Covid-19 làm tăng lượng rác thải nhựa trong đại dương

Chia sẻ

Nhu cầu về nhựa PPE đã tăng “vượt tầm kiểm soát” trong bối cảnh Covid-19 khiến lượng rác thải nhựa tràn ra đại dương tăng đột biến.

Lượng rác tương đương 2.000 xe buýt hai tầng

Báo cáo nêu ra con số “giật mình” 25.900 tấn rác thải nhựa - tương đương hơn 2.000 xe buýt hai tầng đã rò rỉ ra đại dương, chủ yếu là khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ. Mặc dù các nước đã có nhiều biện pháp xử lý những loại rác này, tuy nhiên do xử lý không đúng cách nên gây ra tác động ngược.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát, nhu cầu về quần áo, găng tay bảo hộ cũng như khẩu trang gia tăng. Ước tính có tới hơn 8,4 triệu tấn rác thải nhựa đã được tạo ra bởi 193 quốc gia trên thế giới. Tác giả của báo cáo “Mức độ nghiêm trọng và tác động của chất thải nhựa có liên quan đến đại dịch” của hai nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nam Kinh - Yiming Peng và Peipei Wu cho biết: “Việc xử lý rác thải nhựa trên toàn cầu vốn đang gặp nhiều khó khăn, Covid-19 xuất hiện càng làm việc này trở nên mất kiểm soát”.

Điều này đặt ra vấn đề lâu dài đối với môi trường đại dương và trên các bãi biển cũng như trầm tích ven biển. Các nhà khoa học dự đoán vào khoảng cuối thế kỷ này, hầu hết các loại rác thải nhựa liên quan đến đại dịch sẽ kết thúc “hành trình” của mình ở đáy biển hoặc trên các bãi biển.

Theo đó, 46% lượng rác thải nhựa không được xử lý đến từ châu Á, tiếp theo là 24% ở châu Âu và con số ở khu vực Bắc và Nam Mỹ là 22%. Hai nhà nghiên cứu Peng và Wu lưu ý, có đến 87,4% lượng chất thải dư thừa là từ các bệnh viện, chứ không phải từ việc sử dụng cá nhân. Việc sử dụng nhựa PPE của cá nhân chỉ chiếm 7,6%, trong khi chỉ tính riêng bao bì và bộ dụng cụ test đã chiếm lần lượt 4,7% và 0,3% lượng chất thải.

Được biết, hàng chục nghìn tấn khẩu trang, găng tay và bộ dụng cụ test đã trôi ra đại dương kể từ khi bắt đầu đại dịch cho đến tháng 8 năm nay. Trước khi ra đại dương, chúng đã trôi dọc theo 369 con sông lớn trên thế giới. Đứng đầu trong số đó là sông Shatt al-Arab ở đông nam Iraq với 5.200 tấn chất thải PPE, sông Indus ở Tây Tạng 4.000 tấn và sông Dương Tử ở Trung Quốc 3.700 tấn. Ở châu Âu, sông Danube mang theo nhiều chất thải nhựa nhất với khoảng 1.700 tấn.

Những phát hiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các con sông là điểm nóng cần được chú ý đặc biệt trong việc quản lý chất thải nhựa. “Chúng tôi nhận thấy tác động lâu dài của việc xả thải liên quan đến đại dịch trong đại dương ở quy mô toàn cầu. Vào cuối thế kỷ này, các loại nhựa liên quan đến đại dịch đều sẽ nằm ở đáy biển (28,8%) hoặc các bãi biển (70,5%)”, tác giả cho biết, đồng thời cảnh báo cần phải quản lý chất thải y tế tốt hơn ở các tâm chấn của đại dịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Đồ bảo hộ được tìm thấy nhiều hơn dưới đáy các đại dương từ khi dịch bùng phát.Đồ bảo hộ được tìm thấy nhiều hơn dưới đáy các đại dương từ khi dịch bùng phát.

Gây hậu quả với “sức khoẻ” đại dương và con người

Nhựa thải ra biển có thể di chuyển những đoạn đường rất dài trong lòng đại dương, làm nhiều loài sinh vật tự nhiên có nguy cơ bị tổn thương, thậm chí tử vong, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học biển.

Một báo cáo được đưa ra hồi tháng 3 đã chỉ ra trường hợp đầu tiên về một con cá bị mắc kẹt trong một chiếc găng tay y tế thải ra trong trong quá trình dọn dẹp kênh ở Leiden, Hà Lan. Tại Brazil, một chiếc khẩu trang PFF-2 đã được tìm thấy trong dạ dày của một con chim cánh cụt Magellanic đã chết. Rùa biển và cá voi có răng thường được phát hiện có lượng lớn túi nhựa và vải nhựa trong ruột. Cấu tạo cơ thể của một số loài rùa biển và cá voi có răng làm cho nhựa nuốt vào rất khó được đào thải.

Khi chìm xuống đáy biển, các chất thải nhựa này có khả năng làm thay đổi hoạt động của hệ sinh thái. Lớp nhựa có thể ảnh hưởng tới quá trình trao đổi khí và dẫn đến hiện tượng yếm khí hay thiếu hụt oxy. Nhựa cũng có thể tạo ra các nền đất cứng nhân tạo và gây ra vấn đề cho các loài vùi mình dưới đáy. Đó là chưa kể tới việc những chiếc găng tay, đồ bảo hộ hoặc khẩu trang trôi nổi theo các dòng sông ra biển có thể mang theo mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác làm cho sự lây lan của dịch bệnh càng trở nên phức tạp và khó lường.

Chính những tác động nghiêm trọng tới sức khoẻ và môi trường khiến việc quản lý và xử lý chất thải nói chung và chất thải nhựa phát sinh do đại dịch nói riêng càng trở nên cấp bách. Mỗi quốc gia cần có những giải pháp thiết thực quản lý, thu gom cũng như xử lý rác thải nhựa nhằm tránh những tác hại không mong muốn cho môi trường và sức khoẻ con người.

MINH THƯ

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.