Lòng yêu nước là cơ sở tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thể hiện năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giáng đòn vào những kẻ xâm lược mạnh nhất và cơ sở tạo nên chiến thắng lịch sử này chính là lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.
Những ngày này, lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ được tổ chức rộng rãi ở Việt Nam. Ở Nga, nhiều người cũng biết và nhớ về sự kiện lịch sử này.
Chiến công của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm lĩnh công sự của Pháp ở Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 được báo chí Liên Xô đưa tin ngay ngày hôm sau. Tờ báo Izvestia ngày 8/5/1954 đã đăng bài báo dẫn lời của phóng viên hãng Reuters từ Paris: “Hôm nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiếm đóng pháo đài Điện Biên Phủ”. Sau đó, những đánh giá về sự kiện này đã xuất hiện trên các trang báo chí.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô khi ấy là Vyacheslav Molotov khi báo cáo tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 24/6/1954 đã lưu ý: “Trận đánh ở Điện Biên Phủ đã tạo nên làn sóng mới của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và có tác động đặc biệt mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam”.
Bộ trưởng Molotov cũng là trưởng phái đoàn Liên Xô tại Hội nghị Geneva, hội nghị mang lại hòa bình cho Đông Dương và sự công nhận toàn cầu về nền độc lập của Việt Nam, Campuchia và Lào.
Ngay từ năm 1955, nhờ bộ phim “Việt Nam trên đường tới chiến thắng” của Roman Carmen, khán giả ở Liên Xô và các nước khác đã biết được nhiều điều về trận Điện Biên Phủ.
Mặc dù Roman Carmen và các đồng nghiệp của ông đến Việt Nam sau khi chiến tranh đã kết thúc nhưng ông vẫn thể hiện một cách sinh động trận chiến Điện Biên Phủ và kết quả của nó.
Ông sử dụng những đoạn phim thời sự đã được các nhà quay phim của Quân đội Nhân dân Việt Nam quay trước đó. Một số cảnh trong phim này được dàn dựng như trong phim truyện, chẳng hạn Carmen ép quay cảnh tù binh Pháp, họ phải giơ tay trước máy quay để thể hiện sự đầu hàng của quân đội thực dân. Cảnh quay nổi tiếng của bộ phim này cũng được dựng lại: cảnh người lính Việt Nam giương lá cờ đỏ thắm với ngôi sao vàng tung bay trên boong-ke của tướng Pháp De Castries.
Cơ sở tạo nên chiến thắng: Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam
Thông tin về chiến thắng Điện Biên Phủ từ đó chiếm vị trí quan trọng trong các công trình nghiên cứu xuất bản ở Moskva về lịch sử Việt Nam và các nước châu Á, chúng đã được đưa vào trong tất cả các sách giáo khoa về lịch sử hiện đại.
Theo đó, trong tập VI “Lịch sử phương Đông” của Nga có đoạn: “Trong tiến trình chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi lịch sử trước Pháp, chấm dứt cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp”, (trang 719).
Theo phân tích của cố Giáo sư Nikolai Dmitrievich Kondratiev (người từng giữ các chức vụ quan trọng trong Nhà nước Liên Xô), trận Điện Biên Phủ dưới góc độ khoa học quân sự vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước được gọi là: “Cuộc đấu tranh vũ trang của các dân tộc châu Á vì tự do và độc lập”.
Ông đồng thời khẳng định trận đánh này là phần quan trọng nhất của toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kết luận về thành quả chiến thắng Điện Biên Phủ, ông viết: “Tinh thần chiến đấu cao đẹp và tinh thần yêu nước cách mạng của toàn dân và quân đội Việt Nam đã trở thành nguồn gốc thắng lợi của Quân đội Việt Nam” không chỉ đánh bại quân xâm lược, mà tinh thần ấy còn thể hiện năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giáng đòn vào những kẻ xâm lược mạnh nhất cả trong tương lai.