Nguy cơ từ làn sóng “hậu Covid-19”

Chia sẻ

Người bệnh khi xét nghiệm âm tính với Covid-19 chưa hẳn đã hoàn toàn chiến thắng căn bệnh này. Nhiều báo cáo trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp di chứng dai dẳng của Covid-19 cả về thể chất lẫn tinh thần.

“Âm tính” chưa hẳn đã khỏi bệnh

“Hậu Covid-19” theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một hội chứng xảy ra ở những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ước tính có khoảng 3 - 12% số bệnh nhân bị Covid-19 có các triệu chứng kéo dài tới 12 tuần kể từ lần nhiễm bệnh đầu tiên.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa BMJ cũng chỉ ra rằng, khoảng 1/3 bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên đã xuất hiện ít nhất một triệu chứng “hậu Covid-19” mới và cần được chăm sóc y tế trong vòng vài tháng sau đó. Triệu chứng bao gồm thay đổi đối với các cơ quan như tim, thận, phổi và gan. Từ đó dẫn đến khả năng bị suy hô hấp, mệt mỏi, huyết áp cao, bệnh huyết khối.

Chuyên gia dị ứng và miễn dịch đến từ Nga, Vladimir Bolibok cảnh báo hầu hết bệnh nhân nhiễm Covid-19 biến thể Omicron đều có diễn biến bệnh nhẹ. Tuy nhiên các biến chứng vẫn có khả năng xảy ra sau đó. “Omicron gây ra những thay đổi khá nghiêm trọng ở thành mạch máu phía trong”, ông Bolibok nói. Vị chuyên gia lưu ý một số tín hiệu ban đầu giúp nhận biết tình trạng này bao gồm đau đột ngột ở tay hoặc chân, tình trạng các cơ bị chuột rút, thường ở chân nhiều hơn, phù chân và xuất hiện vết rạn tĩnh mạch.

Trầm cảm là một trong những di chứng “hậu Covid-19” nguy hiểm. Ảnh: The Times of IndiaTrầm cảm là một trong những di chứng “hậu Covid-19” nguy hiểm. Ảnh: The Times of India

Những biến đổi về tuần hoàn máu sau khi nhiễm chủng Delta thường dẫn đến suy giảm thị lực, sau khi nhiễm Omicron biến chứng như vậy cũng khá phổ biến: “Huyết khối võng mạc xuất hiện. Bệnh nhân thường kêu đau mắt, nhìn không rõ, xuất hiện các đốm mờ. Triệu chứng này rất điển hình đối với chủng Delta, nhưng nó cũng xảy ra khá thường xuyên với biến thể Omicron”, bác sĩ Bolibok giải thích. Ông cảnh báo ngay cả những bệnh nhân nhiễm Omicron không có triệu chứng cũng không chắc chắn tránh được những hậu quả nói trên.

Bên cạnh các triệu chứng về tuần hoàn, người từng mắc Covid-19 còn có thể ngửi thấy mùi khét. Theo lý giải của bác sĩ tai mũi họng Ivan Leskov, biểu mô niêm mạc mũi bị tổn thương khiến người bệnh mất khứu giác hoặc khứu giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân cho biết sau khi khỏi bệnh thường ngửi thấy mùi khét hoặc những mùi khó chịu. Theo bác sĩ Leskov, điều này xảy ra là kết quả quá trình phục hồi lâu dài của biểu mô khứu giác hoặc cũng có thể do tổn thương các mạch máu nằm bên trong mũi.

Một triệu chứng “hậu Covid-19” nguy hiểm hơn đó là các vấn đề liên quan đến hệ thống thần kinh hay một số loại trầm cảm. Nghiên cứu mới đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dẫn đầu đã chỉ ra lo lắng và trầm cảm phổ biến ở những người từng nhiễm Covid-19. CDC cảnh báo triệu chứng có thể nghiêm trọng đến mức người bệnh bị đau dây thần kinh, đau cơ, cũng như mắc chứng khó ngủ kéo dài tới 5 tháng kể từ sau khi nhiễm bệnh.

Người bệnh cần làm gì?

Theo CDC, các triệu chứng “hậu Covid-19” thường liên quan đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. Do đó ngay khi phát hiện các triệu chứng này, người bệnh cần nhanh chóng thực hiện khám sức khoẻ tổng quát và điều trị triệu chứng tương tự như khi đang mắc bệnh.

WHO khuyến nghị người mắc “hậu Covid-19” nên tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tránh tụ tập ở những không gian trong nhà thông gió kém, thường xuyên sát khuẩn tay và quần áo, đồ dùng. Bên cạnh đó, tiêm vắc-xin cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa các di chứng này.

Đánh giá của Cơ quan An ninh Y tế Anh cho thấy, ngoài giúp ngăn chặn nhiễm bệnh, vắc-xin còn giúp người đã mắc Covid-19 giảm thiểu khả năng xuất hiện triệu chứng sau khi khỏi bệnh nếu tiêm đủ một hoặc hai liều vắc-xin so với những người chưa tiêm chủng. Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Surrey (Anh), Deborah Dunn Walters nhận định, lợi ích mà vắc-xin mang lại đối với người nhiễm Covid-19 không chỉ dừng ở làm sạch các ổ chứa virus còn sót lại hay các mảnh virus gây ra tình trạng viêm tại các cơ quan trong cơ thể. Tiêm phòng còn giúp cân bằng lại phản ứng miễn dịch – một trong những nguyên nhân tự nhiên khiến cơ thể gặp triệu chứng “hậu Covid-19”.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.