Độc đáo nhạc truyền thống Việt Nam hoà cùng vũ điệu châu Phi

Chia sẻ

Những giai điệu mang bản sắc âm nhạc Việt Nam đã cùng hòa quyện với vũ điệu cuồng nhiệt của miền đất Tây Phi trong chương trình nghệ thuật đa phương tiện mang tên Heave/Phập phồng.

Nghệ sỹ nhạc điện tử Lương Huệ Trinh.Nghệ sỹ nhạc điện tử Lương Huệ Trinh. (Ảnh: NVCC)

Nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống

Lần đầu tiên, hình thức diễn xướng Chầu văn trong tín ngưỡng Thờ Mẫu cùng các âm thanh trong đời sống hàng ngày, và cả những giai điệu mượt mà của cây đàn tranh Việt Nam được hòa quyện cùng những âm thanh đường phố ở Accra (thủ đô của Cộng hòa Ghana) và những bài hát nghi lễ tôn giáo cổ xưa của quốc gia này trong chương trình nghệ thuật đa phương tiện “Heave/Phập phồng”. Đây cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam giao lưu nghệ thuật cùng các nghệ sĩ châu Phi tại Ghana.

Theo kế hoạch, “Heave/Phập phồng” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Âm nhạc và Múa tại Accra. Tuy nhiên do dịch bệnh nên ban tổ chức quyết định phát sóng chương trình theo hình thức trực tuyến.

Chương trình biểu diễn đa văn hoá này bắt nguồn từ sự hợp tác của Giám đốc Alliance Française tại Accra, ông Emmanuel Labrande và một trong những nghệ sĩ âm nhạc điện tử acoustic nổi bật của nền âm nhạc đương đại Việt Nam - Lương Huệ Trinh.

Nghệ sĩ Lương Huệ Trinh chia sẻ: “Mặc dù số lượng khách được mời đến thưởng thức buổi diễn trực tiếp là khá khiêm tốn so với số ghế của nhà hát ngoài trời, do ban tổ chức muốn bảo đảm một khoảng cách an toàn cho người thưởng thức, nhưng việc phát sóng trực tuyến cũng đã mang chương trình nghệ thuật đến với khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài hơn 100 khán giả xem trực tiếp thì lượng người theo dõi qua internet cũng lên tới con số hàng trăm từ Ghana,Việt Nam, Pháp, Đức và Mỹ”.

Các nghệ sỹ đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. Mọi người đều rất thích thú khi được thưởng thức một chương trình biểu diễn đa phương tiện và và đa văn hóa như vậy. Đặc biệt, họ ngạc nhiên khi nhận ra những bài hát cổ xưa trong nghi lễ ở Ghana được giới thiệu trong một không gian mới, và còn được kết hợp với âm sắc nhạc cụ của người Việt mà họ chưa từng biết tới trước đây. Điều này mang đến một sự mới lạ. Có khán giả nói, khi nghe thấy âm thanh của những người bán hàng rong trong phần âm nhạc, ban đầu họ còn thấy ngạc nhiên, tưởng nhầm là những người bán ấy đang ở gần họ. Nhiều khán giả phản hồi rằng “Phập phồng” mở ra một cánh cửa mới, góp phần đưa những yếu tố văn hóa dân gian đến gần công chúng hơn, trong một sản phẩm nghệ thuật tổng hòa.

“Heave/Phập phồng” – đúng như tên gọi của nó, là sự lên xuống cao độ trong âm nhạc, cũng là chuyển động của cơ thể mỗi khi chúng ta hít thở. Ngày nay, việc tưởng chừng như rất đơn giản là thở thì đối với người dân ở nhiều nơi trên thế giới, đó lại là một điều xa xỉ bởi ô nhiễm, áp lực cuộc sống, bạo lực và bệnh dịch. Đặc biệt là trong đợt bùng phát Covid-19 vừa qua ở Ấn Độ, rất nhiều người đã chết vì thiếu oxy để thở. Do đó, thông qua chương trình, các nghệ sĩ đặt ra câu hỏi rằng con người có thể làm gì để lấy lại nhịp thở bình thường.

Nghệ sĩ Lương Huệ Trinh cho rằng thở là biểu hiện của sự tồn tại và tất thảy những thứ ô nhiễm kia đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và cả sự thở của mỗi người. “Khi Covid-19 tấn công xã hội thì chúng ta càng nhận thức rõ hơn về việc thở, về sự nguy hiểm khi thiếu oxy,” nghệ sĩ nói thêm. 

Biên đạo múa Sena Atsugah rất tâm đắc với chủ đề của chương trình, bởi nó đã phản ánh chân thực cuộc sống hiện nay. “Các hoạt động của con người đã tàn phá môi trường. Thông qua âm nhạc, vũ đạo truyền thống và đương đại, thơ ca và video, chương trình đã tái hiện những tác động của con người đối với môi trường tự nhiên. Từ đó kêu gọi mọi người thay đổi cách sống để môi trường trở nên an toàn và thân thiện hơn”, Sena chia sẻ. Nghệ sĩ cũng mong muốn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mọi người sẽ thay đổi hành vi cá nhân để góp phần vào sự phát triển của cộng đồng.

Một tiết mục đặc sắc trong buổi diễn.Một tiết mục đặc sắc trong buổi diễn. (Ảnh: BTC)

Những khó khăn trong quá trình sản xuất

Covid-19 khiến mọi thứ đều bị giảm thiểu, ngay cả những điều kiện về mặt kỹ thuật hay nhân lực. Mặc dù “Heave/Phập phồng” được coi là một trong những dự án “tốn kém” nhất của Alliance Française Accra nhưng nghệ sỹ Lương Huệ Trinh, ngoài việc sáng tác âm nhạc và video, với vai trò là tổng đạo diễn và dàn dựng chương trình, chị đã phải tự làm rất nhiều khâu khác nhau như truyền thông, ngân sách, thiết kế sân khấu rồi lại cùng biên đạo múa Sena Atsugah đi chợ chọn vải. Chị cũng tự lên kế hoạch về ánh sáng và kỹ thuật. Lương Huệ Trinh luôn có mặt trong tất cả các buổi tập của các diễn viên múa nhằm bảo đảm mạch nối của cả chương trình. Không những thế, chị và nghệ sỹ thể nghiệm giọng nói, nhà thơ Oteanankanduro còn cùng nhau đi mua sơn về và tự vẽ mẫu họa tiết trên các khung gỗ dùng để treo những tấm vải dài trên sân khấu.

Trước khi được sử dụng sân khấu ngoài trời của Alliance Française Accra, các nghệ sỹ múa phải mượn phòng học hoặc sân tập ngoài trời ở trường Nghệ thuật biểu diễn nằm trong khuôn viên của Đại học Ghana làm nơi tập luyện. Các buổi tập nhiều khi phải hoãn lại nhường chỗ cho các lớp học. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, các nghệ sĩ đã vượt qua tất cả khó khăn để mang đến cho khán giả một buổi diễn hoành tráng.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình.Các nghệ sĩ tham gia chương trình. (Ảnh: BTC)

Kết nối hai nền văn hoá

Khi sáng tác, bên cạnh những âm thanh thể nghiệm, Lương Huệ Trinh luôn khai thác chất liệu trong âm nhạc truyền thống Việt Nam và vận dụng một cách sáng tạo. Chị quyết định đưa vào “Phập phồng” một phần màu sắc trong văn hóa tín ngưỡng dân gian ở cả hai nước như một sự đối thoại sau khi tìm hiểu về âm nhạc truyền thống Ghana qua các nghi lễ tôn giáo.

Với Ghana, chị sử dụng các bài hát cổ xưa trong nghi lễ mời thần sấm và những điệu múa dân gian của đất nước này hoà quyện cùng một số chất liệu trong tín ngưỡng Thờ Mẫu là hát chầu văn trong hầu đồng cùng những hình ảnh chuyển động của thanh đồng trong các giá chầu ở Việt Nam.

Không những thế, các âm thanh trong cuộc sống hàng ngày ở Accra và Hà Nội cũng được nữ nghệ sĩ thu âm lại để đưa vào chương trình như tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng xe cộ và tiếng người trò chuyện ở con ngõ nhỏ nơi bố mẹ Trinh đang sinh sống.

Biên đạo múa Sena Atsugah cho biết việc lần đầu được hợp tác với một nhạc sĩ Việt Nam là Lương Huệ Trinh khiến chị rất phấn khích và có phần lo lắng. “Trinh đã hòa mình vào nền văn hóa Ghana, do đó tôi thấy rất hào hứng và trân trọng khi được làm việc cùng cô ấy. Mong rằng tôi có thể góp phần lan tỏa ý nghĩa của chương trình”, Sena nói.

Việc kết hợp âm nhạc và hình ảnh của hai nền văn hóa xa xôi nhưng có những điểm tương đồng đã khiến khán giả Việt Nam cảm thấy thích thú và gần gữi hơn với âm nhạc Ghana, và ngược lại. Từ đó, kéo gần hơn mối quan hệ của hai nền văn hóa vốn cách xa về mặt địa lý.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.