuộc Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon.

Chính phủ Hàn Quốc cam kết ổn định thị trường - ảnh 1
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol phát biểu ngày 3/12. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu tối 3/12 khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã "kể tội" phe đối lập tại Quốc hội Hàn Quốc. Đó là việc họ theo đuổi luận tội hàng chục quan chức trong chính quyền đương nhiệm, là việc họ thiết lập "chế độ độc tài lập pháp" khi ngăn chặn và cắt giảm đề xuất ngân sách của Chính phủ.

Những việc này, theo ông Yoon, đã làm tê liệt ngành tư pháp Hàn Quốc, làm suy yếu các chức năng thiết yếu của nhà nước, biến đất nước này thành thiên đường của tội phạm ma túy trong khi người dân đối mặt với khủng hoảng sinh kế.

Gia tăng căng thẳng trên chính trường Hàn Quốc

Ngày 4/12, đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc đã kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi việc luận tội nếu nhà lãnh đạo này từ chối.

Trong nghị quyết thông qua tại phiên họp khẩn cấp ở Quốc hội sáng cùng ngày, đảng DP nêu rõ: "Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vi phạm Hiến pháp" và "mọi yêu cầu cần thiết cho việc ban bố tình trạng thiết quân luật đều không được tuân thủ".

Cũng trong ngày 4/12, các hãng thông tấn Newsis và Yonhap đưa tin Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và các thư ký cấp cao đã xin từ chức.

Trong diễn biến liên quan ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh quyết định hủy bỏ lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington tiếp tục hy vọng các bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật.

Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng cho biết Chính phủ nước này ủng hộ việc Tổng thống Hàn Quốc dỡ bỏ lệnh thiết quân luật và tôn trọng yêu cầu của Quốc hội Hàn Quốc về việc chấm dứt tình trạng này.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul khuyến cáo công dân Mỹ ở Hàn Quốc nên tránh xa các khu vực đang diễn ra biểu tình.

Chính phủ Hàn Quốc cam kết ổn định thị trường

Bộ trưởng Tài chính-Kinh tế Hàn Quốc Choi Sang Mok đêm 3/12 (giờ địa phương) cho biết, chính phủ sẽ triển khai mọi nguồn lực sẵn có để giảm thiểu tác động lên thị trường tài chính và ngoại hối của nước này bao gồm cung cấp thanh khoản không giới hạn, nhằm giải quyết tình trạng bất ổn tiềm tàng của thị trường sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật.

Bộ trưởng Choi Sang Mok tại cuộc họp khẩn cấp với người đứng đầu Ngân hàng Hàn Quốc, Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc, cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ tổ chức các cuộc họp khẩn cấp hàng ngày về các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính để thiết lập một hệ thống quản lý khủng hoảng.

Theo Bộ Tài chính-Kinh tế Hàn Quốc, những người tham dự cuộc họp khẩn cấp cũng nhấn mạnh cam kết thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ sự ổn định kinh tế quốc gia và chuẩn bị cho mọi tình huống.

Trước đó, ngay sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, đồng won Hàn Quốc đã trượt xuống mức thấp nhất là 1.430 won/USD trong phiên giao dịch đêm 03/12. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/10/2022, khi đồng won giảm xuống còn 1.432,4 won/USD trong phiên giao dịch nội bộ.

Thị trường tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh thiết quân luật. Tính đến 23h ngày 3/12, đồng Bitcoin đã giảm 2,65% phần trăm so với ngày hôm trước. Trong khi đó, MSCI South Korea ETF cũng giảm tới 7% trong phiên giao dịch tại thị trường Mỹ đầu ngày 4/12.

Lãnh đạo đảng cầm quyền yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng lập tức từ chức

Theo Yonhap và Sputniknews, ngày 4/12, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc Han Dong Hoon yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong Hyun từ chức ngay lập tức, trong bối cảnh tình hình trong nước rối ren.

Ông Han Dong Hoon nhấn mạnh: "Tổng thống Yoon nên trực tiếp giải thích tình hình nghiêm trọng này và nghiêm trị những người chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc sa thải ngay lập tức Bộ trưởng Quốc phòng, người đề xuất áp đặt thiết quân luật."

Trước đó, nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Yoon đã đồng loạt đệ đơn từ chức, trong đó có Chánh Văn phòng Tổng thống Chung Jin Suk, Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won Sik cũng như bảy trợ lý cấp cao.

Ngày 4/12, Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp đối với công dân nước này, nhấn mạnh tình hình "bất ổn" ở Hàn Quốc sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ và khuyến cáo họ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn.

Đại sứ quán Mỹ đăng thông tin khẩn cấp trên trang web riêng một ngày sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, được dỡ bỏ vài giờ sau khi Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu bác bỏ.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết Tokyo đang theo dõi tình hình ở Hàn Quốc với "mối quan ngại đặc biệt và nghiêm trọng" sau khi Tổng thống nước láng giềng châu Á tuyên bố bãi bỏ thiết quân luật trong đêm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

(PNTĐ) - Khu vực châu Phi cận Sahara đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ lên tới 70% - cao nhất toàn cầu. Tình trạng đáng báo động này tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của châu lục và đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia.
Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.