Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng thích sống bám cha mẹ

Chia sẻ

Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chọn cuộc sống độc thân hoặc trì hoãn kết hôn, thích sống cùng cha mẹ trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Không phải ngẫu nhiên Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con với những chính sách khích lệ cao. Theo những thống kê gần đây, đất nước xứ kim chi đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng dân số khi tỷ lệ trẻ sinh ra ít hơn số người chết đi. Trong khi đó, giới trẻ ngày càng thích chọn cuộc sống không kết hôn hoặc hôn nhân muộn, đồng thời kéo theo hiện tượng sinh con ở độ tuổi khá cao.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu xã hội, hiện nay, nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chọn cách xa ba cột mốc quan trọng của cuộc đời: hẹn hò, kết hôn và sinh con mà nguyên nhân chính là họ không thể tìm được việc làm tử tế trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà tăng chóng mặt. Đối phó với những khó khăn này, ngày càng có nhiều người trẻ chọn cách sống cùng cha mẹ. 

Theo báo cáo của Cục Thống kê gia đình Hàn Quốc, hơn một nửa số người chưa kết hôn ở độ tuổi 30 đang sống với cha mẹ. 54,8% người Hàn Quốc độc thân ở độ tuổi 30 đang sống với cha mẹ mà không có ý định dọn ra ở riêng. Báo cáo còn cho thấy, nếu tính độ tuổi từ 20-44 chưa kết hôn đang sống với cha mẹ thì lên đến 62,3%. Ngoài ra, 61,6% phụ nữ độc thân độ tuổi từ 30-44 nghĩ rằng vẫn ổn ngay cả khi họ không kết hôn. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 45,9% đối với nam giới độc thân trong cùng nhóm tuổi. Trong số những người được khảo sát, 42,1% không có việc làm, cho thấy tình trạng việc làm không ổn định dường như là yếu tố chính đằng sau cái gọi là “bộ lạc Kangaroo”. 

Theo thống kê của Hàn Quốc, số lượng các cặp vợ chồng kết hôn ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào năm 2020.Theo thống kê của Hàn Quốc, số lượng các cặp vợ chồng kết hôn ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào năm 2020.

Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng thích sống bám cha mẹ - ảnh 2

“Bộ lạc Kangaroo” là thuật ngữ mà nước này dùng để chỉ những người phụ thuộc vào cha mẹ về tài chính và tình cảm ngay cả khi họ đã đủ lớn và có thể chọn cuộc sống độc lập. “Áp lực về tìm kiếm việc làm, áp lực kinh tế và trách nhiệm nặng nề đè nặng trên vai những người lập gia đình đã khiến giới trẻ Hàn Quốc ngại kết hôn. Không những thế, đại dịch khiến kinh tế khủng hoảng, người đi làm thì mất việc hoặc giảm thu nhập, phải mất một thời gian mới tìm được việc do thị trường việc làm bị thu hẹp. Trong khi đó, những người trẻ hơn thì khó tìm việc, những khoản vay thời sinh viên khó hoàn trả khiến họ ngại ra ngoài. Sống với cha mẹ sẽ an toàn về mặt tài chính hơn”, chuyên gia tâm lý Kim nhận định.

Hệ quả, tỷ lệ kết hôn và sinh con ở Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc cuối năm 2020, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc giảm 10,7% và tỷ lệ sinh giảm 6,3% so với năm 2019 và con số này giảm liên tục tính ngược mỗi năm trở về trước. Điều này đã khiến cho dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng.

“Sự sụt giảm diễn ra khi ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc nghĩ rằng hôn nhân không phải là điều bắt buộc. Họ chọn cuộc sống bớt áp lực và bớt trách nhiệm hơn do những khó khăn trong tìm việc làm hay mua nhà”, đại diện Cục Thống kê gia đình Hàn Quốc nói.

Để khuyến khích người dân sinh con, Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên đưa ra những chính sách hỗ trợ đặc biệt. Gần đây nhất là cuối năm 2020, chính phủ công bố chính sách dân số trong 5 năm tới, bao gồm thưởng tiền mặt khi sinh con, trợ cấp chăm sóc trẻ em và tăng lợi ích cho những gia đình sinh nhiều con… Nhưng các nhà phê bình cho rằng, những biện pháp này không giúp giải quyết được nhiều.

Bởi, bên cạnh áp lực về tài chính gia đình, một số chuyên gia cho biết, nếu trước đây phụ nữ Hàn Quốc ngại kết hôn và sinh con vì sợ bị áp đặt vào chuẩn mực xã hội, phụ nữ chỉ nuôi dạy con, chăm sóc cha mẹ chồng già trong khi chồng đi làm thì hiện nay, họ càng chạy theo xu hướng không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con và sống an nhàn bên cha mẹ nhiều hơn. 

T. N

Tin cùng chuyên mục