Chuyến thăm của tàu khu trục Anh đến Việt Nam: Đưa Việt Nam và Anh xích gần nhau hơn

Chia sẻ

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard của Việt Nam Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) đã có cuộc diễn tập PASSEX với tàu khu trục HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh.

Chuyến thăm, làm việc 4 ngày tại Cam Ranh, Khánh Hòa của tàu HMS Richmond giúp Việt Nam và Vương quốc anh "xích gần" nhau hơn trong quan hệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là nâng cao năng lực hàng hải, đảm bảo hòa bình ở Biển Đông.

Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng (chiến hạm thuộc lớp tàu hộ vệ Gepard, đề án 11661E (Gepard 3.9) của Hải quân Nhân dân Việt Nam) đã cùng với tàu khu trục HMS Richmond của Anh tham gia cuộc diễn tập PASSEX ngoài khơi Cam Ranh ngày 4/10.

Tàu khu trục HMS Richmond của Anh tại cảng Cam Ranh, Khánh Hoà.Tàu khu trục HMS Richmond của Anh tại cảng Cam Ranh, Khánh Hoà.

Chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia Anh diễn ra đúng vào thời điểm đặc biệt kỷ niệm 10 năm quan hệ quốc phòng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.

Lễ tiễn tàu rời quân cảng Cam Ranh đã diễn ra sáng 4/10. “Tạm biệt Việt Nam, chắc chắn lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh sẽ sớm gặp lại các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều!”, HMS Richmond gửi lời chào bằng tiếng Việt trên Twitter.

Đại sứ Anh Gareth Ward chia sẻ lại lời chào tạm biệt và cảm ơn Việt Nam của tàu HMS Richmond, đồng thời chúc tàu tiếp tục hành trình thuận buồm xuôi gió, hoàn thành sứ mệnh.

Trên đường rời khỏi Cam Ranh, HMS Richmond đã cùng với tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc diễn tập theo hình thức PASSEX.

PASSEX là viết tắt của “passage exercise”. Đây là hình thức diễn tập mà theo đó, các tàu chiến di chuyển theo đội hình và thực hiện các hoạt động trao đổi, liên lạc bằng tín hiệu đèn, thiết bị vô tuyến nhằm đảm bảo làm tốt công tác phối hợp trong trường hợp cần thiết.

HMS Richmond là một trong số các tàu chiến có nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong đợt triển khai lần này đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sĩ quan tàu chào tạm biệt các sĩ quan Hải quân Việt Nam trước khi tàu lên đường.Sĩ quan tàu HMS Richmond chào tạm biệt các sĩ quan Hải quân Việt Nam trước khi lên đường.

Ngày 1/10 vừa qua, chỉ huy tàu HMS Richmond là thuyền trưởng Hugh Botterill cho biết ông rất vinh dự khi đến thăm Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có dịp quay lại để hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Theo ông Hugh Botterill, HMS Richmond là một tàu khu trục đa nhiệm được ông ví như dao xếp đa năng Thụy Sĩ.

Tàu Hải quân HMS Richmond là tàu khu trục thuộc lớp Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh, được đưa vào sử dụng năm 1993. Dù về lý thuyết, biên chế chỉ 185 người, nhưng HMS Richmond có 193 thủy thủ, dài 133m với trọng tải 4.812 tấn.Tàu chuyên sử dụng trong các nhiệm vụ săn tàu ngầm nhưng cũng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, bao gồm chống cướp biển, tội phạm xuyên biên giới và hỗ trợ nhân đạo.

“Chúng tôi chưa hiểu rõ về năng lực săn ngầm của Việt Nam vì chưa có các hoạt động tương tự với Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhưng tôi tin các hoạt động sắp tới giữa hải quân hai nước sẽ giúp ích”, thuyền trưởng Hugh Botterill chia sẻ.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam trước đó cũng nhắc lại sự kiện tàu HMS Richmond là tàu hải quân thứ tư thăm Việt Nam sau các tàu HMS Daring (năm 2013), HMS Albion (năm 2018) và HMS Enterprise (năm 2020).

HMS Richmond gửi lời chào bằng tiếng Việt trên Twitter:

Sự hiện diện của tàu Hải quân Hoàng gia Anh ở vùng biển của Việt Nam, ở Biển Đông một lần nữa nhấn mạnh cam kết của Vương quốc Anh về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, với trọng tâm là quan hệ đối tác với Việt Nam.

“Chúng tôi rất vui khi được đến thăm Việt Nam. Vai trò của chúng tôi là thể hiện cam kết của Vương quốc Anh đối với sự hiện diện bền bỉ và đáng tin cậy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các đối tác khu vực quan trọng như Việt Nam”, thuyền trưởng Hug Botterill, Trung tá chỉ huy của HMS Richmond khẳng định và nêu rõ hai bên chia sẻ những mối quan tâm chung như: an ninh hàng hải, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và mong muốn thấy sự tăng trưởng kinh tế chung.

Đặc biệt, tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Anh tới Việt Nam vào tháng 7/2021, hai nước sẽ gia tăng hợp tác quốc phòng hơn nữa.

Đồng thời, đến cuối năm 2021, Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng song phương thường niên lần thứ 4.

“Chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự cần thiết phải đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vì hòa bình và an ninh toàn cầu”, Đại sứ Gareth Ward nói và nhấn mạnh Việt Nam – Vương quốc Anh đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề an ninh hàng hải và duy trì hòa bình ở Biển Đông theo luật lệ quốc tế.

MINH THƯ

Tin cùng chuyên mục