IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến

THUẦN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 đang trên đà hồi phục nhanh chóng sau giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của IMF, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, một phần nhờ vào xuất khẩu mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một yếu tố nữa là hiệu quả của những hành động của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ví dụ như việc cắt giảm lãi suất, gia tăng đầu tư công và tăng lương cũng góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh.

Đánh giá về triển vọng 6 tháng cuối năm 2024, ông Medas kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Tốc độ tăng trưởng của cả năm 2024 sẽ chậm lại phần nào, chủ yếu do nền kinh tế đã phục hồi từ cuối năm 2023 và tăng tốc mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024. IMF dự báo mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp hơn một chút so với nửa đầu năm, nhưng nhìn chung vẫn sẽ ở mức trên 6%.

IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến - ảnh 1
Ông Paulo Medas. Ảnh: TTXVN

Về lạm phát, ông Medas cho biết lạm phát Việt Nam hiện ở mức khoảng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. IMF dự báo lạm phát có khả năng duy trì gần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông cảnh báo rủi ro lạm phát cao hơn từ đồng Việt Nam mất giá và lương khu vực công tăng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát và có biện pháp điều tiết khi cần thiết.

Về lãi suất, ông Medas nhận định có thể lãi suất cao kéo dài ở nhiều nước do lạm phát không giảm nhanh như kỳ vọng. Điều này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối 2024. Trong khi đó, lãi suất thấp ở Việt Nam để hỗ trợ phục hồi cũng gây áp lực làm đồng Việt Nam mất giá, gây nguy cơ lạm phát cao hơn nếu kéo dài.

Về xuất khẩu, ông Medas đánh giá tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua không ổn định do tình hình thế giới biến động. Trong nửa đầu 2024 xuất khẩu phục hồi nhưng vẫn có rủi ro từ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và các xung đột làm tăng chi phí thương mại.

Về khuyến nghị chính sách, ông Medas kêu gọi Việt Nam cần cân bằng phục hồi kinh tế và quản lý lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng điều chỉnh lãi suất khi cần thiết.

Mặt khác, ông Medas cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. IMF đang thực hiện một nghiên cứu sâu hơn về những gì có thể xảy ra đối với tăng trưởng trung hạn ở Việt Nam.

Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ dân số trẻ ngày càng tăng. Tuy nhiên dân số Việt Nam đang bắt đầu già đi và sẽ làm giảm sự tăng trưởng trong tương lai. Một vấn đề khác ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng là biến đổi khí hậu. Đây là những yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Một lĩnh vực quan trọng khác mà IMF khuyến nghị đối với Việt Nam là năng suất. Tăng trưởng năng suất của Việt Nam tiếp tục thấp hơn so với các nước trên thế giới. Do vậy những cải cách để tăng năng suất cao hơn có thể bù đắp cho vấn đề nhân khẩu học trong tương lai.

Một trong những lĩnh vực khác mà IMF đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam là về việc thực hiện nhiều cải cách hơn, chẳng hạn như cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm cả năng lượng và năng lượng tái tạo.

Ông Medas cho rằng đây là những điều thực sự quan trọng mà chính phủ Việt Nam đã và đang làm, nhưng cần tiếp tục thực hiện, nhất là đẩy nhanh các cải cách về khí hậu. Bên cạnh đó, phát triển thị trường vốn hiệu quả, minh bạch để phân bổ vốn tốt hơn vào các doanh nghiệp năng suất cao cũng là khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nga và Việt Nam ký kết chương trình hợp tác văn hóa song phương

Nga và Việt Nam ký kết chương trình hợp tác văn hóa song phương

(PNTĐ) - Chiều ngày 15/01/2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tiếp, làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên ban Nga Olga Liubimova nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-15/01/2025 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

(PNTĐ) - Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.