Đốt chất thải có thể làm lu mờ kế hoạch khí hậu COP-26 của Việt Nam

Chia sẻ

Phân tích do Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt (GAIA) cho thấy Việt Nam đang áp dụng một số chiến lược giảm thiểu rác thải trong kế hoạch khí hậu của mình, tuy nhiên, những nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của Việt Nam có thể bị làm suy yếu bởi nhiều công trình đốt rác “biến chất thải thành năng lượng.

Việc đốt một tấn rác thải đô thị sẽ thải ra 1,7 tấn carbon dioxide (CO2) vào bầu khí quyển. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), quản lý chất thải là một trong ba lĩnh vực có tiềm năng cao nhất làm giảm sự gia tăng nhiệt độ trong 10 đến 20 năm tới.

Là một phần của Thỏa thuận Paris 2015, chính phủ các quốc gia đã đồng ý đệ trình kế hoạch giải trình những chiến lược mà quốc gia của họ sẽ áp dụng để giúp giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với mục tiêu 1,5°C. Các kế hoạch này được gọi là Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và nhiều quốc gia đã đệ trình các bản cập nhật trong năm nay để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26).

NDC của Việt Nam có một số điểm tích cực xung quanh cách tiếp cận quản lý chất thải, chẳng hạn như đề cập đến việc xử lý rác hữu cơ làm phân vi sinh, phân loại tại nguồn tốt hơn, tái sử dụng và tái chế. Tuy nhiên, NDC của Việt Nam cũng đề cập đến việc đốt rác “biến chất thải thành năng lượng”, một giải pháp được chứng minh là hình thức quản lý chất thải có hại nhất, xét từ khía cạnh khí hậu và sức khỏe con người.

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống..

Trên thực tế, việc đốt rác thải gây ô nhiễm còn nhiều hơn các nhà máy nhiệt điện than. Hiện ở Việt Nam có một số dự án đốt chất thải đang được các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới tài trợ ở Hà Nội và Bắc Ninh nhưng thiếu sự tham vấn của các bên liên quan.

Kế hoạch cũng bao gồm việc sử dụng “nhiên liệu có nguồn gốc từ rác thải”. Theo đó, chất thải được đốt trong các nhà máy xi măng, lò hơi công nghiệp và các cơ sở đốt khác. Các địa điểm đốt này thường không có cơ chế kiểm soát ô nhiễm dẫn đến việc phát thải nguy hiểm không chỉ khí nhà kính mà còn các hóa chất độc hại khác như kim loại nặng, hạt vật chất và carbon monoxide, đe dọa sức khỏe của các cộng đồng xung quanh.

Bà Quách Thị Xuân, điều phối viên của Liên minh Không rác Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam đã chọn quản lý chất thải là một trong số các lĩnh vực ưu tiên giảm nhẹ khí nhà kính vào NDC cho giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể đặt ra mục tiêu tham vọng hơn nhiều nếu theo đuổi các giải pháp phù hợp để giảm phát sinh chất thải như: loại bỏ dần và tiến tới cấm hoàn toàn nhựa sử dụng một lần vào năm 2040, từ bây giờ không xây lò đốt mới và tiến tới cấm đốt rác dưới mọi hình thức vào năm 2050, vì cả hai hoạt động này đều gây ra lượng khí thải đáng kể”.

Liên minh Không rác Việt Nam đã cùng với hơn 300 thành viên của tổ chức GAIA trên khắp thế giới viết thư ngỏ gửi các đại biểu COP-26, yêu cầu thu hẹp khoảng cách phát thải để đảm bảo nhiệt độ tăng không quá 1,5ºC, loại bỏ việc đốt rác, kể cả “đốt rác phát điện” khỏi các kế hoạch khí hậu, ngừng mở rộng hóa dầu, giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch và giảm sản xuất nhựa, đồng thời tránh các kế hoạch như mua bán và bù đắp carbon dưới chiêu bài của khuôn khổ “net zero” (cam kết lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khỏi khí quyển).

Đốt rác thải, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn dẫn đến tình trạng cháy nổ không kiểm soát.Đốt rác thải, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn dẫn đến tình trạng cháy nổ không kiểm soát.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng cần yêu cầu các công ty hóa dầu và gây ô nhiễm nhựa phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu. Phong trào Break Free From Plastic đã công bố báo cáo Kiểm toán Thương hiệu toàn cầu hàng năm, trong đó xếp hạng Coca Cola và PepsiCo là hai tập đoàn gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới trong năm thứ 4 liên tiếp.

Tin tốt đó là tiếp cận không rác là một chiến lược hiệu quả, chi phí hợp lý, toàn diện và đã được chứng minh là có thể giúp ngăn chặn thảm họa khí hậu, có hàng trăm thành phố đã và đang dẫn đầu phong trào này.

Tiến sĩ Neil Tangri, Giám đốc Khoa học và Chính sách tại GAIA, phát biểu: “Trước cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, các chính phủ đang bỏ lỡ một cơ hội quan trọng trong việc áp dụng giải pháp không chất thải như một chiến lược hợp lý, hướng tới không phát thải và nền kinh tế bền vững. Việc chấm dứt các hoạt động xấu như đốt chất thải và sản xuất quá nhiều nhựa sẽ tạo ra cơ hội việc làm và kinh doanh mới trong việc tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và xử lý chất hữu cơ”.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục