Ngoại giao Việt Nam: “Cây tre” vững chãi giữa cơn lốc địa chính trị toàn cầu

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong bối cảnh thế giới đang không ngừng biến động bởi các cuộc cạnh tranh địa chính trị, chiến tranh thương mại, xung đột lợi ích và khủng hoảng chuỗi cung ứng, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về khả năng thích ứng và duy trì ổn định. Với chính sách đối ngoại mềm dẻo nhưng kiên định, đất nước hình chữ S đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược của dòng vốn đầu tư toàn cầu, được báo chí quốc tế ví như “cây tre” dẻo dai trước những cơn gió lớn.

Ngoại giao “cây tre”: Mềm mại mà không mềm yếu

Một dấu mốc quan trọng trong hành trình vượt bão của Việt Nam là thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump (2017-2021). Khi Washington tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, hàng loạt tập đoàn quốc tế đã buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro. Theo tờ Kompas (Indonesia), Việt Nam đã tận dụng cơ hội vàng này để thu hút hàng tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ ngành sản xuất điện thoại di động, linh kiện điện tử đến giày dép, dệt may.

Hiện nay, phần lớn điện thoại thông minh của Samsung - tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã được sản xuất tại các nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Apple cũng đã bắt đầu chuyển dịch dây chuyền sản xuất iPad, MacBook, AirPods và Apple Watch sang Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các đối tác như Foxconn, Luxshare và Goertek. Các “ông lớn” công nghệ khác như Nintendo, Lenovo hay Pegatron cũng lần lượt thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài không chỉ đến từ phương Tây. Theo Tân Hoa Xã, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt mốc 2,5 tỉ USD trong năm 2024. Thương mại song phương Việt - Trung đạt hơn 260 tỉ USD trong cùng năm, tăng 13,5% so với năm trước và là năm thứ tư liên tiếp vượt mốc 200 tỉ USD.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ví như “ngoại giao cây tre” đã thể hiện rõ tinh thần mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên định vì lợi ích dân tộc. Chính sách này dựa trên nguyên tắc “4 không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước khác; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Theo tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (Ấn Độ), “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam xây dựng được mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện (CSP) đa dạng và cân bằng. Tính đến tháng 3/2025, Việt Nam đã ký kết CSP với 12 quốc gia, bao gồm cả các siêu cường như Mỹ, Trung Quốc, Nga, và các đối tác chủ chốt ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Điều này giúp Việt Nam tránh phụ thuộc quá mức vào một quốc gia cụ thể, đồng thời tạo ra “lá chắn an toàn” trước các biến động toàn cầu. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành nguồn cung cấp FDI ổn định, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh.

Ngoại giao Việt Nam: “Cây tre” vững chãi giữa cơn lốc địa chính trị toàn cầu - ảnh 1

Vị thế ngày càng gia tăng

Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 24/4, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier khẳng định: “Việt Nam là đối tác đáng tin cậy và được ưu tiên của EU tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Hiện hai bên đang triển khai 4 thỏa thuận hợp tác và 8 cơ chế đối thoại, bao gồm cả các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và công nghệ cao.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã giúp dỡ bỏ hơn 99% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường 27 nước thành viên EU. Điều này tạo cú hích lớn cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, và hàng điện tử - các lĩnh vực đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ đầu tư công nghệ và tiêu chuẩn hóa quốc tế.

Bình luận trên Bloomberg, nhà phân tích chính trị Andreas Kluth đã khuyến nghị các quốc gia nên học theo Việt Nam trong cách đối phó với thế giới đang thay đổi nhanh chóng: “Hãy như cây tre Việt Nam - uốn cong trước bão địa chính trị nhưng không gãy. Hợp tác với tất cả nhưng không phụ thuộc vào ai. Bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia bằng sự khôn ngoan và kiên định”.

Từ “cây tre làng” đến chính sách “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đang cho thấy bản lĩnh và sự trưởng thành chiến lược của một quốc gia nhỏ nhưng không hề nhỏ bé trên bản đồ toàn cầu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn nghệ thuật và hữu nghị Séc - Việt

Dấu ấn nghệ thuật và hữu nghị Séc - Việt

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam (1950-2025), đêm hòa nhạc “The Best of POP - ROCK - MOVIE MUSIC - FASHION RHYTHM” sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 17/6/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện được tổ chức dưới sự bảo trợ chính thức của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ “Czech Cultural Season in Vietnam 2024-2025”.
Tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt tại Kansai, Nhật Bản

Tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt tại Kansai, Nhật Bản

(PNTĐ) - Từ ngày 11-12/6/2025, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên đã dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban đi triển khai công tác hỗ trợ và vận động cộng đồng tại khu vực Kansai, Nhật Bản. Đoàn đã có buổi làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka cùng đại diện cộng đồng người Việt, đến thăm trường Việt ngữ Cây tre và chùa Hòa Lạc.
Việt Nam đã góp phần đưa SEARP trở thành một trụ cột hợp tác khu vực có ảnh hưởng thực chất và tầm nhìn dài hạn

Việt Nam đã góp phần đưa SEARP trở thành một trụ cột hợp tác khu vực có ảnh hưởng thực chất và tầm nhìn dài hạn

(PNTĐ) - Nhân dịp Việt Nam hoàn thành vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) giai đoạn 2022 - 2025 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch SEARP vừa qua của Việt Nam.